Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Thành ủy, HĐND, UBND TP.Đà Nẵng phải đưa dệt may phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Phó thủ tướng thăm hỏi công nhân Công ty dệt may 29.3 - Ảnh: Hoàng Sơn |
* "Đà Nẵng đang chậm lại, Thường vụ, UBND có lo không?”
Ngày 8.3, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, làm việc với Công ty cổ phần Dệt may 29.3 (TP.Đà Nẵng). Đi cùng Phó thủ tướng có Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và các cán bộ lãnh đạo Đà Nẵng.
Dệt may là một lợi thế hội nhập
Đánh giá cao sự phát triển của công ty chỉ từ một tổ hợp sản xuất sang quy mô nhà máy hiện đại, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nếu công cuộc đổi mới của đất nước không đi kèm thay đổi cơ chế chính sách, không chịu hội nhập phát triển thì sẽ thất bại.
|
Do vậy, Phó thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp phải có các bước đi thích hợp trong quá trình hội nhập sắp tới.
“Hội nhập quốc tế TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương) là cơ hội ngàn vàng cho Việt Nam nói chung và cho ngành dệt may nói riêng. Vậy thì chúng ta áp dụng thành quả TPP đối với dệt may cho chúng ta như thế nào”, Phó thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng lợi thế cơ bản nhất khi hội nhập TPP là ngành dệt may.
Vì vậy Phó thủ tướng chỉ đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP.Đà Nẵng đưa dệt may lên sự phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh giới thiệu với Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một sản phẩm dệt may - Ảnh: Hoàng Sơn
|
Theo Phó thủ tướng, tại Quảng Nam hiện đã có khu liên hiệp dệt may, nhuộm… cho nên “các đồng chí xem, nghiên cứu hệ thống để có những sản phẩm mới, có quy mô lớn hơn… Có bột mới gột nên hồ. Các đồng chí đã có nền tảng về ngành này, chứ mới hoàn toàn thì không thể”, Phó thủ tướng nói.
"Đà Nẵng đang chậm lại, Thường vụ, UBND có lo không?”
Trao đổi với lãnh đạo chính quyền TP.Đà Nẵng về việc xây dựng thành phố với quy mô lớn hơn về dân số, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã từng trao đổi với các lãnh đạo địa phương là “không thể để Đà Nẵng với số dân cư dưới 1 triệu dân được”.
“Muốn hệ số thương mại xuất hiện ở Đà Nẵng thì dứt khoát thành phố phải có ít nhất 3 triệu dân”, Phó thủ tướng khẳng định.
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dệt may sẽ là ngành lợi thế trong hội nhập TPP - Ảnh: Hoàng Sơn
|
Dẫn lại câu chuyện cố Tổng bí thư Lê Duẩn hỏi ông Phan Văn Khải (thời điểm đó là Phó chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch TP.HCM - PV) về việc làm sao để 3 triệu dân TP.HCM (khi TP.HCM chỉ mới đạt 3 triệu dân - PV) sống được, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần phải tạo công ăn việc làm cho người dân để nâng dân số lên.
|
Về nguồn thu của Đà Nẵng, Phó thủ tướng cho rằng mặc dù Đà Nẵng có nhiều lợi thế khi mới tách tỉnh (Quảng Nam - Đà Nẵng) nhưng hiện Đà Nẵng đang chậm lại. Đó là điều đáng lo.
Phó thủ tướng cho biết khi tách tỉnh giá trị doanh nghiệp nhà nước mang vào Quảng Nam chỉ 1%, còn 99% để lại Đà Nẵng. Nhưng bây giờ giá trị công nghiệp của tỉnh Quảng Nam tương đương với Đà Nẵng, thậm chí hơn. Thu nội địa Quảng Nam cũng đã đạt 16.000 tỉ đồng.
“Nếu chúng ta không thấy được sự chậm lại này thì chúng ta tụt hậu, đồng nghĩa với việc chúng ta không xứng đáng là vai trò trung tâm, quan trọng nhất của miền Trung - Tây nguyên. Thường vụ, UBND TP có lo không?”, Phó thủ tướng nói.
Theo đó, Phó thủ tướng cho rằng con đường phát triển quan trọng nhất của Đà Nẵng vẫn là sản xuất và dịch vụ. Du lịch là mũi nhọn nhưng sản xuất luôn chiếm ưu thế tốt nhất, ít bị biến động nhất.
“Chúng ta phải đi hai chân (du lịch và sản xuất - PV) chứ không thể đi một chân được. Chính vì thế TP.Đà Nẵng cần có nghị quyết chuyên đề để phát triển trong thời kỳ mới”, Phó Thủ tướng yêu cầu và nhấn mạnh: “Thành ủy, UBND TP nên có cơ chế, chính sách, nghiên cứu phát triển, có lộ trình bước đi, để trong 5 năm có sự phát triển mới…”.
Bình luận (0)