Phong tặng danh hiệu nghệ sĩ: Cứng nhắc quy định bỏ sót người xứng đáng

Tố Tâm
Tố Tâm
08/07/2018 08:52 GMT+7

Vì chưa qua trường lớp, vì thiếu huy chương, vì không đạt đủ tỷ lệ phiếu bầu... mà không ít nghệ sĩ tài danh đã không được nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, trong khi từ lâu họ đã là những nghệ sĩ của nhân dân, được mến mộ vì tài năng và những đóng góp cho nghệ thuật.

Việc 3 nghệ sĩ tài danh của sân khấu cải lương là Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Giang Châu không được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) trong năm nay do không đạt trên 90% phiếu từ hội đồng xét duyệt đang khiến giới nghệ sĩ và khán giả yêu mến nghệ thuật cải lương bức xúc.
Nỗi buồn danh hiệu
Những cái tên như Minh Vương, Thanh Tuấn vốn đã được xem là cây đại thụ trong nghề, với tài năng được nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ sau này học hỏi theo lối ca, cách diễn nhưng lại không thể cùng các đàn em, cháu như Thoại Miêu, Thanh Ngân… đứng vào hàng ngũ những NSND trong đợt phong tặng này.
NSƯT Thanh Tuấn (ngồi) mới đây vẫn đóng vai chính trong vở cải lương Thầy Ba Đợi ẢNH: TỐ TÂM
Đây cũng đã là lần thứ 2 nghệ sĩ Thanh Tuấn gửi hồ sơ, còn nghệ sĩ Minh Vương đã là lần thứ 3 gửi đơn xin xét duyệt danh hiệu và sự gạt bỏ của hội đồng xét duyệt đã một lần nữa khiến các nghệ sĩ cảm thấy tổn thương khi những cống hiến cho nghệ thuật, cho khán giả bao năm qua không được nhà nước nhìn nhận.
Nếu đem huy chương ra làm thước đo, chuẩn mực để xét danh hiệu sẽ bỏ sót rất nhiều người tài năng, có công lao. Huy chương không thể nói lên tất cả mà phải dựa vào cả quá trình cống hiến
NSƯT KIM TỬ LONG

