Lương thấp dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh
Nói về thực trạng của doanh nghiệp, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết nhu cầu đăng kiểm không được đáp ứng khiến ngành vận tải vô cùng khó khăn. Một phương tiện đi đăng kiểm hiện nay tốn chi phí khoảng từ 12 - 20 triệu đồng cùng 5 ngày chờ đợi, tương ứng với 5 ngày dừng hoạt động, mất doanh thu khoảng 5 triệu đồng. Nội dung kiểm tra của đăng kiểm rất chi li, phức tạp. Nếu đáp ứng được thì xe cũ gần như đã thành xe mới. Chưa kể tài xế rất cực, phải thức thâu đêm chờ đợi và di chuyển để được đăng kiểm.
"Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 02 sửa đổi, miễn kiểm định đối với xe ô tô mới và kéo dài chu kì kiểm định của nhiều loại phương tiện. Đây là những động thái rất tích cực và phù hợp nhưng cũng chỉ có thể giảm áp lực nhất thời. Về lâu dài, phải bằng mọi cách đơn giản lại quy trình đăng kiểm. Cái nào ảnh hưởng lớn tới an toàn giao thông lớn thì giữ lại, cái nào không quá quan trọng thì lược bớt để tiết kiệm thời gian cho các phương tiện" - ông Bùi Văn Quản đề xuất.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM nhận định từ tháng 10.2022 trở lại đây, biến động lớn trong ngành đăng kiểm đã ảnh hưởng lớn tới tổ chức, cá nhân cũng như các doanh nghiệp. Có thời điểm, thành phố chỉ còn 8/19 trung tâm đăng kiểm hoạt động. Đến thời điểm này, TP.HCM có 11/19 trung tâm đăng kiểm với 23 chuyền, công suất 1.410 xe/ngày.
"Theo thống kê trung bình các năm, ở giai đoạn tháng 3 này, có khoảng 50.000 phương tiện tới hạn đăng kiểm, tới tháng 4 có khoảng 85.000, chưa kể khoảng 30% xe từ tháng trước chưa được đăng kiểm. Nghĩa là, tình hình giai đoạn tới sẽ rất căng thẳng. Những biện pháp Bộ GTVT vừa ban hành sẽ có tác dụng giải quyết vấn đề trong khoảng 6 tháng nữa, không phải cho hiện tại. Những biện pháp mà Sở GTVT TP.HCM áp dụng thời gian qua như phân luồng, phân tuyến, mở app đăng ký đăng kiểm trực tuyến hoặc động viên anh em đăng kiểm làm thêm giờ cả ngày nghỉ... cùng chỉ mang tính tình thế. Tôi chỉ lo thời gian kéo dài, chưa biết bao giờ kết thúc, áp lực lại lớn, sức lực của các anh em đăng kiểm sẽ chịu không nổi" - ông Bùi Hòa An lo ngại.
Cũng theo ông Bùi Hòa An, một phần nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng đăng kiểm thời gian qua là do bất cập về thu nhập của lực lượng đăng kiểm viên. Một chuyền đăng kiểm hiện nay khống chế 60 xe, phí mỗi xe bao năm không thay đổi. Ba trạm của Sở GTVT hiện hạch toán độc lập 100%, phải lo rất nhiều chi phí nên lương anh em không lên được. Lương đăng kiểm viên cao nhất 10 triệu đồng/tháng, so với chi phí sinh hoạt của thành phố hiện nay rất khó khăn. Do đó mới dẫn đến có cạnh tranh không lành mạnh giữa các trung tâm.
"Chúng tôi kỳ vọng nhà nước sẽ chú ý hơn tới quyền lợi của người lao động ngành đăng kiểm, cố gắng giải quyết câu chuyện cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống của đăng kiểm viên. Có thể mở ra một số loại hình dịch vụ vẫn trong khuôn khổ quy định như kiểu khám bệnh dịch vụ tại các bệnh viên hay sửa chữa xe..." - Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM gợi ý.
Đề xuất kéo dài chu kỳ đăng kiểm tới 7 năm
Ông Nguyễn Tô An, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng khẳng định ngành đăng kiểm chưa vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Những khó khăn vẫn đang hiện hữu, tình trạng ùn ứ đang nghiêm trọng. Dù Cục cùng các địa phương đã cố gắng khôi phục lại các trung tâm đăng kiểm để giải tỏa nhưng vấn đề nghiêm trọng là thiếu hụt lực lượng đăng kiểm viên vẫn chưa thể giải quyết ngay. Cùng với đó, theo số liệu từ các trung tâm đăng kiểm, tỷ lệ phương tiện không đạt yêu cầu rất cao. Xe đến chờ đợi cả ngày được đăng kiểm rồi nhận về một loạt báo cáo không đạt. Có những phương tiện phải quay đi quay lại sửa chữa tới 6 lần mới đạt, góp phần làm tăng thêm mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng này.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm khuyến cáo chủ phương tiện trước khi đưa phương tiện đi kiểm định, nếu phát hiện có những hư hỏng, khiếm khuyết liên quan đến an toàn thì chủ động sửa chữa, bảo dưỡng để tránh mất thời gian. "Sắp tới, Cục Đăng kiểm tham mưu Bộ GTVT sẽ ban hành sửa đổi nhiều điều kiện kinh doanh đối với các trung tâm đăng kiểm, đồng thời có thêm nhiều giải pháp để không xảy ra tình trạng tương tự trong tương lai" - ông Nguyễn Tô An thông tin.
Nhìn nhận sự hỗn loạn của ngành đăng kiểm trong giai đoạn vừa qua là cuộc khủng hoảng quốc gia, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô TP.HCM hoan nghênh lãnh đạo ngành GTVT đã chấp nhận những giải pháp có hiệu quả mà chưa từng có tiền lệ, ban hành những quy định mà luật pháp chưa cho phép.
Ông Tính kỳ vọng Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm vận dụng những giải pháp tạm thời, tiếp tục mở rộng các giải pháp mang tính dài hạn, bền vững như kéo dài chu kì của các loại đăng kiểm lên 3 năm, 5 năm, thậm chí tới 7 năm như Thái Lan cũng như một số nước. Đồng thời, tổ chức tập huấn đăng kiểm viên theo dạng cấp bách, không cần bổ nhiệm mà theo hình thức hợp đồng, công nhận họ là đăng kiểm viên thay vì đào tạo bài bản từ 3 - 5 năm nhằm lấp khoảng trống thiếu đăng kiểm viên, thiếu chuyền đăng kiểm hiện nay.
Bình luận (0)