Phó thủ tướng: 'Còn sự hoài nghi về thành công của kinh tế tập thể'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
21/07/2022 18:21 GMT+7

Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ về bản chất, vị trí của kinh tế tập thể chưa đầy đủ, thống nhất; còn sự hoài nghi về thành công của kinh tế tập thể.

Ngày 21.7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái quán triệt nội dung Nghị quyết 20 Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII

gia hân

Truyền đạt chuyên đề "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới" (Nghị quyết 20), Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, tại Hội nghị T.Ư 5 vừa qua, T.Ư Đảng đã thống nhất cao về sự cần thiết phải tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân của kinh tế tập thể.

Về hạn chế, Phó thủ tướng cho hay T.Ư đã chỉ rõ, tốc độ tăng trưởng, tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tâp thể vào GDP còn thấp, có xu hướng giảm.

Năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế.

Phần lớn hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp.

Về nguyên nhân, ông Khái nhấn mạnh nhận thức của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về bản chất, vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, còn bị chi phối, ảnh hưởng bởi định kiến về mô hình hợp tác xã thời kỳ bao cấp.

“Còn sự hoài nghi về sự thành công của kinh tế tập thể”, ông Khái nêu.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể thiếu thống nhất, một số nơi buông lỏng hoặc can thiệp quá sâu. Một số hợp tác xã chưa tuân thủ nguyên tắc hoạt động theo quy định của pháp luật; thành viên hợp tác xã vẫn còn tâm lý ỷ lại, dựa dẫm hoặc trông chờ hỗ trợ của nhà nước.

Đến 2045 thu hút 20% dân số tham gia kinh tế tập

Nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của Đảng khẳng định kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, ông Khái cho hay Nghị quyết 20 cũng xác định rõ quan điểm “kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…) trong đó hợp tác xã là nòng cốt”.

Về mục tiêu, T.Ư đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên.

Đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể.

Theo ông Khái, các mục tiêu cụ thể trên được xây dựng trên cơ sở đánh giá thực tiễn sự phát triển của kinh tế tập thể thời gian qua và cập nhật xu thế phát triển của thế giới cũng như yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn đến 2030 và tầm nhìn đến 2045.

Khắc phục cho được quan niệm hợp tác xã là yếu kém

Về giải pháp, nhiệm vụ, Phó thủ tướng thông tin T.Ư yêu cầu nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hội nghị toàn quốc quán triệt các nghị quyết Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

gia hân

Theo ông Khái, đây là nội dung quan trọng, cốt lõi nhằm khắc phục cho được tồn tại kéo dài và chậm được khắc phục trong thời gian vừa qua và xác định đây là nhiệm vụ trước tiên.

Một nhiệm vụ khác, theo Phó thủ tướng, là hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể với các nhóm chính sách về nhân lực, đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường, phát triển kết cấu hạ tầng…

Ông Khái cho biết Nghị quyết 20 nhấn mạnh xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp quy mô lớn.

Cùng đó là ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với các tổ chức kinh tế tập thể chuyển đổi và thành lập mới chưa được hỗ trợ thuê đất.

Một nhóm giải pháp khác, theo ông Khái, là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể.

Phó thủ tướng cho hay, đây là nội dung "rất khó", nhất là xử lý các vướng mắc, tồn đọng, đồng thời nâng cao năng lực nội tại của hợp tác xã.

Ông cho hay Nghị quyết 20 của T.Ư yêu cầu xử lý dứt điểm các hợp tác xã yếu kém, đồng thời đổi mới hình thức hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, tăng cường công khai, minh bạch, từng bước tạo lòng tin của người dân, doanh nghiệp đối với kinh tế tập thể.

“Khắc phục cho được quan niệm: hợp tác xã là yếu kém”, ông Khái nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.