Tự động phát
Reuters hôm 6.1 dẫn lời ông John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi, nói: "Chúng tôi rất khuyến khích những gì chúng ta đã thấy ở Nam Phi trong giai đoạn này, khi họ xem xét dữ liệu trên khía cạnh mức độ nghiêm trọng (của lây nhiễm)".
Ông nhận xét: "Thời kỳ mà chúng ta sử dụng đóng cửa chống dịch nghiêm ngặt đã qua rồi. Chúng ta thực sự nên xem xét cách sử dụng các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng một cách cẩn thận và điều chỉnh lại khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên".
Một bé trai được tiêm vắc xin Pfizer tại Johannesburg |
afp |
Từ cuối tháng 11, Nam Phi trải qua đợt tăng mạnh số ca nhiễm Covid-19 và đạt đỉnh vào giữa tháng 12 ở mức kỷ lục kể từ đầu đại dịch. Tuy nhiên, số ca nhiễm sau đó đã giảm và chính phủ đã không áp đặt các hạn chế chặt chẽ như các đợt dịch trước. Nước này thậm chí còn nới lỏng các quy định vào đêm giao thừa.
Ông Nkengasong dự báo rằng Covid-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu tại lục địa đen do tốc độ tiêm chủng chậm, một viễn cảnh mà nhiều nhà khoa học toàn cầu đã nói đến.
"Trừ khi vào cuối năm nay, tỷ lệ tiêm chủng của châu lục này tăng lên 70% hoặc 80%, nếu không Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu", ông nói.
Các chuyên gia tin rằng Covid-19 sẽ không thể bị loại bỏ hoàn toàn và có khả năng sẽ trở thành bệnh đặc hữu, có nghĩa là sẽ luôn tồn tại như bệnh cúm hoặc thủy đậu.
Theo số liệu mới nhất của CDC châu Phi, chưa đến 10% dân số lục địa đen đã được chủng ngừa đầy đủ. Hiện nhiều quốc gia vẫn rất khó tiếp cận vắc xin. Trong 4 tuần qua, số ca mắc Covid-19 ở châu Phi đã tăng trung bình 36% và số ca tử vong tăng 8%.
Bình luận (0)