Phố khuất
Đó là những khu nhà không ra nhà, ghe chẳng ra ghe, mà bè cũng chẳng ra bè. Gần 500 "nóc gia" kéo dài hàng cây số trên sông với “nền hạ” là những chiếc ghe già nua đã kết thúc sứ mệnh bôn ba, được gia cố, cơi nới thành nơi nương náu của những gia đình cũng vừa kết thúc những ngày xuôi ngược.
Sau lời từ chối khéo của một lãnh đạo phường, tôi được đứa bé 5 tuổi “tạo điều kiện” để đến với một khu phố “không dễ đến”. Cô bé thân hình nhỏ thó, cột đoạn dây luộc vào eo để “đừng rớt xuống nước”, cộc cạch chiếc xuồng con đón đám học trò đi học trên bờ về lại phố sông, đã vui vẻ cho “chú lạ” quá giang tới “nhà” mình. Bé Mén là người đầu tiên tôi tiếp xúc ở một nơi vừa gần vừa xa này. “Phố lênh đênh” rất gần vì nằm trên một đoạn sông thuộc P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên (An Giang), nhưng cũng lại quá xa bởi người ở xứ khác tới sẽ rất khó biết được có một thế giới khác biệt vẫn tồn tại ở một góc khuất lỡ sông, lỡ phố như thế.
|
Lấy từ chiếc giỏ xách cũ quyển sổ hộ khẩu, anh Phan Thanh Hiền tự hào khoe rằng đây là một chứng minh điểm khác biệt của anh với khách thương hồ rày đây mai đó. Chúng tôi thắc mắc hai chữ “HG” ghi trên sổ hộ khẩu, anh giải thích đó là viết tắt từ “hộ ghe”, để phân biệt mình với mấy người sống trên bờ. Anh Hiền khoa tay: “Không quan trọng. Điều quan trọng là mình được công nhận không phải dân trôi nổi”. Hiền nói, rất nhiều gia đình trước khi dạt về đây cũng như anh sống cuộc đời lang bạt kỳ hồ. Có lẽ cũng vì thế mà người ở đây thường thân thiện, bao dung. Người đến trước sẵn sàng giúp đỡ người đến sau. Đến khi cầm được trên tay quyển sổ hộ khẩu, họ mặc nhiên thành dân phố. Dù rằng kỳ thực mà nói, so với cuộc sống tiện nghi cách đó vài trăm mét về phía bờ, có khi đó lại là khoảng cách xa vời.
|
Một hộ khác như gia đình ông Huệ, trước khi về đây, gia đình làm nghề chài lưới ở Campuchia. Năm 1993, sau một lần ông vô cớ bị lãnh phát đạn của tàn quân Pôn Pốt, vợ chồng ông đã quyết định nhổ sào đưa 6 con nhỏ xuôi dòng Mê Kông về quê nội ở Việt Nam. Sau mấy ngày đêm ròng rã, họ cũng đến được nơi cần đến. Không họ hàng thân thiết, nhưng tình bèo nước đã giúp gia đình ông Huệ sớm có chỗ cắm sào tại một xóm ghe gần cồn Nguyễn Du. Đến đây, ông mới biết còn nhiều hộ ghe khác cũng có hoàn cảnh giống như mình, cũng xuôi dòng Mê Kông về Việt Nam tìm cuộc sống bình yên. Đến khi con cái lớn lên, dựng vợ, gả chồng, họ lại tìm những chiếc ghe khác đã “về hưu” mà cải tạo làm nhà cho ra riêng. Ông Huệ nói, hồi người con lớn của ông lập gia đình, vợ chồng ông đã mua lại chiếc ghe cũ với giá 900.000 đồng để “tách khẩu” cho con. Trong những người con của ông, có 5 người lập gia đình rồi bám trụ quanh quẩn trong phố nổi này.
Trong những năm 90 của thế kỷ trước, cả khu này còn đóng ở bến sông thuộc P.Mỹ Bình, trung tâm TP.Long Xuyên. Ban đầu chỉ vài chục ghe, rồi nở dần thành khu “ổ chuột” trên sông. Và khi dòng người từ khắp nơi, mà phần nhiều là từ phía thượng nguồn Mê Kông tề tựu về đây đông đúc, thì lệnh giải tỏa được ban hành. Một cuộc di dân nhanh chóng, mà thực chất là di chuyển những chiếc ghe, bè tới một đoạn sông cách đó không xa. Từ đó đến nay, khu phố này cứ nới rộng, lớn dần ra từng năm.
Thế giới nước
Những gia đình có ghe tương đối lớn thì dành hẳn phía mũi và lái làm không gian sinh hoạt chung như một khuôn viên “lạc quan” để trẻ nhỏ chơi đùa, treo trồng hoa kiểng và cũng để tạm quên cuộc sống nhiều hạn chế do không đất chọi chim. Vậy còn đỡ, không ít những ghe nhỏ lụp xụp chỉ che tạm tấm bạt sau lái để bắc bếp nấu cơm. Thế thôi, ghe đã là nhà. Có khi nhà này kết nối với nhà kia bằng những… sợi dây, bằng chiếc xuồng nhỏ và bằng cả xuất thân cùng cảnh đời thắt ngặt. Trên những con “hẻm sông” vẫn dập dìu những chuyến đò dọc, đò ngang mà có người gọi vui là “xuồng buýt” đưa khách từ khu phố này đến khu phố khác; là những “quán nổi” của cô Bảy, cô Ba với nồi cháo bốc khói và những ghe hàng tạp hóa phục vụ tận nhà.
