Chính phủ đề xuất đưa hợp đồng BT 'đổi đất lấy hạ tầng' trở lại

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/10/2024 09:13 GMT+7

Chính phủ đề xuất đưa loại hợp đồng BT 'xây dựng - chuyển giao' hay 'đổi đất lấy hạ tầng' trở lại sau khi loại hợp đồng này bị Quốc hội loại khỏi luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020.

Đề xuất đưa loại hợp đồng BT thanh toán bằng tiền và quỹ đất vẫn được gọi là hợp đồng "xây dựng - chuyển giao" hay "đổi đất lấy hạ tầng" được Chính phủ đưa ra tại dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều 4 luật: Quy hoạch, Đầu tư, PPP và Đấu thầu dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp 8 khai mạc ngày 21.10 tới.

Chính phủ đề xuất đưa hợp đồng BT 'đổi đất lấy hạ tầng' trở lại- Ảnh 1.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua 10.10

ẢNH: GIA HÂN

Báo cáo tại phiên họp 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua 10.10, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư nhằm khắc phục tối đa các bất cập, vướng mắc khi thực hiện loại hợp đồng này.

Ví như tổng mức đầu tư phải được xác định chính xác, tránh nâng khống giá trị công trình; phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư phải được xác định cụ thể, minh bạch ngay từ giai đoạn lập dự án…

Ngoài ra, dự thảo sẽ bổ sung loại hợp đồng BT không yêu cầu thanh toán để áp dụng với công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công do nhà đầu tư tự đề xuất đầu tư xây dựng và chuyển giao cho Nhà nước mà không yêu cầu thanh toán chi phí đầu tư xây dựng.

Cũng tại luật PPP sửa đổi lần này, Chính phủ đề xuất mở rộng phương thức PPP với tất cả các lĩnh vực đầu tư công, trừ trường hợp nhà nước độc quyền hay liên quan quốc phòng, an ninh.

Cùng đó, Chính phủ cũng đề xuất bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu thực hiện dự án PPP; giao bộ, ngành, địa phương xem xét, chịu trách nhiệm quyết định lựa chọn dự án phù hợp nhu cầu, điều kiện thực hiện của nhà đầu tư.

Một đề xuất khác đáng lưu ý là cho phép áp dụng hợp đồng BOT thu phí trực tiếp từ người sử dụng đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình hiện hữu, trừ trường hợp đó là lựa chọn duy nhất của cộng đồng dân cư, cá nhân sinh sống, sản xuất, kinh doanh tại khu vực công trình.

Đưa hợp đồng BT trở lại bắt buộc phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc mở rộng lĩnh vực đầu tư PPP và hạn mức quy mô tối thiểu hoặc bãi bỏ quy định về hạn mức quy mô tối thiểu có thể góp phần tạo điều kiện, gia tăng sự tham gia của khu vực tư nhân thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước. Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi lĩnh vực áp dụng tại một số địa phương đang trong giai đoạn thí điểm chưa được tổng kết, đánh giá.

Bên cạnh đó, theo quy định của luật PPP, các dự án PPP sẽ được áp dụng "cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu". Do đó, việc đề xuất mở rộng lĩnh vực và quy mô đầu tư PPP có thể dẫn đến rủi ro cho ngân sách nhà nước trong giai đoạn tới.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc, thận trọng đối với đề xuất này và bổ sung đánh giá kỹ lưỡng.

Với đề xuất "hồi sinh" loại hợp đồng BT, ông Thanh cho hay, trong quá trình xây dựng luật PPP, nội dung này đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận không thực hiện đối với loại hợp đồng BT. Do đó, đề nghị Chính phủ khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến theo quy định.

Chính phủ đề xuất đưa hợp đồng BT 'đổi đất lấy hạ tầng' trở lại- Ảnh 2.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận phiên làm việc

ẢNH: GIA HÂN

Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nói khi xây dựng luật PPP năm 2020, Quốc hội khóa XIV đã thể chế hóa chủ trương của cấp có thẩm quyền là dừng thực hiện dự án hợp đồng xây dựng - chuyển giao BT.

"Hiện nay, dự thảo luật đề xuất bổ sung hợp đồng BT và quy định cụ thể về cơ chế hợp đồng BT. Vì vậy, tôi tán thành với ý kiến thẩm tra Ủy ban Kinh tế là phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền về vấn đề này trước khi đưa vào quy định của dự thảo luật", bà Thanh nêu rõ.

Kết luận phiên làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị cân nhắc thận trọng và bổ sung đánh giá kỹ lưỡng; thống kê các dự án áp dung hợp đồng BT bằng tiền thời gian gần đây và so sánh làm rõ chi phí đầu tư, các ưu điểm, nhược điểm các dự án áp dụng loại hợp đồng này với các dự án đầu tư công.

"Đề nghị Chính phủ báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến về dự án luật và một số vấn đề cụ thể như quy định tại hợp đồng BT, xây dựng chuyển giao, quy định xử lý vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp. Tôi xin nhắc lại vấn đề này bắt buộc phải xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền vì các luật trước chưa đề cập đến", ông Hải nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.