Từ những nguy cơ tiềm ẩn với các gian bếp của các căn hộ chung cư, đặc biệt là các chung cư cũ, kiến trúc sư Đặng Cao Quốc Việt, Giám đốc công ty TNHH Tư vấn thiết kế kiến trúc và xây dựng UTA.A, đã có chia sẻ về thiết kế, cải tạo lại không gian này để đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ.
Có nhiều nguyên nhân gây cháy ở bếp
KTS Đặng Cao Quốc Việt nói rằng, có rất nhiều nguyên nhân gây cháy ở chung cư nhưng có 2 nguyên nhân chính đến từ hệ thống cơ điện chung của công trình và cách sử dụng thiết bị của người dân. Tuy nhiên, liên quan lớn nhất vẫn nằm ở khu vực bếp và cách sử dụng thiết bị nấu nướng.
Theo KTS, về bếp nấu ở chung cư hiện nay, người dân thường sử dụng bếp gas và điện. Với bếp gas nguy cơ cháy nổ cao hơn vì liên quan đến bình gas, đặc biệt các bếp gas mini sử dụng loại bình nhỏ. Nhiều loại bình gas nhỏ không đáp ứng tiêu chuẩn, khá cũ, dễ bắt nổ và gây cháy.
Còn với ở những bình gas lớn, nếu không đủ tiêu chuẩn cũng dễ gây rò rỉ khí gas, từ đó gây bắt lửa và cháy nổ. Ngoài ra khi sử dụng bếp gas, bếp phát ra ngọn lửa trực tiếp, nếu người làm bếp không chú ý, thì ngọn lửa sẽ dễ lan ra các vật dụng xung quanh, hoặc khi nấu mà không để ý rồi đi làm việc khác thì khi xảy ra sự cố không kịp dập tắt đám cháy.
Còn bếp điện có 2 loại cơ bản là bếp từ và hồng ngoại. Bếp từ không phát ra hơi nóng mà làm nóng bằng từ tính, vì vậy sẽ kén loại nồi. Còn bếp hồng ngoại sẽ phát ra hơi nóng làm nóng đáy nồi phù hợp với mọi loại nồi. Với bếp điện, nguy cơ cháy nổ sẽ giảm thiểu hơn so với bếp gas, tuy nhiên nếu không biết cách, hoặc sử dụng các loại bếp không an toàn, có thể gây ra cháy thiết bị, từ đó cũng tạo nên nguồn bắt lửa.
Chưa kể các bếp điện cũng tiêu tải điện khá nhiều, nếu cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị cũng có thể gây ra quá tải. Nếu hệ thống điện không ngắt được khi có sự cố cũng sẽ là nguồn gây ra cháy nổ.
"Hiện nay các chung cư mới xây dựng sau này có hệ thống báo khói và chữa cháy tự động tốt, phần nào cũng giúp ngăn chặn nguy cơ cháy nổ. Nhưng ở một số chung cư cũ, các hệ thống này dường như không có hoặc không hoạt động. Nếu xảy ra các sự cố cháy nêu trên thì dễ tạo thành đám cháy lớn", KTS Việt chia sẻ.
Thiết kế, cải tạo gian bếp ra sao?
KTS Việt nói thêm ở những chung cư mới, người dân nên lưu ý gian bếp phải luôn được xây dựng hoàn thiện. Đa phần mặt bếp sẽ bằng đá. Đây là chất liệu chịu nhiệt tốt. Phần tường gần mặt bếp (khoảng trống giữa bếp và hệ kệ phía trên) được ốp gạch hoặc kính để dễ lau chùi và cũng là các vật liệu chịu nhiệt. Do đó, với các chung cư cũ có thể hoàn thiện lại các bề mặt như vậy để hạn chế việc bắt lửa.
Bên cạnh đó, một số hệ tủ bếp được thiết kế đóng kín trong các hộc (ví dụ hộc để bỏ tủ lạnh), chất liệu thường là gỗ công nghiệp, thì không nên bố trí vị trí bếp nấu ở cạnh vị trí này. "Nói chung hạn chế đặt bếp nấu tại các vị trí có những vật liệu bắt lửa", KTS Việt bày tỏ.
