Sáng 13.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp chuyên đề cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Tư pháp người chưa thành niên. Dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5, dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới.
Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, quá trình thảo luận, nhiều ý kiến nhất trí dự thảo luật về bố trí trại giam riêng dành cho người chưa thành niên. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc về nguồn lực để bảo đảm tính khả thi.
Về vấn đề này, Ủy ban Tư pháp cho biết, Thường trực Ủy ban Tư pháp và đại diện các cơ quan tham gia chỉnh lý thấy rằng, nếu quy định trại giam riêng dành cho người chưa thành niên thì trước mắt có thể sẽ khó khăn về nguồn lực bảo đảm.
Do đó, các cơ quan đều thống nhất đề xuất chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định cả 2 mô hình: trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam. Căn cứ điều kiện thực tiễn, các cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định mô hình phù hợp cho từng giai đoạn.
Quy định như trên, theo bà Nga, vừa đáp ứng yêu cầu phải có khu vực chấp hành án dành riêng với người chưa thành niên, vừa bảo đảm tính ổn định của luật, tạo cơ sở pháp lý để sau này khi bố trí được nguồn lực sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu về cơ sở giam giữ; vừa có thể kế thừa cơ sở vật chất hiện có.
Nêu ý kiến về vấn đề này, Phó chủ tịch Trần Quang Phương tán thành việc quy định 2 mô hình gồm trại giam riêng và phân trại riêng dành cho người chưa thành niên trong trại giam. Theo ông, hiện chưa có đủ điều kiện để có trại giam riêng cho người chưa thành niên, nhưng nếu đủ điều kiện làm trại giam riêng thì tốt quá.
"Nhiều nội dung trong tố tụng ta cũng đã làm riêng rồi, vì sao không quy định hình thức trại giam riêng? Nơi nào chưa có điều kiện thì quy định có phân khu riêng trong trại giam chung. Có lẽ hơn ai hết các đồng chí ở cơ quan tố tụng biết, chuyện trong tù anh hai, anh ba rất nhiều, bước vào cái là bị hăm dọa ngay. Mặc dù mình có biện pháp quản lý nhưng không thể ngăn chuyện đó được", ông Phương nói, và nhấn mạnh cần cố gắng tách đối tượng người chưa thành niên.
Giải trình tại phiên họp, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay, ban đầu TAND tối cao (cơ quan chủ trì soạn thảo luật - PV) đề xuất trại giam riêng nhưng sau đó Bộ Công an cho biết cơ sở, điều kiện hiện nay thì việc có trại giam riêng ngay chưa thực hiện được. Nếu muốn có trại giam riêng phải đầu tư. Trại giam riêng hoặc phân trại riêng tiện cho cơ quan thi hành án nhưng ngay lập tức yêu cầu thì chưa làm được.
Cạnh đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, trẻ em kể cả trong trại giam vẫn cần sự thăm nom, chăm sóc và nhất là cần sự giáo dục của gia đình khi đến thăm. Những người đến thăm không chỉ mang đồ tiếp tế mà mang cả tình cảm, những lời khuyên. Đó là điều rất cần cho quá trình cải tạo.
Do đó, nếu người nhà từ Cà Mau mà ra tận Thanh Hóa mới có trại giam riêng cho người chưa thành niên để thăm thì rất khó khăn cho người dân. Việc này sẽ hạn chế những tác động tích cực từ gia đình trong quá trình cải tạo tại trại giam.
"Để thuận lợi cho cơ quan thi hành án thì việc có trại giam riêng rất tốt nhưng đối với những nơi không có điều kiện thì có phân trại riêng cho người chưa thành niên trong trại giam chung", ông Bình phân tích.
Tách hay không tách vụ án có người chưa thành niên
Một vấn đề khác còn ý kiến khác nhau là tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, quá trình chỉnh lý, các cơ quan đều thống nhất với dự thảo luật phải tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết riêng. Tuy nhiên, thảo luận trong Thường trực Ủy ban Tư pháp thì có 2 loại ý kiến với vấn đề này.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định phải tách vụ án với người chưa thành niên để giải quyết riêng; đồng thời, đề nghị giao Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn về phối hợp trong thực hiện việc tách vụ án.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định theo hướng cơ quan tiến hành tố tụng "có thể" tách riêng vụ án với người chưa thành niên để giải quyết, để tạo sự linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện, giao cơ quan tiến hành tố tụng cân nhắc, quyết định.
Nêu ý kiến, Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Quang Dũng cho rằng, việc tách là cần thiết và không ảnh hưởng gì đến việc xử lý vụ án. "Thực tế tố tụng hiện nay, tôi nghĩ không ảnh hưởng gì", ông Dũng khẳng định.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng nêu rõ, quan điểm của TAND tối cao là không có phương án 2, chỉ có 1 phương án. "Nếu chúng ta để chung vào 1 vụ án, không tách ra thì luật này không có nghĩa", ông Bình nói.
Phân tích lý do, ông Bình cho rằng, vì chúng ta đặt ra nhiều chính sách ưu đãi với người chưa thành niên, không chỉ hình phạt chỉ còn một nửa mà phải do các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được đào tạo, có hiểu biết về tâm lý các cháu, được đào tạo về tư pháp người chưa thành niên thực hiện.
Mặt khác, liên quan đến vấn đề bảo mật, để vào vụ án chung, vụ án phải xét xử công khai, không được xét xử kín, bản án phải được công khai, như vậy tất cả hành vi sai lầm của người chưa thành niên đều bị công khai hết. Điều này, theo ông Bình, sẽ gây mặc cảm, ảnh hưởng đến con đường hoàn lương còn lại rất dài của các cháu. "Các cháu sẽ luôn bị ám ảnh bởi một tuổi thơ phạm tội”, ông Bình nhận định.
Ông Bình cho hay, quá trình thảo luận, 56 ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý việc tách án, 7 ý kiến không đồng ý. Cùng đó, tại thông báo kết luận hồi tháng 4 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan này đồng ý việc tách án, đề nghị phải lập luận tốt.
“Chúng tôi tuân thủ điều này. Luật của nhiều nước trên thế giới cũng quy định như vậy. Khi chúng tôi làm luật này, chúng tôi tham vấn ý kiến các chuyên gia quốc tế, họ nói không tách án không được”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Bình luận (0)