Đi dọc đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5, TP.HCM) những ngày này, không khí vắng lặng, buồn bã bao trùm cả con phố khi cửa hàng nào cũng im ỉm khóa. Hiếm lắm, PV mới thấy một vài tiệm mở cửa, nhưng không bán, cũng không có khách ghé mua.
Vốn nổi tiếng với những cửa hàng bán lồng đèn, đồ trang trí, Trung thu nào nơi này cũng nhộn nhịp người mua kẻ bán, người đến check-in. Còn năm nay, ai cũng lắc đầu ngao ngán vì đang tích cực chống dịch.
Xoay xở tiền trả mặt bằng
Đó là câu chuyện của bà Phương Tín (55 tuổi), chủ một cửa hàng bán lồng đèn 17 năm trên đường này. Trưa 20.9, chúng tôi ghé vào cửa hàng của bà, chỉ thấy vài cái lồng đèn còn bám bụi được treo phía trước. Bà Tín ngồi một góc sắp xếp lại những phần rau củ quả, trứng gà…
|
Người phụ nữ cho biết từ ngày dịch Covid-19 ập tới TP.HCM, qua nhiều đợt giãn cách, việc buôn bán lồng đèn, đồ trang trí của bà “ế thê thảm”. Để có thể trụ lại, có tiền trang trải các chi phí sinh hoạt và trả tiền mặt bằng (trước đây hơn 3.000 USD/tháng - hơn 68 triệu đồng, mùa dịch được giảm 50%), bà bán tạm những thứ thiết yếu về thực phẩm.
“8 đứa nhân viên, giờ nghỉ hết hẹn tụi nhỏ hết dịch đi làm lại. Chủ cho thuê mặt bằng ở đây, giảm nửa giá nên giờ mỗi tháng chỉ trả 1.500 USD thôi, cũng đỡ. Phải bán món này thì mới hợp thời, có đồng ra đồng vô không thì không sống nổi”, nhìn ra con phố vắng tanh, người phụ nữ luống tuổi thở dài sau lớp khẩu trang.
|
Đang nói chuyện, bỗng có 2 người chạy xe máy ghé lại cửa hàng hỏi: “Có bán lồng đèn không chị?”, ngồi trên ghế bà lắc tay nói ra: “Hết hàng rồi, làm gì có đâu mà bán!”. Khi được hỏi về tình hình buôn bán lồng đèn Trung thu năm nay, bà cười trừ, nói: “Thôi, khỏi nói đi, làm gì bán được cho ai. Năm nay là không có Trung thu”.
Suốt 17 năm buôn bán, bà Tín chưa bao giờ trải qua một mùa Trung thu quá khác đến vậy khi năm nay, bà chỉ bán được 1.200 cái lồng đèn cho một chung cư đặt để tặng quà cho cư dân ở đó. Trong khi năm ngoái, bà bán sỉ, bán lẻ, qua mùa Trung thu cũng hơn 15.000 cái lồng đèn.
“Lúc này bán được nhiêu đó còn may, chứ nhiều người người ta còn chẳng bán được gì. Bây giờ, mong mỏi duy nhất là hết dịch, để sớm buôn bán trở lại. Nhớ cái không khí nhộn nhịp Trung thu, Noel, tết… người ta mua bán rộn ràng. Cảnh tượng đó, chắc lâu lắm mới trở lại”, bà bày tỏ.
|
Bên kia đường, ông Trần Văn An (53 tuổi) đặt những cái lồng đèn nhỏ lên cái bàn trước con hẻm nhà mình, rồi đứng bán. Ông sống ở đường Hải Thượng Lãn Ông đã 12 năm, chưa Trung thu nào thấy buồn như năm nay. Đây là năm đầu tiên ông nhận một vài cái lồng đèn nhỏ từ một người bạn về để bán.
“Bán vậy cho vui thôi, chứ bây giờ đâu ai ra đường mà mua. Nhiều người đi qua lấy 1 - 2 cái cho tụi nhỏ ở nhà. Mai mà không bán hết thì tôi trả lại hàng cho người ta”, ông An dự tính.
Mở cửa cho thoáng chứ bán buôn gì
Gần chỗ ông An, là cửa tiệm của bà Thúy Kiều (60 tuổi). Tiệm mở cửa hờ, bên trong là những chiếc lồng đèn được nhập về trước dịch, nay vẫn bám bụi nằm đó vì thời gian qua bà chẳng buôn bán được gì.
Mùa dịch không buôn bán được, bà Kiều mở cửa cho thoáng rồi ngồi làm một vài món đồ thủ công cho đỡ chán những ngày giãn cách. Lâu lâu, bà nhìn ra con đường ngày nào cũng nhộn nhịp, nay vắng tanh rồi thở dài ngao ngán.
|
|
Bà nhớ những mùa Trung thu trước, cả con đường nhộn nhịp người mua kẻ bán, người đến chụp hình. Bà cùng hơn 6 nhân viên trong tiệm tất bật tư vấn cho khách. Niềm vui lớn nhất của bà là nhìn những đứa trẻ háo hức, vui mừng được ba mẹ mua cho những chiếc lồng đèn mình thích.
“Thôi thì đợi hết dịch, rồi mọi thứ đâu lại vào đấy. Năm nay Sài Gòn không ăn Trung thu linh đình, cũng để đổi lấy bình yên lâu dài hơn, vì sức khỏe của tất cả mọi người”, người phụ nữ lạc quan.
|
|
Sát bên, một cửa tiệm lồng đèn vẫn mở cửa. Bên trong, có 2 người đang treo những chiếc lồng đèn lên để trang trí thêm cho cửa hàng. Một cô gái cho biết thời điểm này, cửa hàng không bán trực tiếp mà nhận đơn thông qua online rồi gửi hàng cho shipper. “Treo lồng đèn lên cho có không khí thôi, chứ cũng không nhiều người tới mua. Năm nay dịch, đâu ai có tâm trạng ăn Trung thu”, người này nói thêm.
Bình luận (0)