Bà Hillary Clinton không bắt điện thoại lúc 3 giờ sáng
Tỉ phú Donald Trump tố cáo bà Hillary Clinton khi còn làm Ngoại trưởng Mỹ, đã không bắt điện thoại khi toà lãnh sự Mỹ và cơ sở của CIA ở Benghazi (Libya) bị tấn công ngày 11.9.2012, theo ABC News ngày 27.4.
“Thay vì làm nhiệm vụ vào đêm đó, Hillary Clinton đã quyết định về nhà và đi ngủ. Thật kinh ngạc. Mặt khác, bà ấy còn không thức dậy để nghe điện thoại vào lúc 3 giờ sáng”, ông Trump nói.
Tuy nhiên, những cuộc điều trần của bà Clinton cho thấy những điểm sai trong tuyên bố của ông Trump. Thứ nhất, không có cuộc gọi nào vào lúc 3 giờ sáng. Các vụ tấn công xảy ra vào 15 giờ 42. Đến 18 giờ, đội an ninh quốc gia của tổng thống trao đổi với Bộ Ngoại giao Mỹ và đặt ra 3 phương án quân sự đáp trả, bao gồm việc đưa một đội đến Benghazi.
|
Nhà Trắng, với quyền lãnh đạo quân sự, sau đó nói rằng không có đội phản ứng nào đến Benghazi kịp để ứng cứu. Việc này bị chỉ trích nặng nề, nhưng không có bằng chứng cho thấy bà Clinton không hành động. Các email của bà được công bố gần đây cho thấy bà vẫn còn thức đến 11 giờ đêm đó.
IS thu hàng triệu USD từ nguồn dầu mỏ Libya
Trong cùng buổi phát biểu cáo buộc bà Clinton ngủ suốt đêm trong vụ tấn công Benghazi, ông Trump còn nói rằng IS đang kiếm hàng triệu USD mỗi tuần nhờ vào nguồn dầu mỏ ở... Libya.
“Và bạn biết không? Chúng ta không ngăn chặn, chúng ta không ném bom, chúng ta chẳng làm gì cả. Gần như là nước ta thậm chí chẳng biết điều gì đang xảy ra”, ông Trump phàn nàn.
Ông Trump cũng từng đưa ra tuyên bố sai lầm này trước đó. Thực tế là IS có kiếm tiền bằng dầu mỏ, nhưng không phải từ Libya. Tờ The Washington Post thực hiện nguyên một bài viết nói về sự thiếu chính xác trong nhiều phát ngôn của ông Trump, đồng thời kết luận rằng IS không chiếm được mỏ dầu nào tại Libya cả.
|
Hoàn toàn phản đối cuộc chiến tại Iraq?
“Mặc dù không làm việc trong bộ máy chính quyền, nhưng tôi hoàn toàn phản đối cuộc chiến tranh tại Iraq. Tôi đã nói trong nhiều năm qua là cuộc chiến đó sẽ gây bất ổn Trung Đông”, tỉ phú Donald Trump phát biểu.
Phát ngôn này được đánh giá là chỉ đúng vế đầu, còn việc ông Trump hoàn toàn phản đối chiến tranh Iraq thì không phải. Vài tháng trước cuộc tiến công, Ông Trump có trả lời trong một chương trình phát thanh rằng ông ủng hộ cuộc chiến này.
Khi người dẫn chương trình hỏi “Ông có ủng hộ việc xâm lược Iraq không?”, ông Trump trả lời “Có, tôi đoán vậy”.
Donald Trump: Làm tổng thống thì dễ ợt
Khi cuộc tổng bầu cử tổng thống tại Mỹ đang đến gần, nhiều người đang khuyên ông Donald Trump nên tập hành xử như… một tổng thống. Tỉ phú này ngày 23.4 đáp rằng “làm tổng thống thì dễ ợt”.
Đồng minh của Mỹ
Một trong những điểm chính trong chính sách đối ngoại của ông Trump là NATO. Tuy nhiên, tỉ phú này đe doạ chính quyền Mỹ dưới thời ông có thể sẽ giải tán NATO nếu các nước thành viên không chi tiêu quốc phòng nhiều hơn.
“Chỉ có 4 trong 28 nước thành viên (thực ra là 5 nước) bên cạnh Mỹ đang chi tiêu tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng”, ông Trump nói. “Những nước mà chúng ta đang bảo vệ cần chi nhiều hơn cho quốc phòng, còn nếu không, Mỹ cần phải chuẩn bị để cho họ tự bảo vệ bản thân. Chúng ta không có lựa chọn”.
Tuy nhiên, chỉ ngay sau đó, ông nói về tầm quan trọng của việc đoàn kết với đồng minh, ám chỉ Israel. “Bạn của bạn cần phải biết rằng bạn sẽ cam kết với những thoả thuận mà bạn có với họ. Bạn thực hiện thoả thuận đó thì bạn phải ủng hộ nó và thế giới sẽ tốt đẹp hơn”.
Sau đó ông lại phát ngôn có vẻ như mâu thuẫn trực tiếp với lời đe doạ NATO. “Chúng ta chọn cách chiến đấu bên cạnh những người bạn lâu năm nhất và giờ họ bắt đầu tìm sự giúp đỡ ở những nơi khác. Nhớ điều đó nhé. Không tốt đâu”, tỉ phú Trump nói.
Bình luận (0)