Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư: 'Quy định lỗi thời như thế, làm sao triển khai được'

18/05/2024 10:19 GMT+7

Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư đề nghị sớm sửa đổi chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp, 'cứ để một quy định lỗi thời, lạc hậu như thế thì làm sao triển khai được'.

Kết luận giám định tư pháp là một nguồn chứng cứ, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều tra, truy tố, xét xử. Nhiều trường hợp, kết luận giám định là chứng cứ duy nhất để chứng minh tội phạm, xác định nguyên nhân vụ việc, thủ phạm cũng như thiệt hại gây ra.

Có vị trí quan trọng là vậy, nhưng công tác giám định tư pháp hiện nay ngoài những kết quả đạt được thì vẫn còn một số bất cập, đòi hỏi phải thay đổi nhằm phù hợp với thực tiễn. Một trong số này là chế độ bồi dưỡng cho giám định viên quá thấp và lạc hậu.

Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư: 'Quy định lỗi thời như thế, làm sao triển khai được'- Ảnh 1.

Kết luận giám định luôn là nguồn chứng cứ quan trọng trong việc giải quyết các vụ án hình sự (ảnh minh họa)

PHÚC BÌNH

Chế độ bồi dưỡng quá thấp dẫn tới tâm lý e ngại, né tránh

Tại hội nghị tổng kết thi hành luật Giám định tư pháp hôm 17.5, báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, tính đến nay, toàn quốc có 7.135 giám định viên tư pháp ở các lĩnh vực và 2.621 người giám định tư pháp theo vụ việc.

Về chế độ bồi dưỡng cho đội ngũ người làm giám định tư pháp là người hưởng lương từ ngân sách, việc này đang được thực hiện theo Quyết định số 01/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, người làm giám định ở lĩnh vực pháp y được hưởng theo vụ việc giám định (trên người sống từ 160.000 - 300.000 đồng/yêu cầu, trên tử thi từ 600.000 đồng - 4,5 triệu đồng/tử thi). Người làm giám định ở hầu hết các lĩnh vực còn lại được hưởng theo ngày công, từ 150.000 - 500.000 đồng/ngày.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Lò Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết một trong những khó khăn trong công tác giám định ở địa phương này là nguồn nhân lực còn thiếu. "Tâm lý anh em khi được bổ nhiệm làm giám định viên không mặn mà lắm. Một là gắn với trách nhiệm, hai là chế độ chính sách rất thấp", ông nói.

Việc áp dụng quy định đã có từ 10 năm trước để chi trả chế độ bồi dưỡng cho giám định viên hiện đã quá lạc hậu, bởi sự trượt giá qua từng năm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người làm giám định không mặn mà với công việc này.

Theo Bộ Tư pháp, trừ một số giám định viên chuyên trách ở lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, phần lớn người giám định ở các lĩnh vực có tâm lý e ngại, không muốn làm giám định tư pháp. Họ ngại vì liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử; áp lực tâm lý, trách nhiệm pháp lý cao, tính chất phức tạp, trong khi chế độ đãi ngộ về vật chất lại rất thấp, chỉ có 150.000 đồng/ngày đủ 8 tiếng. Thậm chí, nhiều trường hợp còn không được chi trả, thanh toán. Đó là vật chất, còn chế độ về tinh thần thì hầu như chưa được quan tâm.

Thực tế trên dẫn tới một số người tìm lý do từ chối giám định, hoặc được cử làm giám định thì không chủ động, tích cực trong việc giám định, cá biệt có trường hợp cơ quan điều tra phải đề nghị thay đổi người giám định để đảm bảo kết quả giám định phục vụ điều tra.

Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư Nguyễn Văn Yên đề nghị các bộ, ngành sớm triển khai việc sửa đổi quy định về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp

Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư Nguyễn Văn Yên đề nghị các bộ, ngành sớm triển khai việc sửa đổi quy định về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp

THU NGA

"Không thể không sửa"

Đề cập tới Quyết định 01/2014, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến cho hay, tỉnh đã một vài lần kiến nghị nhưng đến nay chưa thấy sửa đổi. Ông đề nghị phải sửa quy định này để làm hành lang pháp lý cho các tỉnh triển khai, "dù anh có điều kiện đi chăng nữa thì trên cơ sở quyết định này mới có những chính sách cụ thể hỗ trợ cho anh em".

Là địa phương nằm trong top có số lượng vụ việc giám định lớn nhất cả nước, đại diện UBND TP.HCM cũng cho rằng, Quyết định 01/2014 quy định việc thanh, quyết toán chế độ bồi dưỡng trong giám định kỹ thuật hình sự được thực hiện theo ngày công chứ không theo vụ việc. Điều này không còn phù hợp với tình hình hiện nay, khi khối lượng công việc giám định kỹ thuật hình sự tăng cao, áp lực công việc đối với lực lượng giám định rất lớn, đặc biệt như Công an TP.HCM. Mặt khác, mức thanh, quyết toán chế độ bồi dưỡng theo quyết định trên được thực hiện từ năm 2014, đến nay không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, cần phải điều chỉnh cho phù hợp.

Trước tâm tư của các bộ, ngành, địa phương, Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư Nguyễn Văn Yên đồng tình về việc "Quyết định 01/2014 không thể không sửa". Ông cho biết, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện. Sau hội nghị này, các bộ cần phối hợp chặt chẽ, đôn đốc sớm triển khai.

"Cứ để một quy định lỗi thời, lạc hậu như thế, không đủ điều kiện để thực thi thì làm sao triển khai được. Các tỉnh cứ phải tìm cách này, cách khác, không khéo vi phạm pháp luật", ông Yên nói.

Tuy vậy, Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư cho rằng không vì thế mà không làm gì. Trong lúc chờ sửa quy định, các địa phương vẫn cần tiếp tục chủ động, trước mắt có cơ chế để triển khai hiệu quả công tác giám định tư pháp.

Ông Yên lấy ví dụ với TP.HCM, trong khả năng của mình, thành phố chủ động xây dựng chính sách hỗ trợ đội ngũ giám định viên, có thể bằng một nghị quyết của UBND thành phố, hoặc xin chủ trương của HĐND… "Nếu cứ chờ hỗ trợ trên cả nước thì sẽ khó", ông nói.

Tăng mức bồi dưỡng phù hợp với biến động giá cả tiêu dùng

Thông tin thêm về vấn đề trên, Bộ Tư pháp cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng thời gian tới ở lĩnh vực giám định tư pháp, đó là sửa đổi Quyết định số 01/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc sửa đổi sẽ theo hướng điều chỉnh, tăng mức bồi dưỡng giám định tư pháp cho phù hợp với thực tế biến động giá cả tiêu dùng, tình hình kinh tế - xã hội; chuyển đổi chế độ bồi dưỡng từ ngày công sang vụ việc đối với lĩnh vực pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự. Cùng với đó là điều chỉnh thủ tục cấp, chi trả chế độ bồi dưỡng giám định từ ngân sách nhà nước.

Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa quyết định sửa đổi Quyết định số 01/2014 vào chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc xây dựng các quyết định này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.