Phó thủ tướng: 'Xách hồ sơ đi hết cửa nọ, cửa kia thì phiền hà doanh nghiệp'

Mai Hà
Mai Hà
30/10/2024 13:51 GMT+7

Nhấn mạnh tinh thần sửa luật phải đơn giản, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết Chính phủ muốn tạo thuận lợi tối đa, tránh tình trạng 'xách hồ sơ đi hết cửa nọ, cửa kia thì phiền hà cho doanh nghiệp'.

Sáng 30.10, Quốc hội nghe và thảo luận dự án "1 luật sửa 4 luật" sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quy hoạch, luật Đầu tư, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và luật Đấu thầu.

Phó thủ tướng: 'Xách hồ sơ đi hết cửa nọ, cửa kia thì phiền hà doanh nghiệp'- Ảnh 1.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình

ẢNH: NHƯ Ý

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh tinh thần xây dựng pháp luật "không phải cái gì không quản được thì cấm, nặng hàm lượng về quản, chứ làm luật một hồi không có chỗ để mà thở nữa thì kinh tế đất nước không phát triển". Đây là tư duy xuyên suốt trong xây dựng các luật tới đây. Luật mới sẽ trao nhiều quyền hơn cho cơ sở, Quốc hội giao cho Chính phủ, Chính phủ giao cho tỉnh...

Phó thủ tướng: 'Xách hồ sơ đi hết cửa nọ, cửa kia thì phiền hà doanh nghiệp'

Về luật Đầu tư, ông cho biết những vấn đề "rất khó, rất vướng" đã được Chính phủ lựa chọn đưa vào lần sửa đổi này. Trong đó, có quy định chấm dứt hoạt động đối với các dự án chậm tiến độ, dự án không được triển khai thực hiện trong nhiều năm, gây lãng phí đất đai nhằm giải phóng nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Phó thủ tướng, các địa phương đang rất cần quy định này, bởi trên thực tế "có những anh bằng quan hệ kiếm được dự án nhưng năng lực thực thi không có sau đó chuyển nhượng, tạo nên lãng phí rất lớn".

Về luật PPP, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ cần nguồn lực Nhà nước mà còn cần nguồn lực xã hội, ODA... Luật PPP hiện hành đã loại bỏ phương thức hợp đồng BT, song lần sửa đổi này Chính phủ đề xuất áp dụng trở lại trên tinh thần kiểm soát chặt chẽ hơn.

Về quy định tỷ lệ vốn góp của Nhà nước, có đại biểu cho rằng không nên hạn chế tỷ lệ huy động vốn. Song, theo Phó thủ tướng, "nếu để vốn doanh nghiệp 100% thì sẽ không kêu gọi được ai, Nhà nước phải chiếm tỷ trọng cao, doanh nghiệp tham gia một phần thì may ra họ mới tham gia"...

Cạnh đó, có những dự án rất khó kêu gọi nhà đầu tư tham gia PPP cho nên phải tăng tỷ lệ góp vốn Nhà nước lên. Để thu hút được nhà đầu tư vào các dự án khó thì phần vốn góp của Nhà nước phải vượt quá tỷ lệ cho phép hiện hành là 50% nhưng không quá 70%.

Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh, tinh thần của Chính phủ là "thủ tục phải rất đơn giản", "chứ còn xách hồ sơ đi hết cửa nọ, cửa kia thì phiền hà cho doanh nghiệp".

"Chúng ta tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Khi công khai trình tự thủ tục này cũng đảm bảo xây dựng Chính phủ liêm chính. Không phải xách hồ sơ đi chạy lòng vòng, hạn chế xin - cho. Thủ tục đơn giản thì thuận lợi cho doanh nghiệp, loại trừ việc phiền hà, nhũng nhiễu, góp phần phòng ngừa tham nhũng. Thủ tục gọn nhẹ cũng giúp chống lãng phí bởi có khi 1 dự án thực hiện 1 năm nhưng thủ tục thì 2 năm...", Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình nêu.

Nhà đầu tư sợ dự án PPP vì thiếu cơ chế xử lý rủi ro

Góp ý thêm cho dự thảo luật PPP, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) băn khoăn việc nâng tỷ lệ vốn nhà nước từ 50% lên 70%. Đồng tình với lý do nâng tỷ lệ do nhiều dự án giải phóng mặt bằng rất lớn, nếu nhà nước không bỏ vào thì nhà đầu tư không mặn mà, song theo ông Cường, đây chỉ là những trường hợp cá biệt.

Phó thủ tướng: 'Xách hồ sơ đi hết cửa nọ, cửa kia thì phiền hà doanh nghiệp'- Ảnh 2.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

ẢNH: GIA HÂN

Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cũng nêu thực tế nhiều nhà đầu tư “sợ” dự án PPP vì không có cơ chế xử lý rủi ro. Điển hình là các dự án BOT giao thông, nhà đầu tư làm xong không cho thu phí nên không ai dám làm nữa. Ông đề nghị hoàn thiện hơn cơ chế xử lý rủi ro, đồng thời quy trách nhiệm cho cơ quan phê duyệt dự án PPP.

Đơn cử khi làm dự án BOT đường tránh, dân phản đối không cho thu phí thì lỗi không phải nhà đầu tư mà là cơ quan quản lý. “Có cơ chế xử lý rủi ro tốt thì mới có nhà đầu tư, còn như hiện nay sợ không ai dám vào”, ông Cường nêu và cho rằng dự án BT là con dao 2 lưỡi, phải có quy định ràng buộc thận trọng. Luật Thủ đô cũng cho phép dự án BT đổi đất lấy hạ tầng nhưng phải có điều kiện đi kèm như khai thác hạ tầng liền kề với dự án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.