Sáng 2.11, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC, thuộc UBND TP.HCM) phối hợp Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM và các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị công bố triển khai kế hoạch đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DDCI) TP.HCM năm 2023.
Bổ sung chỉ số xanh, chỉ số sức khỏe và môi trường
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc ITPC, cho biết hội đồng đánh giá DDCI gồm 12 thành viên, gồm đại diện các hiệp hội, các trường, viện nghiên cứu.
Năm nay, dự kiến TP.HCM phát hành 50.000 mẫu khảo sát đánh giá DDCI, trong đó, khảo sát định lượng đại trà 15.000 mẫu là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. Đơn vị khảo sát là Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam.
Kết quả đánh giá chỉ số DDCI được công bố lần đầu tiên năm 2022 đã cho thấy nhiều kết quả quan trọng trong công tác cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị được đánh giá.
So với năm ngoái, TP.HCM gộp hai chỉ số "Tính minh bạch và tiếp cận thông tin" và chỉ "Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số" thành chỉ số “Tiếp cận minh bạch thông tin và chuyển đổi số”. Đồng thời, chỉ số "Vai trò người đứng đầu sở, ngành, chính quyền địa phương" được đưa vào thành chỉ tiêu đánh giá trong chỉ số thành phần "Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của đơn vị".
Đặc biệt, TP.HCM bổ sung 2 chỉ số đánh giá năng lực mới, gồm “Chỉ số xanh” và “Chỉ số sức khỏe và môi trường”.
"TP.HCM kỳ vọng những tiêu chí mới này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp về phát triển bền vững", Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nói.
Từ kết quả đánh giá năng lực nội bộ, chính quyền TP.HCM sẽ chấn chỉnh tồn tại, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình với doanh nghiệp, người dân, cụ thể là trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến...
"Không có khái niệm trả giá lấy điểm"
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan lưu ý rằng năng lực cạnh tranh không phải là cụm từ mơ hồ, thay vào đó, nó là kết quả tổng hợp tất cả những vấn đề có liên quan đến cải cách hành chính của TP.HCM, được thể hiện trên mọi mặt của lĩnh vực đời sống, năng lực làm việc của cán bộ, công chức.
"Ví dụ, năng lực cạnh tranh gồm cải cách hành chính, chuyển đổi số, thời gian, chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức (khoản chi không có trong quy định của pháp luật, do doanh nghiệp chi cho cán bộ, cơ quan nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn - PV), an ninh trật tự, môi trường, đất đai... Các tiêu chí này là thiết thực, cụ thể. Kết quả DDCI cũng đánh giá được hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức. Như về chi phí không chính thức, nhà nước không "đẻ" ra, mà chỉ có ai đó trong đội ngũ cán bộ, công chức làm. Điều này chỉ có doanh nghiệp, người dân biết", ông Võ Văn Hoan nói.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM lưu ý 3 nội dung chính liên quan việc đánh giá DDCI lần này.
Thứ nhất, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chuẩn bị tâm thế "được", chứ không phải "bị đánh giá". Cụ thể, cần nhìn nó ở góc độ trân trọng, không phải là người bị hại, để xem mình đã nỗ lực thì cộng đồng doanh nghiệp đánh giá như thế nào để cố gắng làm tốt hơn.
Thứ hai, doanh nghiệp tham gia với tinh thần trách nhiệm, xem việc đánh giá như là việc của mình để có tác động, góp ý, nâng cao hơn nữa hoạt động của các cơ quan nhà nước. Tất cả cùng một mục tiêu xây dựng, đóng góp tốt hơn cho sự tăng trưởng của thành phố.
Thứ ba, DDCI không tách rời PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). "Điều này đồng nghĩa với việc TP.HCM nhận thấy trách nhiệm của mình, và DDCI chỉ là cơ sở để nhìn nhận lại sự điều hành của TP.HCM. Hành chính là thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt, địa phương làm chưa tốt, làm sai thì đây là trách nhiệm của TP.HCM, bởi TP.HCM điều hành, quản lý thế nào để xảy ra tình trạng như vậy", Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nói.
Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, bộ tiêu chí đánh giá năm nay có nhiều điểm mới và cách làm mới, có đội ngũ chuyên gia tham gia. Nguyên tắc là "công khai, minh bạch, khách quan, không can thiệp".
"Hội đồng đã xét thì chấm hết, không hỏi lại và hội đồng chịu trách nhiệm kết quả. Chứ không phải như những lần trước, trong cải cách hành chính, chúng ta xét rồi, đưa lại địa phương thì địa phương bắt đầu "chạy", chạy để tìm cách nâng lên, kéo lên. Ở đây, không có khái niệm trả giá lấy điểm. Cộng đồng doanh nghiệp khách quan, tham gia góp ý, hiến kế và khi tới kết thúc là kết thúc để sau đó có thống kê, phân tích, đưa ra kết quả. Đánh giá DDCI là độc lập, không ai bọc ai", ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ kiến nghị gỡ khó về thuế
Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam cho hay rằng AmCham đánh giá cao môi trường sống và làm việc tại Việt Nam - đối tác chiến lược toàn diện (CSP) với Mỹ.
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của AmCham là thúc đẩy Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trở thành một địa điểm hấp dẫn hơn để đầu tư, kinh doanh và giá trị này hoàn toàn phù hợp việc thực hiện chỉ số DDCI của TP.HCM.
Qua đó, AmCham đề xuất một số vấn đề mà TP.HCM cần tập trung cải thiện. Điển hình về thuế và hải quan, AmCham ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp về quá trình hoàn thuế VAT cho dịch vụ xuất khẩu tại Việt Nam kéo dài quá lâu.
Việc thanh toán thuế của nhân viên nước ngoài phức tạp và có thể dẫn đến việc "đánh thuế kép". Nhiều người nước ngoài bị cấm rời khỏi đất nước chỉ vì những tranh chấp nhỏ về thuế.
Đại diện AmCham cũng đề cập đến các vấn đề về cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài còn phức tạp, nhất là yêu cầu quá nhiều tài liệu công chứng, hợp pháp hóa, dịch thuật.
"Trên thế giới có rất nhiều thị trường khác cạnh tranh với thị trường Việt Nam, đôi khi chúng ta cần phải cải thiện từ những điều nhỏ nhất, từ đó tạo điểm nhấn, thuận lợi để thu hút đầu tư", đại diện AmCham nói.
Một số ý kiến khác tại hội nghị cũng đề cập đến việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ ở các địa phương, sở, ban ngành. Nhiều cán bộ tiếp nhận thủ tục hành chính chưa nhiệt tình, thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo.
Bình luận (0)