Về thiết kế, thì phần tủ bếp bên dưới bếp nấu nên xây gạch và ốp lát gạch hoàn thiện bên trong, bên ngoài các cánh tủ có thể sử dụng chất liệu gỗ. Mục đích dễ lau chùi, tránh được ẩm mốc và hạn chế bắt lửa. Hoặc nếu không muốn xây gạch ốp lát thì riêng vị trí nấu cũng nên xây gạch ốp lát đối với riêng những gia đình sử dụng bếp gas. Vị trí đặt bình gas nên có hộc xây gạch để phòng trường hợp nếu bình gas phát nổ thì giảm thiểu thiệt hại cho xung quanh và hạn chế bắt lửa.
Lưu ý là cần xây hộc rộng, đủ độ thoáng cho bình gas, chứ không xây hộc nhỏ nhét bình gas vào góc kín. Bởi vì, khi có sự cố dễ gây tăng áp và phá hủy lớn hơn. "Cơ bản các vụ nổ khó xảy ra, nhưng khi xây hộc như vậy sẽ giảm thiểu việc bắt lửa và nếu hy hữu có sự cố nổ bình gas cũng giảm thiểu thiệt hại", KTS Việt khẳng định.
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại tủ bếp có chất liệu lõi nhựa PVC hoặc Picomat, bên ngoài có thể phủ các chất liệu như Acylic, Laminate… nhưng vẫn đảm bảo thẩm mỹ. Ưu điểm của chất liệu này là hạn chế rủi ro cháy nổ, chống mối mọt, ẩm mốc tốt hơn so với các chất liệu gỗ thông thường.
Với những chung cư cũ, KTS Việt nói rằng hệ thống báo cháy, khói dường như không có, hoặc sẽ hoạt động không tốt. Còn những chung cư quá cũ, thường không gian sẽ bị ngăn chia cơi nới. Việc cần làm là bếp cần được thiết kế thông thoáng nhất định, tránh hạn chế che chắn bếp.
Nếu sử dụng bếp điện âm, thì bên dưới cần thiết kế khoảng trống thích hợp để tản nhiệt, không nên che chắn hay tận dụng làm các hộc tủ quá gần với phần này. Tương tự với các thiết bị khi sử dụng cần tản nhiệt, nên thiết kế các giải pháp thoát nhiệt cho thiết bị này.
Ngoài ra, các thiết bị có công suất cao khi sử dụng điện như tủ lạnh hay bếp điện âm… thì cần có aptomat riêng, để khi thiết bị quá tải sẽ được tự ngắt, tránh khả năng chập cháy.
Có nên lắp hệ thống chống cháy ở chung cư cũ
Có nên lắp đặt hệ thống chống cháy ở khu vực bếp không. Nếu lắp đặt thì cần phải làm như thế nào và lắp thiết bị ra sao? Phần này KTS Việt cho biết với các chung cư quá cũ, khi hệ thống PCCC không có, hoặc có mà không hoạt động thì rất nên lắp đặt hệ thống báo cháy.
Cụ thể, có thể lắp đầu báo khói và báo nhiệt. Hiện tại trên thị trường có rất nhiều loại, tuy nhiên nên sử dụng các loại có kiểm định của cơ quan chức năng. Riêng hệ thống chữa cháy tự động (đầu phun nước), thì với căn hộ độc lập sẽ khó lắp đặt, vì cần bể nước riêng, đường ống… rất phức tạp. Do đó, chỉ cần lắp hệ thống báo cháy.
Về đầu báo nhiệt, khi nhiệt đủ lớn, thì mới phát cảnh báo, khi đó đám cháy có thể đã lớn. Về đầu báo khói, nếu có khói tỏa ra trong tiêu chuẩn nhất định thì đã phát thông báo. Nên đa phần sẽ ưu tiên lắp đầu báo khói, tuy nhiên nếu gia chủ đủ điều kiện thì nên lắp cả 2 đầu. Ngoài ra, chi phí lắp đặt các đầu báo động này cũng không quá lớn với mục đích bảo vệ tính mạng, tài sản cho gia chủ và cộng đồng khi chẳng may xảy ra cháy ở chung cư.
Bình luận (0)