Thầy giáo 57 tuổi với hành trình 8 năm học tiến sĩ

Hà Ánh
Hà Ánh
10/12/2020 09:46 GMT+7

Một giảng viên ĐH vừa được trao bằng tiến sĩ ở tuổi 57. Với tâm niệm học để ‘làm gương’ cho sinh viên, ông đã mày mò suốt 8 năm không mỏi mệt để hoàn thành chương trình học tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

Những giải thuật đầu tiên thế giới

Ông Nguyễn Vinh Quan (57 tuổi, TP.HCM) là người lớn tuổi nhất trong số 14 tân tiến sĩ được trao bằng tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cuối tháng 11 vừa qua. Ông hiện là giảng viên Bộ môn Điện công nghiệp, khoa Điện-điện tử Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Đồng thời, ông cũng tham gia hướng dẫn phòng thí nghiệm Hệ thống năng lượng tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Đầu năm 2012, ông Quan trúng tuyển nghiên cứu sinh chuyên ngành mạch và hệ thống điện khi đã gần 50 tuổi. “Ở độ tuổi này, mình không thể lanh lợi như các bạn trẻ cùng học. Tôi làm việc một mình, để tìm 1 giải thuật và chứng minh cả lý thuyết và thực nghiệm - các công việc này chiếm phần lớn khoảng thời gian học tập của tôi”, giảng viên này thổ lộ. Vì vậy dù chương trình học thiết kế chỉ 3 năm, nhưng ông mất tới 8 năm để hoàn thành chuẩn đầu ra chương trình tiến sĩ với tối thiểu 2 bài báo quốc tế từ chính nghiên cứu của mình".

Tiến sĩ Nguyễn Vinh Quan hướng dẫn học viên nghiên cứu tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM

Hà Ánh

Ngay khi bước vào giai đoạn nghiên cứu sinh, ông Quan đã có định hướng nghiên cứu về đề tài "Điều khiển thích nghi bền vững cho động cơ không đồng bộ 3 pha". Ông cho biết, vấn đề này không phải mới lạ vì trước đó đã có nhiều nghiên cứu từ các trường ĐH công bố với các giải thuật khác nhau. Nhưng với đề tài của mình, ông Quan đã tìm được 3 giải thuật mới về biến tần, 3 giải thuật mới về điều khiển động cơ mà thế giới chưa từng công bố trước đó. Kết quả nghiên cứu này được ông thể hiện trên 2 công bố quốc tế, 1 bài đang trong quá trình phản biện và sẽ tiếp tục nghiên cứu để có thêm một số bài tiếp theo.
“Kết quả này được đánh giá khá tốt vì không trùng lặp với bất kỳ công bố nào trước đó của thế giới. Các giải thuật này cũng có nhiều ưu điểm nên không cần phản biện nhiều. Phải nói mình rất hạnh phúc vì những gì mình nghiên cứu đã được công nhận”, tân tiến sĩ chia sẻ.
Không chỉ bài báo khoa học quốc tế, ông Quan còn có nhiều bài nghiên cứu công bố trong các hội nghị khoa học trong và ngoài nước.

