Phong cách nhà nghiên cứu Cù Đình Tú

05/10/2013 03:10 GMT+7

Phó giáo sư - Nhà giáo Ưu tú Cù Đình Tú sinh đầu năm 1934, tuổi Quý Dậu. Mới 28 tuổi, anh đã đứng tên chung với Giáo sư Hoàng Tuệ và một cán bộ trẻ khác viết cuốn Giáo trình về Việt ngữ, tập 1 - một trong những giáo trình đại học đầu tiên về ngôn ngữ học ở nước ta.

Phong cách nhà nghiên cứu Cù Đình Tú
Phó giáo sư - Nhà giáo Ưu tú Cù Đình Tú (bên trái) - Ảnh: C.T.V

Nhờ cuốn sách đó, tôi biết tên anh ngay từ những ngày đầu vào học Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Không ngờ, 4 năm sau, năm 1969, tôi trở thành tổ viên của anh ở Khoa Văn Trường đại học (ĐH) Sư phạm Việt Bắc, rồi chia ngọt sẻ bùi cùng anh suốt những năm sơ tán từ Đức Lương sang Động Đạt, Hái Hoa (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên), cho đến tận năm 1982, khi anh chuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Anh Tú bình thường đã là người nói năng ý vị, đậm đà, lên lớp càng có duyên. Đặc biệt, những khi bình phẩm nghệ thuật ngôn từ trong kho tàng ca dao tục ngữ, trong tác phẩm của các thi hào Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương hay tác phẩm văn chương hiện đại của Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Đình Thi,... anh thường lẩy ra được những từ đắt giá, những câu có thần và giảng về những chi tiết ấy một cách say sưa, thuyết phục. Sinh viên khoa văn mê những bài giảng của thầy Tú, còn anh em trẻ chúng tôi thì học được ở anh rất nhiều điều. 

Chính trong những ngày sơ tán ở núi rừng Phú Lương, anh đã viết một số bài báo được giới chuyên môn chú ý và ba cuốn sách: Giáo trình tiếng Việt hiện đại, tập 1 (viết chung); Ngữ âm học tiếng Việt hiện đại (viết chung), Tu từ học tiếng Việt hiện đại. Cuốn sách thứ ba sau này được hoàn thiện, lấy tên Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt (1983) là tác phẩm đã đưa Cù Đình Tú lên vị trí một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về phong cách học ở nước ta.

Chu toàn với gia đình, anh cũng là người chu đáo với anh em. Trước khi thành chủ nhiệm khoa, nhiều năm liền, anh được anh em bầu làm thư ký Công đoàn (bây giờ gọi là chủ tịch Công đoàn). Là bậc đàn anh về chuyên môn trong khoa nhưng anh vẫn sắm tròn vai “cơm áo gạo tiền”, lo cho anh em đủ chuyện thượng vàng hạ cám, từ tham gia “bộ tứ” quyết định các vấn đề lớn trong khoa đến phân phối săm lốp xe đạp, bánh xà phòng, bao thuốc lá, lưỡi dao cạo râu... 

Đối với anh em trẻ chúng tôi, anh Tú có cách hướng dẫn chuyên môn rất linh hoạt. Mỗi khi chúng tôi đến chơi, anh đều đưa cho đọc những bài viết mới, thậm chí đem cả những tập phiếu tư liệu anh làm rất công phu cho xem. Tôi hiểu đó là một cách vừa khích lệ, vừa hướng dẫn chúng tôi, bởi vì lần nào anh cũng nói: “Các cậu đọc nhưng phải góp ý cho mình”.

Cũng có lần anh làm tôi toát mồ hôi. Đó là lần tiếp ông Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Azerbaizan đến thăm. Được giao nhiệm vụ phiên dịch, tối hôm trước, tôi đã cẩn thận đạp xe vào nhà anh xin bài phát biểu của anh để dịch sẵn cho chính xác. Anh bảo: “Tớ cũng chỉ định nói vài ý chào mừng đoàn và giới thiệu khoa thôi. Không có bài vở gì đâu”. Không ngờ, đêm ấy nghĩ lại, anh kỳ cạch đánh máy một bài dài, có những câu diễn đạt rất văn chương. May mà tôi vừa đi học 4 năm về, chưa kịp quên chữ nào, nên mọi việc cũng đâu vào đấy. Sau vụ đó, anh có vẻ hài lòng, nhưng anh không biết rằng tôi thót cả tim, vì đó là lần đầu tôi thông dịch trực tiếp, lại là dịch ngược từ tiếng Việt sang tiếng Nga…  

Lâu không được tin về anh Cù Đình Tú. Hôm nay nghe cháu Hương, con gái anh báo tin: “Bố cháu yếu lắm rồi”, tôi bỗng thấy se lòng. Nhớ lại bao kỷ niệm với anh thời Việt Bắc.

Chuyện mới đó mà đã non nửa thế kỷ rồi. Hơn 10 năm nay, anh yếu mệt, không có điều kiện về thăm trường cũ. Còn tôi, mỗi lần về trường, lại bồi hồi nhớ đến những ngày bỡ ngỡ bước vào nghề, được anh dìu dắt trưởng thành. Cầu chúc cho một phép màu đến với anh, để tôi lại được đọc các bài viết, được nghe tiếng đàn, được thấy nụ cười của anh.     

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết  

>> Nhà văn Nguyễn Đình Thi... trả súng
>> “Ông con” của nhà văn Nguyễn Đình Thi
>> Nguyễn Đình Thi và các cây bút nữ
>> UNESCO vinh danh đại thi hào Nguyễn Du
>> Thế giới vinh danh đại thi hào Nguyễn Du
>> Phát hiện khay gỗ của đại thi hào Nguyễn Du

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.