Không nên tăng giá, phí lúc này

06/06/2023 04:09 GMT+7

Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm từ 10 - 50% mức thu 36 khoản phí, lệ phí dự kiến bắt đầu từ 1.7 đến hết ngày 31.12.2023.

Có ý kiến cho rằng một số loại phí, lệ phí có giảm cũng không đáng kể, không nhiều tác dụng. Song, phải nói thẳng là ở thời điểm này, giảm được cái gì, nhiều hay ít đều đỡ gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp.

Thế nhưng, đáng lo ngại là cũng tại thời điểm này, có nhiều loại giá, phí vẫn tăng hoặc đang tiếp tục được đề xuất tăng. Mới nhất là đề xuất tăng giá dịch vụ đăng kiểm từ 30.000 - 220.000 đồng/xe tùy loại của Cục Đăng kiểm VN. Hay từ ngày 1.6, một số phí nhà đất tại TP.HCM tăng gấp hàng chục lần so với trước. Điện mới tăng giá 3% và dự kiến sau khi tăng lương cơ sở vào tháng 7 tới thì giá dịch vụ y tế cũng tăng. Quý 2, quý 3 là thời điểm khung giá dịch vụ hàng không sẽ tăng theo kế hoạch. Rồi một số địa phương cũng đang tính đến việc tăng giá nước...

Có thể thấy, nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đã và vẫn đang rục rịch tăng. Trong khi đó, nhiều loại thuế, phí đáng lẽ phải giảm thì lại chưa giảm, thậm chí không giảm. Điển hình nhất là thuế thu nhập cá nhân lỗi thời, lạc hậu kéo dài mấy năm nay nhưng không được điều chỉnh kịp thời. Đến thời điểm này, các đại biểu Quốc hội cũng bức xúc lên tiếng vì nhiều người làm công ăn lương thu nhập đã ở ngưỡng không đủ chi tiêu cơ bản cho đời sống nhưng vẫn phải đóng thuế đều đều. Hay gây bất bình kéo dài từ đầu năm tới nay là lãi suất cho vay neo cao bất chấp doanh nghiệp kiệt quệ, số lượng công ty rời bỏ thị trường ngày càng gia tăng. Cũng vì lãi vay quá cao dẫn đến nghịch lý nền kinh tế đói vốn nhưng không hấp thụ nổi vì làm không đủ trả lãi ngân hàng. Công bố mới nhất của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết tốc độ tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm trên địa bàn ước tăng khoảng 2,43% so với cuối năm 2022, thấp hơn tốc độ tăng chung của toàn ngành ngân hàng khoảng 3,17%. "Đầu tàu" mà vậy thì đúng là thật sự đáng lo.

Tăng, giảm hay không chịu giảm các loại giá, thuế, phí... mỗi nơi đều có lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình. Thế nhưng bối cảnh lúc này không phải là đúng - sai, hợp lý hay bất hợp lý. Bối cảnh lúc này là nên hay không nên. Nghĩa là ngay cả tăng là đúng thì cũng không nên. Vì đúng với một ngành nhưng có thể chưa đúng với cả cục diện. Mà chúng ta đều biết, cục diện lúc này là khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan, khó khăn từ trong nước tới thị trường quốc tế. Các ngành xuất khẩu chủ lực như thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ... đều đối mặt với đơn hàng sụt giảm, sa thải lao động, thu gọn hoạt động. Thị trường bất động sản sau nhiều nỗ lực từ T.Ư đến địa phương vẫn chưa thể rã băng. Ngược lại, những thương vụ âm thầm thay tên đổi chủ vẫn tiếp tục diễn ra. Du lịch, vốn được trông đợi rất nhiều, cũng chưa tăng trưởng như kỳ vọng, lượng khách quốc tế đến VN vẫn khiêm tốn. Những con đường tỉ USD tại TP.HCM và nhiều điểm đến trên cả nước vẫn đìu hiu mặt bằng đóng cửa...

Vì vậy, điều mà người dân, doanh nghiệp mong mỏi nhất là nếu chưa thể giảm được, thì đừng tăng phí, thuế, giá bất cứ sản phẩm, dịch vụ nào ở thời điểm hiện tại. Đặc biệt, những loại phí, lệ phí không hợp lý cần được cắt bỏ ngay; các sắc thuế lạc hậu cần phải sửa đổi kịp thời; lãi vay phải kéo xuống thật sự... Chứ cứ giảm cái này lại tăng cái kia, cái cần giảm không giảm sẽ khiến chính sách không phát huy tác dụng, ảnh hưởng tới mục tiêu thúc đẩy phục hồi kinh tế của Chính phủ, ảnh hưởng tới niềm tin của thị trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.