Nghệ sĩ Minh Vương tâm sự: “Nếu được nhà nước phong tặng danh hiệu NSND thì đây là vinh dự lớn nhất trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi, vì mỗi bộ môn có những phần thưởng làm niềm hãnh diện cho nghệ sĩ. Đợt này là lần thứ 3 rồi, mà nếu thật sự không được xét duyệt nữa thì tôi rất buồn. Buồn vì sự cống hiến của tôi từ lúc 14 tuổi cho sân khấu cải lương đến bây giờ đã không được nhìn nhận. Sau năm 1975, tôi đã vào biên chế một đoàn cải lương nhà nước là Đoàn văn công giải phóng thành phố, dù hoàn cảnh khó khăn, đồng lương ít ỏi nhưng tôi vẫn theo đoàn, hết lòng phục vụ nghệ thuật đến 60 tuổi mới hưu. Sau này, tôi còn thành lập một sân khấu để diễn lấy kinh phí xây gần 50 căn nhà tình thương cho người dân nghèo. Tôi cũng đã có 11 năm làm giám khảo cuộc thi Chuông vàng vọng cổ để giúp tìm ra những giọng ca trẻ, vun đắp cho sân khấu cải lương những tài năng mới. Ngay cả bây giờ, 70 tuổi rồi nhưng sức còn thì tôi vẫn còn hoạt động nghệ thuật. Vậy mà… Tôi thấy có sự không công bằng đối với tôi”.
Nghệ sĩ Thanh Tuấn cũng tỏ ra bức xúc và cho biết ông sẽ không làm đơn “xin” xét duyệt nữa.
Huy chương không nói lên tất cả
Quy định phải có hai huy chương vàng (HCV) mới đủ tiêu chí xét tặng danh hiệu NSND hay NSƯT, đối với các nghệ sĩ tài danh nhưng đã lớn tuổi thì đây là một rào cản lớn. Bởi với những tên tuổi nghệ sĩ gạo cội, vốn đã là các tiền bối, đàn anh, thậm chí làm thầy của nhiều nghệ sĩ trẻ, họ không thể đến kỳ hội diễn sân khấu tham gia làm đào - kép chính để tranh huy chương với em, cháu trong nghề. Chưa nói, những Minh Vương, Thanh Tuấn, Thanh Kim Huệ, Kim Tử Long, Vũ Linh… nếu đi thi thì ai sẽ là người sẽ đủ tầm chấm thi cho họ khi họ vốn là những bậc thầy trong nghề, đã từng ngồi ghế ban giám khảo các cuộc thi trong lĩnh vực sân khấu.
NSƯT Kim Tử Long bày tỏ: “Nếu đem huy chương ra làm thước đo, chuẩn mực để xét danh hiệu sẽ bỏ sót rất nhiều người tài năng, có công lao. Huy chương không thể nói lên tất cả mà phải dựa vào cả quá trình cống hiến. Bởi sẽ có nhiều người cứ chờ đến hội diễn sân khấu thì tìm vai vào thi, xong rồi thì không hề có thêm một cống hiến nào cho sân khấu nữa, không hề biểu diễn, không hề có vai diễn gì nữa hết nhưng nhờ có đủ huy chương họ vẫn sẽ được phong tặng danh hiệu. Còn như nghệ sĩ Hồng Nga, bao nhiêu năm trời, một cái danh NSƯT còn không có nói gì NSND, mà muốn cho “má” Hồng Nga có được NSƯT phải có ít nhất 2 cái HCV, trong khi nếu đến hội diễn sân khấu năm nay thì bà đã 73 tuổi rồi. Không nói chi xa xôi, ngay như bản thân tôi, không lẽ muốn lên NSND tôi phải đi thi giành huy chương với đàn em. Mình là nghệ sĩ của công chúng thì cống hiến cho công chúng thôi chứ còn đi thi thì thi cái gì, làm như vậy không công bằng”.
Cũng theo NSƯT Kim Tử Long, vì quy chế dựa vào huy chương nên danh hiệu NSƯT hiện nay đã trở nên rất… đại trà, khiến người đã có danh hiệu không còn cảm thấy vinh dự như trước đây.
Nỗi niềm của NSƯT Kim Tử Long là có cơ sở khi lâu nay, các kỳ hội diễn sân khấu thường bị “mang tiếng” là nơi nghệ sĩ kiếm huy chương để dành cho các đợt xét tuyển danh hiệu. Chưa kể số lượng huy chương ở các hội diễn luôn được “rải” như mưa, hễ làm đào kép chính trong vở là đã có cơ hội nhận HCV. Giá trị những tấm huy chương rõ ràng không còn mang ý nghĩa đánh giá tài năng khi với số lượng lớn và không khó để đạt được.
Vậy thì việc lấy quy chế phải có 2 HCV làm một trong những tiêu chuẩn xét duyệt danh liệu nghệ sĩ có hợp lý và chính xác?
Sao không công khai thành phần hội đồng xét duyệt?
Việc thành phần hội đồng xét duyệt danh hiệu không được công khai khiến dư luận đặt câu hỏi liệu những người nắm trong tay quyền phủ quyết hay công nhận một tên tuổi nghệ sĩ có thể đạt danh hiệu NSND hay không là ai? Họ có đủ chuyên môn hay hiểu hết những lĩnh vực nghệ thuật mà người nghệ sĩ đó đang hoạt động.
GS-TS Phan Thanh Sơn Nam thể hiện nỗi băn khoăn trên trang cá nhân của mình: “Vì bỏ phiếu kín nên chẳng ai biết được vài người không đồng ý là ai, nhưng tôi nghĩ rằng những vị này chắc chắn không hiểu được cái hồn của cải lương Nam bộ. Bởi nếu họ hiểu, họ phải biết rằng kể từ ngày nghệ sĩ Minh Vương đoạt giải Khôi nguyên vọng cổ 1964 đến nay, hơn 50 năm qua, tên tuổi của ông vẫn sống mãi trong lòng giới mộ điệu. Nếu họ hiểu, họ phải biết đến giọng ca điêu luyện vô đối của nghệ sĩ Thanh Tuấn, mà suốt mấy chục năm qua, nhiều thế hệ nghệ sĩ đã và đang cố gắng học hỏi với mong muốn được khán giả yêu thương, như khán giả đã và đang yêu thương ông vậy”.
Ông Nam cũng cho rằng nếu mọi chuyện đều cứng nhắc theo từng câu chữ trong quy định, thì chỉ cần một cô thư ký cùng với một cái máy tính là xong, cần gì phải có thêm những người học cao hiểu rộng ngồi đó, rồi cuối cùng cũng bảo là phải theo đúng quy định.
NSƯT Kim Tử Long cũng đề xuất thành phần hội đồng xét duyệt nên đảm bảo tỷ lệ 50% là lãnh đạo quản lý, 50% là những người trực tiếp tham gia nghệ thuật và đã được phong tặng danh hiệu NSND, như vậy họ mới biết được ai xứng đáng, ai đang hoạt động nghệ thuật thế nào.
Vinh danh mà phải làm đơn “xin”?
Đạo diễn Huỳnh Tấn Phát góp ý: “Quy định nghệ sĩ phải làm đơn xin phong tặng danh hiệu tôi thấy kỳ. Chữ “phong tặng” mang ý nghĩa vinh danh mà phải làm đơn “xin”, mà khi đã làm đơn “xin” thì đã thành “cho” rồi chứ đâu còn “tặng” nữa. Bản thân những nghệ sĩ lớn tuổi sĩ diện và tự ái cao, bảo phải làm đơn “xin” xét duyệt khiến phần nào tổn thương, bởi tại sao anh không công nhận tài năng và đóng góp của tôi mà phải làm đơn “xin” dù biết đó là thủ tục”.
Trước đây, cố nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan cũng từng từ chối làm đơn “xin” phong tặng danh hiệu NSND. Nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực sân khấu cũng không muốn thực hiện thủ tục này để lấy danh hiệu và đối với họ, danh hiệu “nghệ sĩ của nhân dân”, được khán giả yêu mến, công nhận chính là phần thưởng và niềm vui lớn nhất cho hoạt động nghệ thuật của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.