12 lần thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế

Để tốt nghiệp chương trình tiến sĩ, nghiên cứu sinh không chỉ hoàn thành các chuyên đề, luận văn mà còn phải đạt tiêu chuẩn công bố quốc tế và cả đầu ra tiếng Anh.
Ông Quan cho biết ngay từ kết quả thi tuyển đầu vào nghiên cứu sinh ông đã đạt 490 điểm TOEFL. Nhưng với 8 năm học kéo dài, ông đã rất chật vật để đạt 500 điểm TOEFL chuẩn đầu ra tiếng Anh. Ông nói: “Thời gian trôi qua, trình độ tiếng Anh của tôi cũng bị rơi rụng dần. Đến năm 2017 và sau 12 lần thi tôi mới mới lấy được chứng chỉ quốc tế 510 điểm TOEFL”. Trong suốt hơn 3 năm đó, ông đã có mặt ở nhiều trung tâm Anh ngữ tại TP.HCM.
“Cứ trải qua một lần thi tôi biết mình yếu ở kỹ năng nào, lại đăng ký đi học. Học rồi thi rồi lại học, đến lần thứ 11 tôi vẫn chỉ đạt 475 điểm. Ở lần thi thứ 12 cuối cùng đầu năm nay, tôi đã học liên tiếp 4 tháng trước khi đi thi”, ông giáo không ngại ngần khi chia sẻ về hành trình học tiếng Anh của mình.
Học phí mỗi năm chỉ 20 triệu đồng, nếu ra trường đúng hạn chỉ tốn 60 triệu đồng, nhưng với 8 năm, tính cả học phí, tiền đầu tư học và thi tiếng Anh, cho nghiên cứu và công bố bài báo, ông đã chi gần 200 triệu đồng.
“Tôi được gia đình ủng hộ và tạo điều kiện, tiền tích cóp từ việc đi dạy tôi đầu tư cho việc học. Bà xã không chỉ khuyến khích, mà thi thoảng còn cho thêm tiền học”, ông tâm sự.

'Để chứng minh cho lớp trẻ thấy mà tôi đi học'

“Học tiến sĩ và nghiên cứu khoa học không khó, vấn đề là có mục tiêu và sắp xếp thời gian hợp lý thôi”, ông nói ngay không cần nghĩ ngợi gì khi được hỏi về những khó khăn của chặng đường vừa qua. Ông cho biết nhiều năm qua ông hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy với 320 tiết chuẩn mỗi năm. Thay vì đi dạy thêm như trước đây, ông dành toàn bộ thời gian để làm công việc nghiên cứu và đi học tiếng Anh. Nhìn về thời gian 8 năm, 12 lần thi tiếng Anh, ông trần tình: “Có những lúc nản mang tính tức thời nhưng chưa bao giờ có ý định dừng lại. Nản ở những thời điểm nghiên cứu dài không ra kết quả gì dù không ít đêm phải ngủ lại ngay phòng thí nghiệm”.
Năm 1991, sau khi tốt nghiệp ngành điện tử Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, ông Quan trở thành giảng viên Trung tâm điện tử và máy tính của trường này. Đến năm 2003, ông là 1 trong 3 học viên cao học bảo vệ luận văn thạc sĩ đúng thời hạn chuyên ngành tự động hóa của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Ông kể, từ lúc bắt đầu đi dạy học ông đã đặt cho mình "sứ mạng cuộc đời" là phải học xong tiến sĩ.
“Bởi ngay lúc đó, dù ở trên bục giảng nhưng càng đi dạy tôi càng nhận thấy còn thiếu nhiều kiến thức. Đi học là để hoàn thiện bản thân người thầy trước học trò. Không chỉ làm gương mà từ những nghiên cứu được công nhận sinh viên mới tin tưởng vào những kiến thức mình truyền đạt trên giảng đường”, ông chia sẻ.
Nhưng lý do quan trọng khác, ông nói: “Để chứng minh cho lớp trẻ thấy mà tôi đã đi học”. Điều đơn giản mà ông đã dành suốt 8 năm để chứng minh làm nghiên cứu, học tiến sĩ không khó; học không giới hạn tuổi tác, khoa học không giới hạn bất kỳ ai mà chỉ cần đam mê và sự kiên trì.
Dù đã hoàn thành việc học nhưng niềm đam mê nghiên cứu của ông chưa dừng lại. Ông cho biết sẽ tiếp tục đi dạy, tiếp tục các nghiên cứu và viết thêm những bài báo khoa học.
Trong căn phòng thí nghiệm điện với ngổn ngang dây nhợ, ông Quan bên cạnh các học viên tỉ mẩn nghiên cứu là hình ảnh thật đẹp trong môi trường đại học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.