Phó giáo sư Việt Nam có 2 sáng chế được thế giới công nhận

Hà Ánh
Hà Ánh
12/02/2021 09:07 GMT+7

Một phó giáo sư Việt Nam có 2 sáng chế được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cấp cho những nghiên cứu về môi trường bền vững và làm cho cuộc sống sạch hơn.

Đó là tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn (45 tuổi), Phó viện trưởng Viện nghiên cứu năng lượng bền vững (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM). Anh là một trong số 300 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư được Hội đồng Giáo sư nhà nước công nhận năm 2020.

Những kết quả nghiên cứu đã đi vào đời sống

Năm 1998, sau khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật hoá học tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Nguyễn Trường Sơn bắt đầu chương trình thạc sĩ tại Trường ĐH Melbourne (Úc). Năm 2004, anh quay về Trường ĐH Bách khoa TP.HCM làm giảng viên, sau đó tiếp tục học tiến sĩ Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) và hoàn thành chương trình sau tiến sĩ tại ĐH Quốc gia Singapore.

PGS-TS Nguyễn Trường Sơn chia sẻ về 2 sáng chế của mình

Hà Ánh

Ngay từ khi học tiến sĩ, lĩnh vực mà anh tập trung nghiên cứu là xúc tác cho pin nhiên liệu, sau này mở rộng hướng đi về các vật liệu mới aerogel.
Nổi bật nhất trong số 'tài sản' trí tuệ qua nhiều năm nghiên cứu của phó giáo sư này, phải kể đến là 2 sáng chế được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cấp bằng. Trong đó, 1 sáng chế về vật liệu aerogel từ polysaccharide và 1 sáng chế về chế tạo và ứng dụng vật liệu aerogel composite vô cơ-hữu cơ. Hiện nghiên cứu về vật liệu mới này của anh đã được một công ty của Singapore hợp tác sản xuất và phân phối ra thị trường.
Chia sẻ về những ưu việt của sáng chế này, theo PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, là góp phần vào phát triển môi trường bền vững và giúp cuộc sống sạch hơn. Theo đó, vật liệu aerogel là một trong những loại vật liệu mới có nhiều ưu điểm như cực kỳ nhẹ, có khả năng cách nhiệt, cách âm, hút dầu, hấp phụ chất thải như dầu, ion kim loại, chất hữu cơ rất tốt. Trong sáng chế 1, vật liệu aerogel được chế tạo từ giấy thải (giấy báo, bao bì…) bằng một phương pháp đơn giản, giúp chuyển đổi một nguồn chất thải thành vật liệu mới thân thiện với môi trường.
Cũng theo PGS-TS Sơn, sáng chế 2 về vật liệu cellulose-silica composite aerogel được chế tạo từ rơm rạ và tro trấu để tạo ra một loại aerogel mới giá rẻ thân thiện với môi trường, thay thế các vật liệu thương mại giá cao và gây ô nhiễm môi trường như polyurethane hoặc gây bệnh phổi như sợi bông khoáng.
Những nghiên cứu phù hợp với Việt Nam
Không chỉ tập trung cho các bằng sáng chế, tiến sĩ này còn có nhiều công bố khoa học trên tạp chí và tài liệu học tập quốc tế.
Đến thời điểm hiện tại, tiến sĩ này đã công bố 42 bài báo khoa học trên các tạp chí trong và ngoài nước, trong đó chủ yếu là tạp chí nước ngoài và thuộc danh mục tạp chí ISI. Ngoài bài báo khoa học, anh còn là đồng tác giả của 5 cuốn sách xuất bản quốc tế phục vụ cho việc giảng dạy bậc ĐH và sau ĐH.
Dù việc nghiên cứu có vai trò quan trọng trong công việc của mình nhưng anh vẫn dành ít nhất 50% quỹ thời gian bận rộn của mình cho giảng dạy và hướng dẫn sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh trong nghiên cứu khoa học.
"Giảng dạy và nghiên cứu với mình gần như hai hoạt động song song, trong đó thông qua giảng dạy mình có thể cập nhật những kết quả nghiên cứu mới nhất tới người học. Mình rất vui khi thấy những sinh viên tham gia nhóm nghiên cứu có được những công bố quốc tế đầu tiên của mình. Trong đó, có những bạn rất giỏi, minh chứng là những sinh viên có công bố khoa học quốc tế mà mình chính là tác giả đầu tiên", tiến sĩ Sơn chia sẻ.
Chia sẻ thêm về việc làm khoa học, tiến sĩ trẻ này mong muốn sẽ có thêm nguồn kinh phí để mua sắm các trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu. Theo nhà khoa học này, khi có trang thiết bị tốt, kết quả nghiên cứu sẽ tốt hơn. Chẳng hạn, hiện Việt Nam chưa có máy để đo sự phân bố của các nguyên tố trên sợi nano, nhóm nghiên cứu của ông đã phải gửi mẫu ra nước ngoài mới thực hiện được.
"Việc đo một tính chất mẫu phải đo nhiều lần mới cho ra kết quả đúng. Nhưng nếu vật liệu đắt đỏ, mẫu đo phải gửi ra nước ngoài mới thực hiện được thì việc kết quả nghiên cứu có thể bị ảnh hưởng", tiến sĩ này chia sẻ.
Thời gian tới, phó giáo sư có 2 sáng chế được thế giới công nhận,  cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu các vật liệu được làm từ xơ dừa, vỏ hạt cà phê, bụi bắp, lục bình, vỏ xe hơi, tro bay từ các nhà máy nhiệt điện… Nhà khoa học này trăn trở: "Mình mong muốn chuyển đổi các chất thải công-nông nghiệp thành vật liệu xanh. Đặc biệt là có những sáng chế từ những nghiên cứu này ngay tại Việt Nam".
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.