Hôm tính chuyện làm đám cưới cho đứa con đầu, vợ chồng anh Hiền lại gặp phải chuyện nan giải. Vì nhà chỉ là chiếc ghe tum húm, vợ chồng chui ra chui vào còn đụng nhau, chỗ đâu để đãi đằng mời khách. May lúc ấy, những người hàng xóm tốt bụng đã cho anh mượn 2 chiếc xuồng kết lại đủ để kê 2 chiếc bàn đãi khách. “Do nhà mình nghèo, không có điều kiện, chứ những nhà mạnh tài chính thì thuê hẳn phà che rạp làm đám cưới”, anh Hiền bộc bạch.
Trước, mỗi khi có đám cưới dân ở đây hay thuê tàu đò chạy tuyến Tân Châu - Long Xuyên để làm không gian đãi khách. Về sau, khi phà Tân Châu không còn chạy nữa, dân ở đây chuyển sang thuê phà với giá từ 700.000 đến 1 triệu đồng/ngày, diện tích rộng hơn, đủ chỗ để kê 5 - 7 bàn. Đến sát ngày cưới, người ta sẽ đưa phà tới cặp vào nhà để làm “sân” che rạp. Khách đi xuồng từ khắp nơi tới chia vui thì cứ cặp vào phà, chỉ một bước là tới bàn tiệc. Như vậy xem cũng tiện trong điều kiện bốn bề là nước.
Những người có thể gọi là cố cựu ở đây vẫn nuôi dưỡng một hy vọng là một ngày sẽ khác, chính quyền sẽ đưa họ lên một khu dân cư nào đó trên bờ, tạo kế sinh nhai. Nhưng, những người còn lại thì không mong như thế. Một cư dân phố nước tình thật rằng, cả một đời quen với xuồng ghe, sông nước, nếu một ngày “bắt” phải lên bờ, không biết bà có sống được không?
Bi kịch “phố chìm” Có lạc quan cho mấy, thì những cư dân ở phố nước cũng không thể quên một thực tế là họ đang sống trong điều kiện bấp bênh và thiếu thốn, thiệt thòi và nhiều hiểm nguy. Nhìn đám trẻ ngụp lặn, anh Lê Văn Lành hất cằm: “Con nít ở đây mới biết đi là đã biết lội rồi. Vậy đó, nhưng năm nào cũng “có chuyện” hết”. Người ở đây nói rằng mỗi năm cứ qua mùa mưa bão thì nơi này lại vắng đi những đứa trẻ. “Gần đây có cháu ngoại ông Chín xuồng hàng; con ông D. 7 tuổi lội sông bị vọp bẻ chìm luôn; rồi con bé 18 tháng nhà kế tui cũng vậy”, người đàn ông giọng trầm kể về những biến cố của hàng xóm. Rồi cả chuyện nhà anh nữa: “Cháu nội tôi 4 tuổi cũng bị rớt xuống sông mấy lần, rất may là “chụp” lại kịp, có lần phải lặn theo mò nó lên”. Không chỉ có trẻ con, mà người lớn cũng không thoát khỏi bất trắc khi sống ở nơi một bước tới sông này. Trong số đó, nhiều người vẫn không quên mất mát của gia đình ông S.V.H. Chẳng bao lâu sau khi ông H. đi đám cưới về say rượu bị té sông chết, thì đến người con thứ tư của ông bị trượt chân cắm đầu xuống sông yểu mệnh. Chưa hết, lại đến lượt ông P.V.C, em ông H. lội hái rau bị tai biến phải nằm lại sông. Trong ký ức thấp thoáng của những người sống lâu năm ở khu phố nước này, qua từng năm, những chuyện buồn như thế cứ dài thêm ra. Còn khi có mưa giông nhà bay nóc, nhà trôi, nhà chìm... không thể nào kể hết. Một ông lão mình trần bảo mình chẳng biết được lãnh đạo khu phố là ai, nhưng nhớ rất rõ sau mỗi đêm giông nhà ai còn, nhà ai mất. Nhiều gia đình sau một đêm thức dậy đã rơi vào cảnh lỡ khóc lỡ cười khi nhà mình... trôi dạt sang nơi khác. Thế là phải tất tả kéo về. Ông Trần Văn Tre nói rằng vẫn còn những ghe từ thượng nguồn tiếp tục xuôi về đây. Ngang nhà ông Tre, chúng tôi gặp ghe của vợ chồng anh Miễn Văn Mực (42 tuổi) và chị Miễn Thị Lượng (46 tuổi) đã về đậu ở đây 2 năm. Anh Mực nói trước đây anh làm nghề buôn bán trên sông ở Campuchia. Nhưng sống cảnh “ăn ngủ không thoải mái”, một ngày, anh chị quyết định xuôi về Việt Nam để ổn định cuộc sống, cho hai con của anh học hành. Hằng ngày, anh đi khắp nơi mua bán phế liệu, buổi tối ra chợ đêm Long Xuyên thổi bong bóng bán. Có kế sinh nhai, nhưng ước muốn lớn nhất của anh là cho con cái học hành vẫn chưa thực hiện được vì anh không có hộ khẩu để đưa con vào trường công, lại không đủ tiền để vào trường tư thục. Do hoàn cảnh khó khăn, cách trở đi lại mà nhiều trẻ em tại đây đã phải bỏ học giữa chừng. |
Tiến Trình
>> Phố nước mía giá 3.000 đồng
>> An Giang sẽ có thêm 8 thị trấn
>> An Giang: 9.700 suất cơm miễn phí cho thí sinh
>> Nghiên cứu xây dựng sân bay An Giang
>> Ít thí sinh dự thi ngành sư phạm ĐH An Giang
Bình luận (0)