Mới đây vào tối 13.7, ngôi nhà 1 trệt, 1 lầu nằm trong hẻm ở Q.Gò Vấp (TP.HCM) bất ngờ bốc cháy dữ dội, bao trùm toàn bộ căn nhà. Lực lượng chức năng xác định có người bị mắc kẹt bên trong nên triển khai các biện pháp chữa cháy và cứu người. Tuy nhiên, đã có 3 mẹ con tử vong vì bị mắc kẹt trong đám cháy.
Từ những sự vụ cháy nhà như trên, thạc sĩ, kiến trúc sư (KTS) Trương Ngọc Quỳnh Châu, giảng viên ngành kiến trúc, Khoa Kiến trúc - Mỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng ngày nay do dân số cùng lượng người sống trong từng hộ gia đình tăng, mật độ xây dựng ở đô thị dày đặc. Vì vậy, người dân luôn đối mặt với nguy cơ cháy nổ từ bên trong và những căn nhà xung quanh. Do đó, người dân cần xem xét những khu vực trong nhà có nguy cơ phát sinh cháy nổ cao để có những biện pháp phòng tránh, xây dựng tình huống phản ứng kịp thời khi cháy xảy ra.
Theo KTS Châu, thông thường, với nhà phố, có nhiều lối thoát nạn để có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp là: cửa trệt, ban công/lô gia hay cầu thang bộ dẫn lên sân thượng/mái. Tuy nhiên, bên trong nhà phố còn những nơi thoát nạn hợp lý nhưng ít được nhắc đến là: khoảng trống từ giếng trời, khoảng lùi (2 m) quy định phía sau nhà.
Lợi ích khi chừa khoảng lùi, giếng trời
KTS Châu chia sẻ, theo QĐ 56/2021 của UBND về quy chế quản lý kiến trúc TP.HCM, quy định khoảng lùi xây dựng đối với nhà phố trong khu vực nhà ở hiện trạng trong đô thị cần đảm bảo yêu cầu sau: Đối với lô đất có diện tích trên 50 m2, chiều sâu tính từ ranh lộ giới lớn hơn hoặc bằng 16 m thì phải bố trí khoảng lùi so với ranh đất sau tối thiểu 2 m; nếu chiều sâu từ 9 - 16 m thì phải bố trí khoảng lùi so với ranh đất sau tối thiểu 1 m, nếu chiều sâu nhỏ hơn 9 m thì khuyến khích tạo khoảng trống phía sau nhà.
Còn giếng trời là khoảng trống thông tầng từ mái xuống tầng trệt, là giải pháp thông gió, lấy sáng hữu ích cho những ngôi nhà phố hiện nay. Vị trí giếng trời thường đặt ở giữa nhà, gần cầu thang vừa giúp cho cầu thang thêm thông thoáng vừa giúp trao đổi không khí giữa khối phòng phía trước và sau nhà. Đôi khi giếng trời cạnh trục khối ngủ và vệ sinh cuối nhà để thoát mùi và lấy sáng.
Hiện tại, không có quy định nào về vị trí hay diện tích giếng trời. Tùy thuộc vào hình dạng lô đất, quy mô xây dựng, KTS sẽ đề xuất ý tưởng cụ thể trên nguyên tắc cân đối dòng khí vào ra hợp lý, đảm bảo không gian sống thêm mát mẻ, bổ sung ánh sáng tự nhiên và tính thẩm mỹ cho ngôi nhà.
Với quy định hiện nay, sau khi trừ khoảng lùi phía trước và phía sau thì giếng trời là giải pháp để đảm bảo mật độ xây dựng (MĐXD) cho phép. Điều này thường phù hợp với lô đất có diện tích hơn 100 m2 vì MĐXD tối đa dưới 90%. Tuy vậy, với nhà phố tại khu dân cư hiện hữu đa phần diện tích nhỏ hơn 100 m2 thì với khoảng lùi sau 1 - 2 m2 cũng đáp ứng được MĐXD yêu cầu. Như vậy, giếng trời là khoảng trống trong nhà vừa là do bắt buộc, cũng có thể là do chủ nhà mong muốn thiết kế để cải thiện không khí và tăng cường chiếu sáng tự nhiên cho bên trong nhà.
KTS Châu chia sẻ thêm, với nhà phố có khoảng lùi sau 2 m giúp cho những dãy phòng phía sau nhà có thể mở cửa sổ tiếp xúc với không khí bên ngoài. Khi có cháy khói sẽ thoát lên nhanh theo chiều đứng thông qua trục cầu thang hoặc giếng trời giữa nhà, nếu khí độc và nhiệt độ quá cao làm cho không thể thoát hiểm bằng cầu thang thì khi đó dãy phòng phía sau nhà có thể sử dụng lối ra khẩn cấp từ cửa sổ được cho phép mở, còn dãy phòng phía trước thì di chuyển ra ban công. Trường hợp dãy phòng phía sau cháy thì khí độc có thể theo cửa sổ tại khoảng lùi thoát ra ngoài, phía trong nhà người dân có thêm thời gian để thoát nạn. Khoảng lùi phía sau và giếng trời còn giúp lực lượng chữa cháy có thể tiếp cận đến vị trí cháy hoặc cứu nạn nhanh chóng hơn theo hướng từ trên xuống, đồng thời hạn chế cháy lan.
