|
Theo báo cáo của Sở Công thương, dự án thủy điện Đăk Di 4 (19,2 MW) ở xã Trà Mai (H.Nam Trà My, Quảng Nam), được tỉnh cho phép Công ty Cổ phần Cung ứng đầu tư và Xây lắp (Công ty CP SIC) nghiên cứu đầu tư từ năm 2003. Tuy nhiên từ đó đến nay dự án vẫn không được nghiên cứu triển khai.tin liên quan
Chính phủ yêu cầu xem xét phương án tiếp tục triển khai thủy điện Đăk Di 4
Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất cho chuyển chủ đầu tư từ Công ty CP SIC sang Công ty Đăk Di 4 và tiếp tục cho gia hạn thời gian thực hiện dự án với yêu cầu DN ký cam kết tiến độ, ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án.
Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4 đã ký cam kết thực hiện dự án vào ngày 14.4.2016 với số tiền yêu cầu ký quỹ là 3,84 tỉ đồng, thời hạn nộp tiền chậm nhất vào ngày 14.5.2016. Tuy nhiên, công ty đã không nộp tiền theo đúng cam kết.
Qua kết quả kiểm tra thực địa và rà soát các báo cáo về hồ sơ, thủ tục dự án trên, tỉnh Quảng Nam nhận thấy DN đã không triển khai dự án theo đúng cam kết tiến độ kể từ năm 2003 đến nay, thực hiện các hồ sơ, thủ tục không đảm bảo yêu cầu tiến độ cam kết. Ngoài ra, đã xây dựng trái phép tại khu vực mà tỉnh Quảng Nam mới chỉ cho phép khảo sát, nghiên cứu đầu tư.
Ngày 17.3.2017, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành công văn về việc chấm dứt hiệu lực các văn bản liên quan đến dự án thủy điện Đăk Di 4 của Công Đăk Di 4, thông báo chấm dứt nghiên cứu đầu tư và thu hồi dự án trên đối với Công ty Đăk Di 4.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, nguyên tắc của việc đầu tư nếu chưa có mặt bằng xây dựng, chưa được bàn giao đất, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và hồ sơ chưa được phê duyệt mà đã thi công thì doanh nghiệp đã vi phạm luật xây dựng và luật đất đai.
Bên cạnh đó, một số phần việc mà DN thực hiện như tự thỏa thuận chi trả tiền đền bù cho người dân, xây dựng đường, công trình nhà ở cho công nhân, nhà điều hành được xác định là trái quy định của pháp luật vì tới thời điểm này DN chưa hề được cơ quan nào ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Sẵn sàng hầu tòa nếu doanh nghiệp kiện
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết trong 42 dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh thì đã có 41 dự án đã triển khai đã phát điện và chuẩn bị phát điện, riêng dự án thủy điện Đăk Di 4 là tạm dừng chưa triển khai.
Theo ông Toàn, nguyên nhân bị tạm dừng dự án là do thủy điện không thực hiện đúng quy định của luật đầu tư về làm các thủ tục cho Sở KH-ĐT tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật; chưa làm các thủ tục theo luật đất đai nên chưa được UBND tỉnh thỏa thuận địa điểm thu hồi đất cho dự án. Bên cạnh đó, thủy điện không chấp hành đúng những cam kết với tỉnh Quảng Nam về tiến độ, đặc biệt là sai phạm trong một số hạng mục công trình tại khu vực của dự án.
"Tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, thậm chí là ưu ái cho nhà đầu tư. Việc tỉnh chấm dứt hiệu lực các văn bản liên quan đến dự án thủy điện Đăk Di 4 là đúng quy định của pháp luật. Đây là quyết định của cả tập thể chứ không phải ý chí của bất cứ cá nhân nào", ông Toàn khẳng định.
Trong khi đó, đại diện Công ty Đăk Di 4 cho hay với những cái mà doanh nghiệp đề cập hôm nay cũng mong muốn UBND tỉnh tiếp tục cân nhắc trên cư sở mà doanh nghiệp đã đầu tư vào đó, cũng đã bỏ ra nhiều công sức trong thời gian rất dài, tiếp tục cho doanh nghiệp được thực hiện dự án này. "Có lẽ doanh nghiệp không có lựa chọn nào khác là buộc phải tiến hành các thủ tục, thậm chí khởi kiện UBND tỉnh và các ngành liên ra tòa án để đảm bảo lợi ích, luật pháp của mình", đại diện này khẳng định.
Đáp trả lại vấn đề này, ông Toàn cho biết sẽ luôn cầu thị, lắng nghe và tiếp thu toàn bộ ý kiến của doanh nghiệp. "Việc khởi kiện của doanh nghiệp đối với UBND Quảng Nam thì đây là một vấn đề văn minh, pháp luật hoàn toàn ủng hộ, điều này cần phải minh bạch và sẵn sàng hầu tòa", ông Toàn nói.
Bình luận (0)