Ngoài những nét văn hóa đậm chất VN như: âm nhạc, ẩm thực, kiến
trúc… các tuyến phố đi bộ ở phố cổ Hà Nội còn có thêm một “đặc sản” là
khói shisha.
Nhiều quán trên phố cổ Hà Nội tràn ngập khói shisha |
Đêm phố cổ, đám thanh niên quây quần bên bàn shisha, hít những hơi dài rồi ngửa cổ xả khói. Tiếng cười ha hả vang lên, lẫn trong những điệu chèo, ca trù vốn rất truyền thống. Dạo một vòng quanh các tuyến phố, đâu cũng có treo biển trà chanh shisha, cafe shisha...Khói shisha lan khắp phố.
Vỉa hè shisha
Tìm một góc khuất trong quán với ly cafe, chúng tôi lặng lẽ quan sát không khí sôi động quanh bàn shisha. 21 giờ một ngày cuối tuần, quán cà phê - shisha trên phố Đào Duy Từ lúc này đã chật kín khách. Các bàn shisha tràn cả ra lòng đường. Mỗi bàn là một nhóm đông, 5 -7 người. Đa phần người đến quán đều rất trẻ, trai gái, người Việt, người nước ngoài. Những đôi yêu nhau cũng đến hẹn hò bên bình shisha để tâm sự. Có những em bé khoảng 4 – 5 tuổi được bố mẹ đưa đến ngồi gần bàn shisha đặc khói.
Trong menu của quán, shisha được bán với giá 150 nghìn đồng/bình với đủ hương táo, dâu, sữa, chanh, đào, kiwi... Loại shisha đặc biệt được nhân viên quán giải thích là ngon hơn, phê hơn được bán với giá 180 nghìn đồng/bình.
Ngồi đối diện chúng tôi, bàn shisha của một cô gái tên Vân có 5 người. Họ thay nhau cầm ống hút, rít những hơi dài. Cả bọn ngửa cổ, mắt nhắm nghiền nhả khói, lắc lư mái tóc theo điệu nhạc sôi động đang đến đoạn cao trào. Vân xoay ống hút sang người đối diện, lên giọng: “Hút thử đi, 9x mà không biết vị shisha thì gà lắm. Đây chỉ là thuốc lào Ả rập, như mấy ống điếu các cụ ở quê vẫn hay hút ấy, không vấn đề gì đâu. Nhưng thuốc này xịn hơn, thơm hơn, phê lắm!”. Cô gái được mời mạnh dạn cầm ống hút, thả khói mơ màng khiến cả đám cười như rú. 2 khách nước ngoài ngồi bàn bên cạnh thấy nhóm Vân có vẻ đông vui liền sang ngồi nhập hội. Họ chuyền tay nhau rít thuốc, mắt dại đi, mơ màng trao đổi với nhau vài câu tiếng Anh… Rồi có lúc họ nhún nhảy, hò hét như người phê thuốc.
Mất “chất” phố cổ
Khói shisha đã khiến khách du lịch mất cảm tình với văn hóa phố cổ. Chị Nguyễn Thị Nguyệt Minh, một khách du lịch đến từ Tiền Giang chia sẻ: “Tôi rất thích không khí phố cổ, nhưng ghê ghê khi thấy cảnh các bạn thanh niên hút shisha ở đây. Nếu hút ở quán bar, vũ trường là một chuyện, còn đây là không gian văn hóa truyền thống mà thanh niên ngồi nhả khói, hò hét như người phê thuốc rất phản cảm”.
Không chỉ khách du lịch “khó chịu” mà những người dân ở đây cùng “di ứng” với tình trạng này. Một người dân ở phố Đào Duy Từ phàn nàn: “Trước cửa nhà tôi một quán shisha to tướng. Tiếng ồn đã khó chịu, mùi shisha bạt vào cũng làm nhức đầu. Nhà có cháu nhỏ mới 7 tuổi, tôi chỉ sợ nó nhìn thấy nhiều, bắt chước, nghiện thì chết!”
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Song Tùng, Phó tổng giám đốc công ty Cổ phần Đồng Xuân, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý 6 tuyến phố đi bộ cho biết, để đáp ứng nhu cầu của khách, đặc biệt là giới trẻ, một số cửa hàng trên tuyến phố có bán shisha. Mỗi tối cuối tuần có khoảng 30 cửa hàng có bán mặt hàng này.
“Chúng tôi biết shisha là thứ độc hại, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người hút mà cả người xung quanh. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định nào cấm việc bán shisha cả. Chúng tôi cũng rất mong các cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành quy định về kinh doanh, sử dụng mặt hàng này, giúp công ty có cở sở để tuyên truyền, vận động các cửa hàng và nhân dân không tiếp tục bày bán”, ông Tùng kiến nghị.
Shisha có thể gây ung thư
PGS - TS Chu Thị Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện
Bạch Mai cho biết, tuy chưa có điều tra cụ thể nhưng hiện nay nhiều bạn
trẻ đang có dấu hiệu nghiện shisha. Shisha là một loại cỏ có xuất xứ từ Ả
Rập, có tẩm các hương liệu trái cây tuy nhiên đây là một dạng hút thuốc
lá qua nước (gần như hút thuốc lào). Thuốc lá này được tẩm ướp hương
liệu như hoa quả, bạc hà tăng cường vị giác, dễ gây nghiện. Các nghiên
cứu cho biết, hút shisha có thể dẫn đến các bệnh ung thư (phổi, miệng,
vòm họng, thực quản); bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, sinh con nhẹ cân,
các bệnh tim mạch và gây nghiện. Ngoài ra, việc nhiều người dùng chung
ống hút có thể lây nhiễm các bệnh như: lao, viêm gan và các bệnh răng
miệng.
Liên Châu
|
Bình luận (0)