Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình: Phải tăng cường giải ngân

Mạnh Cường
Mạnh Cường
11/10/2024 20:50 GMT+7

Tại buổi làm việc đẩy mạnh đầu tư công với 5 tỉnh, thành miền Trung chiều nay 11.10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị phải tăng cường giải ngân; thành lập các tổ công tác đi đôn đốc giải ngân tại các huyện.

Chiều 11.10, tại Quảng Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì buổi làm việc với các bộ cùng lãnh đạo các tỉnh, thành Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh đầu tư công.

"Có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm"

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho biết tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương thuộc Tổ công tác số 1 (gồm Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, TP.Đà Nẵng) là hơn 55.718 tỉ đồng.

Ông Trung nhìn nhận, báo cáo của các địa phương tham dự cuộc họp đã nhìn nhận, chỉ ra các khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Tuy nhiên, việc phân tích nguyên nhân, chỉ rõ giải pháp, đề xuất cấp có thẩm quyền để giải quyết các vướng mắc còn chung chung, chưa rõ bộ, cơ quan Trung ương hay cấp có thẩm quyền để giải quyết các vướng mắc của địa phương.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương đề xuất sớm trình Quốc hội thông qua luật Đầu tư công sửa đổi để sớm giải quyết các vướng mắc còn tồn tại, ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: 'Tiền thì có nhưng dân phải chờ' - Ảnh 1.

Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị xem xét phân cấp, giao trách nhiệm cho các địa phương trong quá trình lập, thẩm định dự án và lập, thẩm định thiết kế thi công để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị thực hiện các dự án tu bổ di tích cấp quốc gia.

Về chi phí thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, lãnh đạo TP.Đà Nẵng đề nghị bổ sung nội dung này vào luật Đầu tư công sửa đổi và quy định cụ thể là thành phần chi phí trong kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư dự án, được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công.

Riêng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng hiện nay hệ thống kết cấu hạ tầng do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh khá lớn nên hiện vẫn còn nhiều tồn tại, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn để đầu tư các công trình như QL1, QL14G, QL14B, QL40B, QL14H, QL14D…

Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, thẳng thắn nhìn nhận bên cạnh nguyên nhân vướng mắc về cơ chế khiến việc giải ngân vốn đầu tư công bị chậm thì nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, dù đã chỉ đạo quyết liệt nhưng chưa đạt kết quả cao nhất.

Riêng Quảng Nam 7 tháng khuyết lãnh đạo tỉnh, kể cả giám đốc các sở Xây dựng, TN-MT đều là những đơn vị quan trọng trong khâu giải ngân cũng chậm kiện toàn.

"Có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm nên không dám làm của đội ngũ cán bộ cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư công ở một số địa phương bị chậm", ông Triết nói.

Phải tăng cường giải ngân

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các địa phương; đồng thời đề nghị các bộ, ngành tiếp nhận những kiến nghị thuộc lĩnh vực mình phụ trách để chủ động giải quyết, nội dung nào vướng thì báo cáo Chính phủ để tìm cách tháo gỡ.

Ông Nguyễn Hòa Bình chia sẻ với những khó khăn trong công tác giải ngân của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi khi có sự biến động về công tác tổ chức cán bộ thời gian qua. Đồng thời, nhìn nhận hiện nay giải ngân vốn đầu tư công của Tổ công tác số 1 nhìn chung còn thấp hơn so với cả nước.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ đề nghị các địa phương bám sát chỉ đạo của Chính phủ, theo dõi sát tình hình của địa phương để có kế hoạch giải ngân đạt tiến độ đề ra, xem đây là nhiệm vụ hàng đầu, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị…

"Tôi đề nghị cần phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ; thành lập các tổ công tác đi đôn đốc giải ngân tại các huyện. Chính phủ thì đi đôn đốc các tỉnh, các tỉnh cũng phải đến các khu vực trọng điểm để tháo gỡ những vướng mắc. Đối với những kiến nghị của các địa phương, Chính phủ luôn lắng nghe, cố gắng tháo gỡ hết khó khăn này", ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Ông Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị đối với các chương trình mục tiêu quốc gia khi giao về phía dưới thì năng lực xây dựng dự án, thực hiện dự án lại hạn chế.

"Việc hạn chế mà chúng ta không giải ngân thì không được. Các đồng chí cần phải tăng cường giải ngân Chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường cán bộ có năng lực từ trên tỉnh xuống hỗ trợ cho các huyện để cùng chung tay thực hiện", Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.