Phong tặng danh hiệu NSND: Hội đồng xét duyệt có đủ 'gần' nghệ thuật truyền thống?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
10/08/2022 06:36 GMT+7

Nếu chỉ nói chuyện đúng quy trình thì người yêu nghệ thuật chưa thể... yên được khi các nghệ sĩ có công lại trượt danh hiệu.

Về việc trượt danh hiệu nghệ sĩ: Người nói gần, người nói xa

Đang có hai ý kiến trái ngược giữa Sở VH-TT TP.HCM và hội đồng xét danh hiệu nghệ sĩ của Bộ VH-TT-DL. Theo đó, Bộ VH-TT-DL đang công bố một danh sách để lấy ý kiến, trong đó không có tên của 3 nghệ sĩ cải lương là NSƯT Thanh Nguyệt, NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thoại Mỹ và 3 nghệ sĩ hát bội là NSƯT Ngọc Khanh, NSƯT Linh Huyền và NSƯT Kim Dung. Còn phía địa phương, UBND TP.HCM vừa gửi văn bản kiến nghị Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cùng Hội đồng cấp nhà nước xét tặng danh hiệu nghệ sĩ thay đổi kết quả này.

Theo UBND TP.HCM, đây là những người có nhiều đóng góp cho hoạt động nghệ thuật, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả. Thêm vào đó, một số nghệ sĩ còn đào tạo, truyền nghề, nhất là với nghệ thuật hát bội không có trường đào tạo chính quy. Điều này đã góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống đặc trưng Nam bộ trong bối cảnh sân khấu khó khăn, nghệ thuật truyền thống khó lan tỏa đến giới trẻ.

NSƯT Lê Thiện

T.L

Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền đã từng nhiều năm nghiên cứu cải lương, sau đó chuyển qua nghiên cứu các loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Vào thời điểm lấy ý kiến về danh sách đề cử công nhận Nghệ sĩ nhân dân (NSND) này, ông Hiền từ chối nhận định về 6 nghệ sĩ miền Nam vừa được đề xuất xét lại hồ sơ. “Tôi đã nhiều năm không theo dõi liên tục cải lương và hát bội, vì thế không thể đánh giá họ. Để đánh giá những người như vậy cần có chuyên môn cũng như cả thời gian theo dõi liên tục trong nhiều năm”, ông Hiền nói.

Lời từ chối của ông Hiền lại làm dấy lên lần nữa câu hỏi liệu hội đồng xét duyệt có thật sự là những người đủ gần và theo dõi sát các loại hình nghệ thuật truyền thống trong nhiều năm và những năm gần đây hay không.

Hồi năm 2018, hai nghệ sĩ cải lương gạo cội là Minh Vương và Thanh Tuấn trượt NSND. Khi ấy, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VH-TT-DL) cho biết: “Tôi chịu, không thể thay đổi được kết quả. Hội đồng họp rồi, đã quyết định rồi. Mình sinh ra hội đồng thì mình phải tôn trọng hội đồng”. Ông Cẩn cũng không công bố phần trăm số phiếu mà các nghệ sĩ bị thiếu, chỉ nói họ trượt do thiếu phiếu đồng ý. Tuy nhiên, điều trớ trêu là sau đó cũng chính hội đồng này lại bầu lại các nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn đủ phiếu khi được yêu cầu bỏ phiếu lại. Yêu cầu xem lại kết quả khi đó do chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra.

NSƯT Thoại Mỹ

T.L

Muốn "êm" thì phải đúng

Trả lời báo chí tại họp báo thường kỳ của Bộ VH-TT-DL vào ngày 28.7 vừa qua, bà Nghiêm Thị Thanh Nguyệt, Phó cục trưởng Cục Thi đua khen thưởng (Bộ VH-TT-DL) cho biết việc xét tặng giải thưởng không phải cuộc thi nên không có phần phúc khảo. Theo quy định, Bộ VH-TT-DL sẽ nhận và xử lý đơn thư xung quanh kết quả đưa ra lấy ý kiến trong 20 ngày. Cục cũng trao đổi với các đơn vị chuyên ngành như Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Điện ảnh… để trả lời người có đơn thư. “Việc có mở lại hội đồng xét duyệt hay không sẽ do các cấp có thẩm quyền quyết định”, bà Nguyệt nói.

NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu, nhìn nhận việc 6 nghệ sĩ trượt NSND và đang được đề nghị xét lại danh hiệu từ góc độ của người quản lý cũng như làm nghề lâu năm: Có những điều rất cần được xem xét linh hoạt. Chẳng hạn NSND Lê Thiện làm sân khấu kịch và kịch truyền hình nhiều hơn cải lương trong những năm gần đây. Tuy nhiên, không nên vì thế mà cho rằng không thể xét bà ấy với tư cách nghệ sĩ cải lương. “Các loại hình nghệ thuật có thể đan xen chứ. Xét danh hiệu phải nhìn lại công đóng góp, cống hiến cho nghệ thuật. Tiêu chí đầu tiên là những người suốt đời cống hiến cho phát triển nghệ thuật. Cái cuối cùng mới là việc có huy chương, đây chỉ là yếu tố bổ trợ thôi”, ông Thọ nói.

Ông Thọ cũng bày tỏ suy tư về việc các nghệ sĩ cải lương, hát bội TP.HCM bị trượt. “Lần trước ông Minh Vương, ông Thanh Tuấn, ông Giang Châu trượt. Có cả mấy ông hát bội nữa bị gạt. Hội đồng có khi không biết ai là ai, hoặc là nghệ sĩ sân khấu truyền thống họ ít xem, họ chỉ xem nghệ sĩ trên tivi thôi, còn về loại hình cải lương và chèo thì họ không biết mấy, cũng chả hiểu thế nào là chất lượng nghệ thuật nữa thì rất khó”, ông Thọ nói.

Ông Thọ cũng cho rằng hội đồng nên cởi mở hơn với việc nghệ sĩ miền Nam ít đi thi, ít có huy chương. Như thế càng nên đánh giá đúng công lao truyền nghề của nghệ sĩ. “Trách họ ít thi thì không nên. Người ta đã cao tuổi, đóng góp cho nghề thì phải ghi nhận”, ông Thọ chia sẻ.

Hiện tại bà Nguyệt cho biết đã nhận đơn từ phía TP.HCM và đang trong quy trình giải quyết đơn. Tuy nhiên, có họp hội đồng xét lại hay không thì bà không có ý kiến vì không có thẩm quyền.

NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ cũng hiểu việc xét duyệt được thực hiện theo quy định và đang thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, điều này chưa thể nói là ổn khi kết quả chưa làm thỏa mãn công chúng yêu nghệ thuật. “Chả có ai sai cả, chỉ có cái chưa đúng thôi. Kết quả chưa làm thỏa mãn thôi, chứ chả có gì sai cả. Bộ xem xét lại rồi báo cáo cơ quan chức năng xem xét, để làm thế nào cho êm. Muốn êm thì phải đúng, thế thôi”, ông Thọ nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.