Thiết kế khoảng lùi 2 m, giếng trời sao cho hợp lý
Trong khi đó, thạc sĩ, KTS Lê Nguyễn Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Kiến trúc Xây dựng TRUSTARC, cho biết khoảng lùi sau nhà hiện nay tuy mang lợi ích thông thoáng phía sau cho ngôi nhà, tăng thêm lối thoát nạn khẩn cấp nhưng cũng gây khó khăn cho những nhà có diện tích từ 50 - 100 m2. Nhất là nhà có chiều sâu nhà ngắn vào khoảng 9 - 12 m, làm chủ nhà rất khó trong việc bố trí đầy đủ không gian cần thiết.
Quy định này cũng sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý nếu như chủ nhà tự ý cơi nới, làm thêm khung sắt bảo vệ chống trộm kiên cố thì cũng không còn thuận lợi trong việc PCCC. Khoảng lùi này chỉ có giá trị khi xét những nhà phố có diện tích lớn, nhà có đông người cùng sinh sống và đảm bảo được những yêu cầu PCCC tại khu vực khoảng lùi sau.
Trong khi đó, giếng trời trong nhà phố lại phụ thuộc nhiều vào quan điểm của chủ nhà với những căn nhà diện tích nhỏ vì sau khi trừ khoảng lùi quy định thì diện tích còn lại không nhiều. Do đó, tùy vào những trường hợp cụ thể mà KTS tư vấn giải pháp tạo giếng trời hay không.
"Nhìn chung, nếu giếng trời trong thiết kế giúp khu vực phòng phía trước và phía sau thêm không gian thông thoáng và khoảng lùi sau 2 m có lối ra khẩn cấp cho các phòng phía sau thì trong trường hợp này là cần thiết. Đối với nhà có diện tích nhỏ và chiều dài nhà ngắn, nếu đảm bảo được ít nhất một lối thoát nạn khẩn cấp theo phương ngang ở mỗi tầng lầu, theo tôi nên xem xét lại quy định về khoảng lùi cho những trường hợp này", KTS Vũ nói.
Với những căn nhà có diện tích nhỏ dưới 40 - 60 m2 thì việc cải tạo xây dựng giếng trời và khoảng lùi có được không. Nó có làm diện tích nhà nhỏ đi, công năng sử dụng ít và giải pháp thiết kế hợp lý nào.
KTS Vũ nói rằng quy định hiện nay nhà dưới 50m2 thì MĐXD tối đa đạt 100% (tính từ chỉ giới xây dựng), với diện tích nhỏ thì việc thuyết phục chủ nhà bố trí giếng trời hay khoảng lùi sau là rất khó. "Trường hợp này chúng tôi cố gắng thông gió theo phương ngang từ ban công và phương đứng theo phần mái thông gió của cầu thang sẽ có lợi cho việc tiết kiệm không gian hơn. Vấn đề ở đây là tạo ra đủ lối thoát nạn và cứu nạn theo phương ngang và phương đứng thì phù hợp với mong muốn của người dân mà vẫn đảm bảo an toàn PCCC", KTS Vũ đưa ra giải pháp .
KTS Vũ nói thêm giếng trời và khu vực cầu thang có đặc điểm chung là phần mái gồm: mái lợp lấy sáng (như kính, tấm nhựa polycarbonate), khe lấy gió vào theo phương ngang và khung sắt bảo vệ. Cho nên chúng ta nên sử dụng mái che khu vực này có thể mở được như dùng hệ ròng rọc. Bởi trong trường hợp có cháy, việc mở toang giếng trời và khu cầu thang giúp khí độc thoát ra nhanh hơn và phần khung sắt bảo vệ tính toán vừa đủ đảm bảo trong trường hợp cần thiết lực lượng chữa cháy có thể vào từ đường này.
Nếu nhà phố có những khu vực mà nguy cơ phát sinh cháy nổ cao như tầng trệt nhiều xe, có kinh doanh những mặt hàng dễ cháy thì nên tăng cường giải pháp ngăn cách các khu vực này bằng vách ngăn cố định chống cháy hoặc màn ngăn cháy tự động, nhằm giảm lượng khói độc theo lõi giếng trời và thang bộ lên các tầng trên.
Trong trường hợp nhà đã xây, có tầng lầu, không có giếng trời hay khoảng lùi, nếu chủ nhà mong muốn thiết kế cải tạo để có thêm lối thoát nạn khẩn cấp thì cần phải có đơn vị kiểm tra kết cấu hiện trạng, đảm bảo an toàn khi tháo dỡ.
"Theo tôi nên ưu tiên xem xét cải tạo mái che thang và giếng trời, dùng phương án mái che có ròng rọc có thể mở được. Những ngôi nhà có sẵn khoảng lùi sau hay giếng trời ở phía sau nhà thì nên xem lại các cửa sổ mở được làm lối ra khẩn cấp đạt tối thiểu 60 x 80 cm và khung sắt bảo vệ khoảng lùi cần mở được khi cháy nhà", KTS Vũ chia sẻ.
Bình luận (0)