Tôi gạt mọi bình luận, mọi sôi động, mọi con sóng…. xung quanh Barack Obama và đóng chặt cửa, một mình, để xem thử có đọng lại gì của riêng mình hay không. Điểm chung dễ nhận của các Tổng thống Mỹ những thế hệ gần như G.Bush (cha và con), J. Carter, R. Reagan, B. Clinton là hòa đồng, dễ tiếp xúc. Đây chắc chắn là kết quả của truyền thống lâu đời mỗi người một lá phiếu trực tiếp chọn nguyên thủ quốc gia. Ai cũng muốn có một lãnh đạo với tác phong gần gũi.
B.Obama cũng vậy, ông còn có riêng những phẩm chất khác. Cái gì tạo nên cơn sốt, cơn cuồng Obama trong chuyến thăm Việt Nam để báo chí nước ngoài phải gọi là Obamania? (Thực ra, “Obamania” đã xuất hiện từ lâu rồi, ngay từ nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống, trong lòng nước Mỹ và tại nhiều quốc gia khác). Có người lý giải về một sự “nắng hạn gặp mưa rào", một sự “thiếu vắng thần tượng” bấy nay. Có thể, nhưng điều gì từ ông đã tạo nên cái gọi là thần tượng ấy mới được chứ?
Là năng lượng, là kiểu thức, là dấu ấn…, chẳng sai, nhưng tôi muốn gọi theo cách tôi muốn : phong cách Obama.
Sự thực là sự háo hức đã xuất hiện ngay từ khi Obama mới đặt chân đến Việt Nam. Rất tiếc là cả hai phía đều đã quá lo lắng cho an ninh của Tổng thống, họ đánh lạc hướng về hành lang di chuyển của ông từ sân bay về Hà Nội. Ít ai ngờ con đường được chọn lại không phải là con đường mới mở thoáng rộng, đẹp đẽ với cây cầu Việt - Nhật “hoành tráng”. Người ta đành kéo nhau dồn về dãy phố dẫn vào khách sạn cho chắc ăn. Nhưng, Tổng thống lại được hướng dẫn đi lối cổng phụ. Cho đến khi biết rằng có thể ông đã đi nghỉ rồi, người dân vẫn tụ tập, bàn tán, phấn khích. Tôi từng tiếc là Tổng thống đã không được chứng kiến lòng mến khách ấy của người dân Việt, nhưng tôi chẳng phải đợi lâu. Chính Obama đã vô tình góp gió thành bão, cơn bão của lòng hâm mộ, bắt đầu từ cuộc “bún chả Lê Văn Hưu” mà chúng ta đều đã biết. Với sự thân thiện, cởi mở, sẵn sáng nắm bắt tất cả những cánh tay chìa đến cùng nụ cười thường trực “duyên và dễ thương quá cỡ”, vượt qua mọi nghi thức và hàng rào an ninh , ông đã chinh phục tất cả.
Trong hai ngày rưỡi dầy đặc lịch làm việc, Obama có ba cuộc tiếp xúc chính thức với cử tọa Việt. Tôi gọi là tiếp xúc vì cũng khó gọi là gì khác, ngoại trừ cuộc đầu là thuyết trình chính trị về quan hệ Việt - Mỹ được thực hiện ở Hà Nội. Hai cuộc sau ở Thành phố Hồ Chí Minh thì: một là cuộc trao đổi về đề tài khởi nghiệp với các doanh nhân, hai là cuộc trò chuyện với thanh niên về sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) do chính ông khởi xướng. Ở hai nơi này, Obama hoàn toàn chủ động, tương tác chặt chẽ với cử tọa, vừa là người dẫn, người nói và cũng là người nghe. Vắng hoàn toàn bóng dáng của người giới thiệu (ngay cả cuộc nói chuyện ở Hà Nội), điều hầu như lạ lẫm với Việt Nam, nơi các thưa gửi và giới thiệu là thành phần cố hữu không thể thiếu ở bất kỳ hội nghị lớn, nhỏ nào.
Ba cuộc gặp gỡ, ba cuộc nói chuyện, ba đề tài hoàn toàn khác nhau, nội dung cực kỳ phong phú, nghĩa là người nói phải sẵn có một lượng thông tin lớn. Có cảm giác ông Obama có rất nhiều ngăn lưu trữ thông tin, nhất là khi ông sử dụng nó để trả lời hoàn hảo các câu hỏi. Kho dữ liệu của ông hoạt động như thế nào còn là một bí ẩn. Việc vị Tổng thống của thời đại thông tin kỹ thuật số nạp vào rất nhiều hiểu biết về lịch sử, văn hóa Việt Nam và xuất dụng đúng chỗ, đúng cách đã khiến ông càng được yêu mến, như việc ông lẩy hai câu Kiều vào cuối bài thuyết trình về quan hệ Việt - Mỹ.
Lẩy Kiều là một phép chơi, một sự vận vào tinh tế của người Việt từ sự nhuần nhuyễn “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Một người Việt Nam vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là người cũng rất hay lẩy Kiều, nhất là vào các dịp đưa tiễn. Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, năm 1955, Hồ Chí Minh dẫn đầu một phái đoàn nhà nước đi thăm và cám ơn các nước anh em, bạn bè. Trong lễ tiễn, ông lẩy hai câu: “Chén đưa nhớ bữa hôm nay/Chén mừng xin đợi ngày này…”, là người hài hước, đọc đến đây Chủ tịch dừng lại nửa giây đủ để mọi người ngỡ ngàng rồi tiếp: “ Chén mừng xin đợi ngày này… hai tuần sau!"* khiến tất cả òa lên chuỗi cười vui vẻ .
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quý Tổng thống Indonesia Soukarno. Năm 1959, tiễn đưa người anh em kết nghĩa của mình ở sân bay Gia Lâm, Chủ tịch đã lẩy hai câu Kiều rất hợp cảnh hợp tình. Tôi cũng muốn dùng hai câu ấy để tiễn Tổng thống Obama:
Cánh hồng bay bổng tuyệt vời
Để mòn con mắt phương trời đăm đăm.
Bình luận (0)