Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Khơi dậy khát vọng để thoát nghèo

20/12/2022 20:31 GMT+7

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn Mekong Startup lần thứ 1 diễn ra ở Đồng Tháp , Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương cần khơi dậy khát vọng thoát nghèo để cùng nhau phấn đấu.

Chiều 20.12, tại Đồng Tháp, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức diễn đàn Mekong Startup lần 1 cấp khu vực ĐBSCL với chủ đề "Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp". Đến dự có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các bộ, ngành T.Ư, lãnh đạo các tỉnh khu vực ĐBSCL, các chuyên gia trong nước và quốc tế, cùng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nông nghiệp.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn Mekong Startup lần 1 tại Đồng Tháp

TRẦN NGỌC

Nông nghiệp là lợi thế quốc gia

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp đạt nhiều thành tựu quan trọng. Từ quốc gia chủ yếu nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực mỗi năm, trở thành nước xuất khẩu nông sản top đầu thế giới, các mặt hàng nông sản có mặt tại hầu hết quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2022, xuất khẩu nông sản dự kiến chạm mốc 50 tỉ USD và có thể khẳng định, nông nghiệp là lợi thế quốc gia.

Ông Lê Quốc Phong (bìa trái), Bí thư Tỉnh ủy và ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (bìa phải) giới thiệu với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về sản phẩm trưng bày tại diễn đàn Mekong Startup lần 1 tại Đồng Tháp

TRẦN NGỌC

Trong đó, ĐBSCL đã đóng góp trên 56% sản lượng gạo, 60% lượng trái cây, 83% sản lượng tôm, 98% tổng sản lượng cá tra cả nước. Đồng thời là vùng xuất khẩu nông sản chủ lực của cả nước, khi chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu gạo, 65% kim ngạch xuất khẩu trái cây, 60% kim ngạch xuất khẩu tôm và 95% kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước.

Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn manh mún, tính liên kết chưa cao, chưa chú trọng công nghệ lẫn đổi mới sáng tạo. Theo ông Nam, trong giai đoạn 2021 - 2030 các yếu tố xanh hơn, phát thải thấp, giá trị cao, ứng dụng sinh thái tuần hoàn đóng vai trò quan trọng; phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và cần đầu tư phù hợp với đặc thù ngành lẫn địa phương.

Theo ông Nam, nông nghiệp tuần hoàn ĐBSCL là để nâng cao giá trị, biến phế phẩm thành tài nguyên tái tạo để tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập của chuỗi sản xuất. “Nguyên lý tuần hoàn trong nông nghiệp là coi mọi thứ đều tài nguyên và là đầu vào đối với quá trình sản xuất khác. Ba nguyên tắc cơ bản của kinh tế tuần hoàn chính là giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Ước hiện nay với khoảng 100 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp ở ĐBSCL từ rơm rạ, thân cây ngô, rau màu, thủy hải sản, lâm nghiệp sẽ là nguồn tài nguyên khổng lồ nếu chúng ta biết sử dụng hiệu quả. Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế thế giới, nền kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra 4,5 ngàn tỉ USD vào năm 2030”, ông Nam nhấn mạnh.

Bộ NN-PTNT, nhận định nông nghiệp xanh, giảm phát thải của ĐBSCL là yêu cầu vô cùng quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Về khởi nghiệp, thời gian qua ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất. Mỗi năm có 100.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, trong đó ĐBSCL có từ 8.000 - 11.000 doanh nghiệp, tuy nhiên chỉ có 2.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, con số này khá khiêm tốn…

Khơi dậy khát vọng để thoát nghèo

Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, diễn đàn thể hiện được quyết tâm đổi mới sáng tạo của các lãnh đạo và cộng đồng startup trong khu vực ĐBSCL. Phó thủ tướng mong muốn tinh thần Startup, khát vọng khởi nghiệp sẽ được bồi đắp trở thành tinh thần của của vùng.

Chia sẻ về vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế, Phó thủ tướng cho biết, nước ta dân số đứng 15 thế giới nhưng thu nhập đứng thứ 126 thế giới, thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp. Đối với sản phẩm nông nghiệp, Việt Nam có 10 nhóm hàng thuộc top 10 xuất khẩu thế giới, gồm: tôm, cà phê, đồ gỗ nội thất, cao su, gạo, chè... Phó thủ tướng cho biết, tuy đất nước còn nghèo nhưng Việt Nam cũng có những cam kết, kế hoạch quốc gia hướng đến bền vững và được thế giới đánh giá rất cao, thể hiện Việt Nam có trách nhiệm với môi trường thế giới.

Tại diễn đàn Bộ NN-PTNT và lãnh đạo 13 tỉnh thành ĐBSCL đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL

TRẦN NGỌC

Tại diễn đàn Mekong Startup, Bộ NN-PTNT và lãnh đạo 13 tỉnh thành ĐBSCL đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp và lãnh đạo Tập đoàn FPT ký kết hợp tác chuyển đổi số toàn diện và đào tạo nguồn nhân lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Đại hội Đảng đã đặt từ năm 2020 đến năm 2030, chúng ta phải tăng trưởng tối thiểu 7%/năm. Chúng ta xác định đặt ra mục tiêu phát triển 7% hoàn toàn không phải là mục tiêu bất khả thi, vì vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Một trong những yếu tố giúp hiện thực hóa mục tiêu trên là chúng ta phải khơi dậy khát vọng của cả đất nước, không thể cứ nghèo mãi như vậy được. Bây giờ phải có khát vọng, nhất định phải xem nghèo như là một thứ giặc, phải khơi dậy khát vọng thoát nghèo trong tất cả mọi người để cùng nhau phấn đấu".

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khuyến khích các đơn vị, địa phương có thể luân phiên tổ chức những diễn đàn, sự kiện tương tự như Mekong Startup để Chính phủ, doanh nghiệp lớn cùng cộng đồng startup cùng hiện thực khát vọng sáng tạo. Đồng thời, đề nghị chính quyền các tỉnh tham dự diễn đàn hãy cổ vũ, hỗ trợ tinh thần của cộng đồng startup giúp triển khai các dự án, ý tưởng sáng tạo và đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với các địa phương định hướng sử dụng quỹ đất, giống cây trồng, nâng giá trị sử dụng nông sản để thể hiện đúng tinh thần như diễn đàn đã đề ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.