Theo đó, kể từ ngày Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) thoái vốn xuống dưới mức 5% vốn điều lệ của LienVietPostBank, PGD bưu điện không được thực hiện hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm. Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm đã nhận trước đó và đến hạn trả, LienVietPostBank, PGD bưu điện phải có biện pháp chi trả hết tiền gửi tiết kiệm của khách hàng. Trường hợp không chi trả hết tiền gửi tiết kiệm đến hạn do nguyên nhân khách quan, LienVietPostBank tiếp nhận và xử lý theo quy định pháp luật.
Dự thảo thông tư còn quy định, PGD bưu điện có tối thiểu 3 người, trong đó có 1 người là kiểm soát viên hoặc chức danh tương đương làm nhiệm vụ kiểm soát và phê duyệt các giao dịch hàng ngày phải là nhân sự của LienVietPostBank. PGD bưu điện bị bắt buộc chấm dứt hoạt động khi hoạt động không đúng nội dung quy định, đã chi trả hết tiền gửi tiết kiệm của khách hàng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ủy quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở PGD bưu điện thực hiện chấp thuận hoặc không chấp thuận việc chấm dứt hoạt động PGD bưu điện trên địa bàn; xác nhận đủ điều kiện hoạt động tại địa điểm mới đối với PGD bưu điện thay đổi địa điểm trên địa bàn; bắt buộc chấm dứt hoạt động PGD bưu điện trên địa bàn.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo, ngày 21.4 tới sẽ tổ chức phiên bán đấu giá hơn 140,5 triệu cổ phần của LienVietPostBank do VNPost sở hữu. Lượng cổ phiếu này tương đương 10,15% vốn cổ phần LienVietPostBank. Giá khởi điểm 22.908 đồng/cổ phần, tương đương cả lô có giá hơn 3.200 tỉ đồng.
Bình luận (0)