Phó chủ tịch Quốc hội: 'Nhiều nơi đạt chuẩn nông thôn mới nhưng chỉ là vỏ'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
10/09/2019 16:51 GMT+7

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thẳng thắn đánh giá, nhiều địa phương đạt chuẩn nông thôn mới nhưng chỉ là phần “vỏ”; đường tốt nhưng lõi bên trong là tổ chức sản xuất, quan hệ sản xuất, thu nhập của người dân không đạt.

 

Giao đất, giao rừng vẫn là vấn đề bức xúc

Trình bày báo cáo kết quả giám sát về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội Hà Ngọc Chiến, Trưởng đoàn giám sát, đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được thì kết quả giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa thực sự bền vững, một số kết quả chưa thực chất, chất lượng giảm nghèo chưa cao.
Ông Chiến dẫn chứng, tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ lớn so với số hộ nghèo cả nước. Cụ thể, năm 2017, tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tới 52,66% so với tổng số hộ nghèo cả nước và chiếm tới 27,55% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số. Cạnh đó, tỉ lệ hộ dân tộc thiểu số tái nghèo, phát sinh nghèo cao hơn số hộ thoát nghèo; tỉ lệ hộ cận nghèo cũng phát sinh rất cao và tập trung ở các vùng dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, ông Chiến cũng cho biết, giao đất, giao rừng cho hộ dân tộc thiểu số là một trong những bức xúc ảnh hưởng đến giảm nghèo bền vững chậm được giải quyết và hiệu quả chưa cao.
Theo đó, tỉ lệ hộ dân tộc thiểu số được giao đất, giao rừng rất thấp, chiếm tỉ lệ 11,5% số hộ dân tộc thiểu số; chế độ định mức khoán bảo vệ rừng thấp (400.000 đồng/ha/năm), người dân chưa thể sống bằng nghề rừng.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo còn nhiều hạn chế, sau nhiều năm chưa được giải quyết cơ bản. Cả nước hiện có 156 dự án ổn định dân cư, tái định cư tập trung và 80 điểm ổn định dân cứ, tái định cư xen ghép đang thực hiện dở dang và chưa được triển khai.
Vẫn còn 24.500 hộ dân tộc thiểu số di cư tự phát chưa được sắp xếp bố trí ổn định dân cư; 58.123 hộ thiếu đất ở; 303.578 hộ thiếu đất sản xuất; 96.256 hộ có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất; 313.219 hộ thiếu nước sinh hoạt.
Một hạn chế khác, theo ông Chiến là việc phân bổ kinh phí thiếu so với kế hoạch; công tác quản lý, sử dụng kinh phí ở một số địa phương còn sai sót, phải thu hồi nộp ngân sách nhà nước.
Qua thực tế giám sát, công tác thanh tra, kiểm toán của các bộ, ngành trung ương đã phát hiện ra những sai phạm trong thực hiện Chương trình 30a (Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo), Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi) ở một số địa phương, phải xử lý thu hồi nộp ngân sách nhà nước 14,447 tỷ đồng.
Còn theo kết quả của Kiểm toán nhà nước, giai đoạn 2012 – 2015, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 102,879 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,5% tổng kinh phí trung ương. Giai đoạn 2016– 2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 141,478 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,34% tổng kinh phí trung ương.

Giai đoạn sau lại sai phạm nhiều hơn giai đoạn trước

Nêu ý kiến sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, một số văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành ban hành chậm và chậm sửa đổi, bổ sung đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành và tiến độ bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn các tỉnh.
Về tổ chức thực hiện, ông Hiển cho rằng, nguồn lực thời gian qua khá tập trung, cơ bản đều đạt dự toán nhưng so với yêu cầu còn chưa đáp ứng. Đặc biệt, dù nguồn lực khó khăn nhưng kỷ luật tài chính vẫn lỏng lẻo.
“Qua kết quả của Kiểm toán nhà nước thì sai phạm giai đoạn sau lại cao hơn giai đoạn trước. Cụ thể, giai đoạn 2012 - 2015, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 102,879 tỉ đồng nhưng giai đoạn 2016 - 2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 141,478 tỉ đồng”, ông Hiển dẫn chứng.
Ở khía cạnh khác, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh trong xóa đói giảm nghèo thì cần phân tích vấn đề xây dựng nông thôn mới. Ông Hiển bày tỏ vui mừng khi các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ làm tốt công tác này nhưng thẳng thắn khẳng định nhiều địa phương đạt chuẩn nông thôn mới nhưng chỉ là phần “vỏ”.
“Đường tốt nhưng lõi bên trong là tổ chức sản xuất, quan hệ sản xuất, thu nhập của người dân thì lại không đạt”, ông Hiển nêu, đồng thời cho rằng thời gian tới cần đi vào những đột phá như hạ tầng, giáo dục...
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thì quan tâm tới những bức xúc của người dân mà báo cáo kết quả giám sát nêu như giao đất giao rừng.
“Qua tiếp xúc cử tri họ nói định mức chưa sống được bằng rừng nên có việc phá rừng”, bà Nga nhấn mạnh đồng thời cho biết, người dân theo tiếng gọi của nhà nước sẵn sàng nhường đất cho thủy điện nhưng quá trình tái định cư gặp nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất, nơi ở mới chưa tốt hơn nơi ở cũ. “Di dân tái định cư tự phát là vấn đề lớn thấy dân miền núi phía bắc và tây nguyên nhân cần có đánh giá cho kỹ”, bà Nga đề nghị.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng dẫn lại kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước cho thấy, sai phạm giai đoạn sau lại nhiều hơn giai đoạn trước. “Điều này chứng tỏ công tác kiểm tra giám sát cần quan tâm hơn”, bà Nga nhấn mạnh.
Theo báo cáo kết quả giám sát, giai đoạn 2012-2018, kinh phí ngân sách trung ương bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 47.411,162 tỉ đồng; kinh phí từ ngân sách địa phương là gần 8.400 tỉ đồng; kinh phí huy động từ các chương trình, dự án hợp tác quốc tế là 8.974 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.