Hiện tại, nhân lực ngành điện ảnh được đánh giá là còn thiếu và yếu. Ngoài 2 trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh tại Hà Nội và TP.HCM, trong cả nước chỉ có khoảng 10 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng khác đào tạo một số chuyên ngành điện ảnh.
Đạo diễn Trần Anh Hùng (bìa phải) hướng dẫn học viên lớp đạo diễn tại Gặp gỡ mùa thu |
MZUNG |
Trong đó, riêng Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM chỉ đào tạo 8 chuyên ngành: đạo diễn điện ảnh truyền hình, đạo diễn sân khấu, diễn viên kịch - điện ảnh, diễn viên sân khấu kịch hát, quay phim, thiết kế mỹ thuật sân khấu - điện ảnh, nhiếp ảnh và nhạc công dân tộc - thiếu rất nhiều những chuyên ngành riêng khác về điện ảnh.
Cơ hội từ tư nhân
Một thực tế của điện ảnh Việt là nhiều người được đào tạo chính quy nhưng không làm nghề; và ngược lại, nhiều người làm nghề nhưng không được đào tạo. Vì thế, nguồn nhân lực cho điện ảnh Việt ngoài chuyện thiếu còn chưa đạt đến sự chuyên nghiệp cần thiết. Sự xuất hiện của các nhà làm phim gốc Việt về nước làm phim đã thổi làn gió mới như: Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Leon Quang Lê, Hàm Trần… Và tất nhiên, chúng ta còn thiếu rất nhiều thành phần trong đoàn làm phim về kỹ thuật, kỹ xảo, hay cả như biên kịch… nên khó mà có thể nâng chất cho phim Việt. Đặc biệt, đội ngũ biên kịch yếu, thiếu dẫn đến chất lượng kịch bản thấp.
Đạo diễn Trần Thanh Huy của phim Ròm cho biết: “Tôi đã cố gắng tham gia làm huấn luyện, giám khảo các cuộc thi lớn nhỏ với hy vọng với những kinh nghiệm của mình có thể hỗ trợ tối đa cho người trẻ trong bước đầu làm phim”.
Để đáp ứng điều này, nhiều cuộc thi về biên kịch, đạo diễn của các đơn vị tư nhân đã tự đứng ra tổ chức như: Nhà biên kịch tài năng của CGV, Dự án phim ngắn CJ, Dự án Làm phim 48 giờ, Giải thưởng Phim ngắn HTV, Cuộc thi Phim ngắn TikTok, 3-2-1 Action của một tạp chí… Hiện tại, có thể thấy rất nhiều cuộc thi, khóa học làm phim, các buổi thảo luận nhóm (workshop)… được tổ chức, là nhịp cầu cho những bước khởi đầu cho các nhà làm phim trẻ, như các khóa học, thảo luận do Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD, chương trình Sunday Talk - chuỗi chuyên đề Creative Process (Quá trình sáng tạo) của Xinê House, Học làm phim chuyên nghiệp (Be A Filmmaker) của đạo diễn Võ Thanh Hòa… Chương trình TOP - The Original Project liên tục cập nhật các kiến thức làm phim, đồng thời tổ chức 2 workshop với chủ đề thiết thực về kịch bản và thiết kế mỹ thuật. On the reel của Film Lab cũng tổ chức các workshop với nhiều chủ đề: thẩm mỹ - kể chuyện trong phim ngắn, làm phim kinh phí thấp, ngành công nghiệp điện ảnh quốc tế…
Trong đó, nổi bật còn có chương trình Gặp gỡ mùa thu - một hoạt động điện ảnh được tổ chức hằng năm nhằm mở rộng giao lưu, đối thoại giữa điện ảnh VN với các nước trên thế giới, đồng thời hỗ trợ các tài năng trẻ ở giai đoạn đầu sự nghiệp với một số lớp học về nghiệp vụ đạo diễn, diễn xuất, thiết kế. Mới đây nhất, các đạo diễn nổi tiếng như Trần Anh Hùng, Phan Gia Nhật Linh, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Trịnh Đình Lê Minh, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc còn kết hợp cùng nhau thực hiện chương trình Hà Nội mùa đông 2021 nhằm đào tạo chuyên sâu (theo dạng thức kết hợp giữa Trại sáng tác của các LHP Berlin, Rotterdam... với Chợ dự án của Cannes, Venice, Busan...) dành cho các nhà làm phim đang cần phát triển dự án. Cuộc thi Săn tìm đạo diễn phim kinh dị 2021 theo đánh giá của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã đem lại nhiều hy vọng khám phá những gương mặt mới cho điện ảnh Việt.
Cần chữa ngay “lỗ hổng” trong đào tạo người làm phim
PGS-TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, đánh giá: “Đội ngũ làm phim hiện nay ngày càng mỏng và thiếu đồng bộ và đó chính là lỗ hổng lớn trong ngành này. Nguồn nhân lực chất lượng cao cạn kiệt dần do không được tiếp tục đào tạo ở nước ngoài, còn đào tạo trong nước chưa đạt yêu cầu về số lượng, chất lượng và cũng chưa bắt kịp thị trường. Vì thế, đào tạo phải là công việc được thực hiện đầu tiên mà các nhà quản lý phải thực hiện ngay cho điện ảnh Việt và cần chú trọng hiệu quả đào tạo thông qua cải cách giáo dục chuyên ngành”.
Trong dự thảo xây dựng luật Điện ảnh sửa đổi cũng đặt ra vấn đề: “Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và từ nguồn xã hội hóa, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo trình và cải tiến phương pháp giảng dạy tại các trường điện ảnh quốc gia; hỗ trợ cử sinh viên xuất sắc đi học tập ngắn hạn, dài hạn về nghệ thuật, kỹ thuật, quản lý sản xuất, phát hành, phổ biến phim ở các nước có nền điện ảnh phát triển”.
Về vấn đề này, PGS-TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho biết: “Đến năm 2026, dự kiến VN sẽ đưa 930 tài năng ở các lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có điện ảnh sang nước ngoài học tập. 12 tài năng điện ảnh đầu tiên đã được đưa đi, trong đó có 10 người đi Mỹ, 2 người đi Úc”.
Là người có nhiều đóng góp cho việc đào tạo, giúp đỡ những người trẻ có cơ hội về kiến thức để làm phim, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ: “Chúng tôi mong có nhiều hoạt động điện ảnh kéo các bạn gần lại với nhau, tạo nên cộng đồng lớn mạnh và góp phần xây dựng nền điện ảnh mới”. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc về nội dung Công ty CJ CGV, nói thêm: “Thật sự cần thiết phải có nguồn nhân sự có chuyên môn cao trong lĩnh vực điện ảnh. Để thực hiện được điều này, rất cần các chính sách, chủ trương và hoạt động thiết thực”.
Bình luận (0)