'Phó nháy' không chuyên kiếm 20 triệu đồng/tháng

Thúy Hằng
Thúy Hằng
31/05/2018 07:59 GMT+7

Nhiều bạn trẻ không học qua trường lớp nhiếp ảnh nhưng bằng đam mê và sự cầu thị đã trở thành những 'phó nháy' có tiếng, có thể kiếm được trên dưới 20 triệu đồng/tháng.

Đồng Văn Hùng (22 tuổi), trú H.Phú Bình, Thái Nguyên chỉ học hết lớp 12, mê chụp ảnh nhưng không có tiền mua máy. Sau khi tốt nghiệp THPT, Hùng xin vào một công ty tại Bắc Ninh làm hơn một năm, khi vừa đủ tiền để mua máy ảnh, Hùng xin nghỉ. Nhờ người chị gần nhà, Hùng làm quen với một anh chụp ảnh ở Hà Nội và xin đi theo học nghề.
Học hỏi người anh đi trước, đồng thời tự lên mạng tìm tài liệu tự học, Hùng tiến bộ trông thấy. Dần dần, anh tách ra làm riêng.
Sở trường của Hùng là chụp ảnh dã ngoại, thời trang, gia đình... Vào các mùa hoa, Hùng làm không xuể khi các cuộc hẹn lịch chụp tới tấp. Cẩn trọng trong công việc, nói chuyện hài hước, được khách hàng yêu quý, Hùng có thể kiếm trung bình mỗi tháng từ 15 - 20 triệu đồng. Công việc cũng cho phép anh mở rộng mối quan hệ với nhiều nhiếp ảnh chuyên nghiệp, học hỏi được từ họ nhiều điều thú vị sau mỗi buổi làm việc chung.
Theo Hùng, không dễ dàng để đạt mức thu nhập cao như vậy: “Nghề của tôi luôn phụ thuộc vào thời tiết. Mùa hè nắng chói chang, vẫn phải ở đầm sen, có khi say nắng. Mùa đông lạnh buốt, vẫn ở ngoài cánh đồng lộng gió. Khách hàng thì nhiều người rất khó tính, ảnh rất đẹp nhưng họ nói 100 tấm không lấy được tấm nào”.
Còn Đoàn Văn Quang (27 tuổi), trú 126 Bảo Ngọc, P.Đa Mai, TP.Bắc Giang, tốt nghiệp Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình I (Hà Nam), cũng vì đam mê nên chọn máy ảnh để lập nghiệp. Đến nay, mọi người quen với nghệ danh Kun Mon của Quang, nhiều bạn trẻ ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang nhớ đến Quang đầu tiên khi muốn có một bộ ảnh kỷ yếu hay ảnh cưới, ảnh dã ngoại ngoài trời. Không tiết lộ cụ thể thu nhập mỗi tháng, nhưng Quang cho biết không dưới 20 triệu đồng.
“Đầu tiên tôi chỉ có một máy ảnh rẻ tiền, ảnh lúc đó rất tệ, tôi từng nản chí vô cùng. Tôi xem ảnh đẹp của những người giỏi nghề, tự rút kinh nghiệm và tự động viên họ làm được thì mình cũng làm được. Tôi chụp nhiều hơn và dần dần có thêm tự tin”, Quang chia sẻ.
Trong khi đó, Thạch Thanh Bình (23 tuổi), chủ một studio tên Cổ Điển và là một thợ nhiếp ảnh có tiếng tại Cần Thơ khi đang là sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ. Bố mẹ đều làm nông, Bình tự đi làm thêm để có tiền mua máy ảnh, sau đó tự học hỏi và sáng tạo gu chụp ảnh khác biệt, không giống bất cứ thợ nhiếp ảnh nào.
Điều sống còn của những bạn trẻ muốn sống bằng nghề chụp ảnh, đó là sự sáng tạo. Nếu như Đoàn Văn Quang là người tạo ra xu thế chụp ảnh kỷ yếu với phong cách thời trang thập niên 1970 thì Bình tạo thương hiệu cho riêng mình với lối chụp cổ điển từ màu sắc tới phong cách thời trang của các nhân vật chính.
Đồng Văn Hùng luôn quan tâm xu hướng của giới trẻ, trào lưu nào đang “hot” để tư vấn cho khách. Bản thân sinh ra trong một gia đình nông nghiệp, Hùng có nhiều ý tưởng thú vị về bà ngoại, mẹ, tình yêu quê hương được nhiều người yêu thích.
Với Đoàn Văn Quang, bí quyết để anh có thể sống khỏe, đó là không bao giờ chấp nhận bộ ảnh của mình nhàm chán, không đột phá: “Tôi thích sáng tạo những cái gì mà người ta không bao giờ nghĩ đến hoặc nghĩ đến mà chưa làm. Những trào lưu trên mạng có cái hay, cái dở, không phải cái nào cũng áp dụng, bởi tôi quan niệm, thợ chụp ảnh giỏi trước hết cần có tâm với những bức ảnh của mình”.
Dự định của Quang là lập một nhóm gồm những bạn trẻ chuyên chụp ảnh thời trang, kỷ yếu, phóng sự cưới, sau đó mở riêng một cửa hàng để tên tuổi mình được nhiều người biết đến hơn. Đó là mục tiêu để Quang nỗ lực nhiều hơn nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.