Phó thủ tướng: Nhân lực là bài toán quyết định trong phát triển công nghiệp bán dẫn

Quý Hiên
Quý Hiên
04/05/2024 15:52 GMT+7

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, để phát triển nền công nghiệp bán dẫn, chúng ta cần phải chạy đua với thời gian, bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao có tính quyết định sự thành công cuộc chạy đua này.

Hôm nay 4.5, tại Trường ĐH Phenikaa đã diễn ra hội thảo quốc tế "Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu". Hội thảo do Tập đoàn Phenikaa, Trường ĐH Phenikaa phối hợp với Tập đoàn Synopsys và ĐH bang Arizona (Mỹ) tổ chức.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại hội thảo quốc tế

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội thảo quốc tế "Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu" tại Trường ĐH Phenikaa ngày 4.5

CẨM LỆ

Chúng ta cần chạy đua với thời gian

Tại hội thảo, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, đây là dịp để Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương, đặc biệt là các trường, viện sẽ cùng lắng nghe ý kiến của nhau về chủ đề rất thời sự này. Việc lắng nghe này hết sức cần thiết để có những bước đi phù hợp, bài bản, vừa chuẩn bị chiến lược phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nói chung và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chiến lược này nói riêng.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, định hình sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế toàn cầu. 

"Một đất nước phát triển phải là một đất nước có nền công nghiệp hiện đại. Một đất nước có nền công nghiệp hiện đại chỉ khi có ngành công nghiệp điện tử hiện đại. Đứng đằng sau ngành công nghiệp điện tử, tạo động lực cho ngành công nghiệp điện tử chính là công nghiệp bán dẫn mà chúng ta đã nói.

Công nghiệp bán dẫn có vai trò quan trọng trong sự phát triển của các công nghệ, giải pháp công nghệ mới hiện nay. Từ các hệ thống dân dụng như hệ thống năng lượng, giao thông, điện toán hay các tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (BigData), viễn thông 5G, siêu máy tính, tự động hóa đến các hệ thống quốc phòng, an ninh… đều dựa vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn", Phó thủ tướng giải thích.

Phó thủ tướng cũng nhận định, xét chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn cho thấy, có nhiều công đoạn đang hoàn toàn là hoạt động có tính độc quyền khi chỉ có một vài "ông lớn" chiếm lĩnh. Vì vậy, những nước đang phát triển như chúng ta cần có bước đi và nhìn nhận hết sức thấu đáo, kỹ lưỡng, để có cách tiếp cận phù hợp, mới có thể ngày càng tham gia sâu được vào chuỗi giá trị này.

Thế mạnh của Việt Nam là đất nước của những con người hết sức khéo léo, yêu toán học. Việt Nam đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư. Việt Nam hiện có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.

Chúng ta nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn và đang đứng trước thời cơ to lớn để trở thành một điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.

"Chúng ta cần phải chạy đua với thời gian. Chính vì vậy, bài toán nguồn nhân lực (chất lượng cao - PV) có lẽ là bài toán có tính quyết định sự thành công trong cuộc chạy đua này", Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định, rồi nói thêm: "Việc nhanh chóng xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn được cho là bài toán mấu chốt, là cơ hội, cũng là thách thức lớn nhất để Việt Nam phát huy tốt tiềm năng".

Làm sao để đi xa, đi vững chắc

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tới việc cần thiết phải xác định những công việc cần phải chuẩn bị để có thể đi xa, đi vững chắc về công nghiệp bán dẫn, từ đó xác định lĩnh vực nào cần phải đầu tư cho đào tạo cơ bản, đào tạo chuyên sâu, cho nghiên cứu cơ bản. 

"Đây là những công việc không phải một sớm một chiều có thể làm ngay. Nhưng muốn nắm bắt được, muốn làm chủ được thì cần phải xác định rõ chúng ta muốn gì. Ở đây Chính phủ phải đóng vai trò quan trọng. Như một số nước, Mỹ chẳng hạn, Chính phủ đầu tư cho nghiên cứu cơ bản là rất lớn", Phó thủ tướng nói.

Cũng theo Phó thủ tướng, STEM (Science, Technology, Engineering, Maths) với các ngành khoa học vật lý, vật liệu, toán học, hóa chất, điện tử, tin học, thiết kế hệ thống... là nền tảng căn bản của công nghệ bán dẫn, thiết kế chip. Vấn đề đặt ra là cần xây dựng tháp nhân lực như thế nào, như cần bao nhiêu nhân lực được đào tạo ở mức độ cao, bao nhiêu là kỹ sư, nhân viên kỹ thuật lành nghề…

Chúng ta đã có những bài học đắt giá khi chạy theo các yêu cầu ngắn hạn, nên đào tạo không hiệu quả. Để chuẩn bị cho công nghiệp bán dẫn, chúng ta cần đào tạo dựa trên tín hiệu thị trường, thực sự đáp ứng nhu cầu của thị trường. Việc đào phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Phó thủ tướng tiếp tục "đặt hàng": "Chúng tôi mong muốn lắng nghe kiến nghị, đề xuất, hoặc các ý tưởng, về các "gói" cơ chế, chính sách cụ thể, đột phá, đặc thù".

Theo Phó thủ tướng, điều Chính phủ đặc biệt quan tâm là các chính sách thu hút nhân tài. Vấn đề ở đây không phải là lương, không phải là đãi ngộ, mà là không gian, điều kiện để họ có thể tham gia vào quá trình cống hiến; là nơi để họ trở thành những chuyên gia hàng đầu. Để tạo được không gian làm việc đó thì không thể trả bằng chi phí, mà phải làm sao để người tài thấy mình được tôn trọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.