Phòng tranh 'đặc biệt' ở bệnh viện: Những nét cọ nối kết

Lan Chi
Lan Chi
30/09/2023 19:47 GMT+7

Những ngày qua, nhiều người khi "lỡ" bước vào lầu 10 của Bệnh viện An Bình (TP.HCM) cứ tưởng mình đi nhầm đến một phòng tranh…

Nhìn những bức tranh rực rỡ sắc màu, với nét vẽ đẹp đến bất ngờ, khó tưởng tượng được trong số những tác giả có tranh được triển lãm, có những bệnh nhân đã phải trải qua những ngày tháng đầy gian nan để từng bước hồi phục sau cơn đột quỵ, vận động thì khó khăn, nói cho tròn trịa được một chữ, diễn tả được món ăn mình đang thèm để người nhà hiểu cũng phải cố gắng đến mệt lả…

Như chủ đề "Mang ý nghĩa vào cuộc sống", triển lãm mỹ thuật - với phòng tranh ở tầng 10 - được bệnh viện tổ chức để nhìn lại một chặng đường dài cùng với bệnh nhân tìm tìm lại niềm vui sau những thiệt thòi do bệnh tật mang lại. Cuộc triển lãm giới thiệu một cách trân trọng thành quả của lớp học Hội họa - Giao tiếp vào sáng thứ sáu hằng tuần ở Khoa Phục hồi chức năng từ gần 10 năm qua. 59 tác phẩm của 36 tác giả là học viên đang theo học lớp này được trưng bày tại sự kiện.

Những nét cọ nối kết ở bệnh viện An Bình - Ảnh 1.

Học viên của lớp vẽ xúc động khi thấy tranh của mình được trưng bày một cách trang trọng

Lan Chi

Tiến sĩ Lê Khánh Điền, Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ trị liệu châu Á - Thái Bình Dương, Trưởng khoa Phục hồi chức năng đã ấp ủ mong muốn mở một lớp vẽ cho người bị rối loạn giao tiếp ở "sân nhà" từ năm 2012, sau khi được tham quan lớp vẽ cho bệnh nhân mất ngôn ngữ tại Bệnh viện War Memorial ở Sydney (Úc). Để tổ chức một lớp học như thế, lại hoàn toàn miễn phí, sẽ có nhiều "bài toán khó" cần tìm lời giải. Rồi những tấm lòng nối kết với nhau, các mạnh thường quân nối kết với bệnh viện, bệnh viện nối kết với Khoa Mỹ thuật, Đại học Sài Gòn, và hơn một năm sau đó, lớp vẽ chính thức hoạt động. Các bạn sinh viên mỹ thuật mang sự nhiệt tình của tuổi trẻ, mang màu sắc và nét cọ nối kết bệnh nhân với niềm vui, với ý nghĩa của cuộc sống. Với nhiều bệnh nhân, khi bệnh làm họ khó thốt nên lời thì hội họa chính là "ngôn ngữ" hữu hiệu nhất.

Gần mười năm, bệnh viện bền bỉ duy trì lớp Hội họa - Giao tiếp, vị mạnh thường quân hỗ trợ bền bỉ và âm thầm, các bạn sinh viên bền bỉ hướng dẫn, còn học viên thì bền bỉ với từng nét cọ, phần lớn đều vẽ bằng tay trái - tay không thuận, vì người bị đột quỵ mà tổn thương ở não trái thì gây những ảnh hưởng về ngôn ngữ, đồng thời làm yếu/liệt phần thân bên phải, nặng hay nhẹ tùy vào mức độ tổn thương. Phải vẽ bằng tay không thuận đương nhiên thời gian đầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các "họa sĩ" là những bệnh nhân đang trong quá trình phục hồi chức năng sau cơn bạo bệnh.

Những nét cọ nối kết ở bệnh viện An Bình - Ảnh 2.

Khai mạc triển lãm "đặc biệt"

Lan Chi

Trong hành trình gần 10 năm nói trên, lớp vẽ chỉ phải tạm ngưng khoảng 2 năm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, và đã được mở trở lại từ tháng 7.2022 tại tòa nhà mới của bệnh viện, khang trang hơn. Vòng tròn kết nối vào mỗi sáng thứ sáu cũng được mở rộng hơn vì có thêm các sinh viên tình nguyện đến từ Đại học Kiến trúc TP.HCM để "chung sức" với Khoa Mỹ thuật, Đại học Sài Gòn, và thành phần các học viên tham gia lớp cũng đa dạng hơn, ngoài những bệnh nhân từng bị đột quỵ, còn có những bệnh nhân gặp khó khăn về giao tiếp, hoặc người cao tuổi bắt đầu có những vấn đề về tuổi tác, như suy giảm trí nhớ.

Tiến sĩ Lê Khánh Điền giải thích: "Chúng tôi mở rộng thành phần các học viên vì lớp vẽ có thể mang lại lợi ích cho nhiều bệnh nhân. Chẳng hạn, với những bệnh nhân sau đột quỵ bị tổn thương ở não phải, họ không bị ảnh hưởng về mặt ngôn ngữ. Vẽ nói riêng hay nghệ thuật nói chung sẽ giúp kích thích não phải, có thể tạo thuận lợi cho quá trình hồi phục".

Những nét cọ nối kết ở bệnh viện An Bình - Ảnh 3.

Ông Hồ Đắc Thắng: "Khi đã cầm cây cọ trong tay, tôi trở nên thoải mái, phấn chấn hẳn"

Lan Chi

Ông Hồ Đắc Thắng, một học viên của lớp học tâm tình: "Tôi bị đột quỵ từ năm 2015. Kể từ ngày tham gia lớp Hội họa - Giao tiếp, có những ngày thứ sáu khi thức dậy, tôi rất mệt mỏi, không muốn đi đâu cả, trong khi quãng đường từ nhà đến bệnh viện khá xa. Nhưng rốt cuộc tôi vẫn cố gắng đến đây để được tập vật lý trị liệu và được vẽ. Khi đã cầm cây cọ trong tay, tôi trở nên thoải mái, phấn chấn hẳn và cảm thấy thật may mắn vì lúc sáng mình đã quyết định đến lớp vẽ".

Những nét cọ nối kết ở bệnh viện An Bình - Ảnh 4.

Ngoài lớp vẽ, bệnh viện còn tổ chức một lớp học thư pháp miễn phí ở Khoa Phục hồi chức năng. Một số bức thư pháp cũng được giới thiệu trong dịp này

Lan Chi

Những nét cọ nối kết ở bệnh viện An Bình - Ảnh 5.

Các bạn sinh viên tình nguyện hạnh phúc khi xem tranh của các cô chú học viên ở triển lãm kéo dài từ ngày 27 - 29.9

Lan Chi

"Đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện đã, đang và sẽ luôn sát cánh với các bạn sinh viên tình nguyện để chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn và giúp học viên của lớp từ chỗ từng bước làm quen với cọ, với màu - nhất là với những bệnh nhân phải vẽ bằng tay không thuận, cho đến lúc có thể vẽ thành tranh hoàn chỉnh", BS CKII Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện An Bình chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.