Theo Nikkei Asia, các streamer ảo có thể thiếu đi những xúc cảm của con người, thế nhưng chúng đang tạo ra tiếng vang lớn trong thị trường bán hàng trực tuyến.
Với cách thức bán hàng bất kể đêm - ngày này, các cửa hàng có thể giữ cho doanh số bán hàng trong bối cảnh các streamer đình đám ngày một biến mất do sự siết chặt kiểm soát các hành vi trốn thuế ngày càng gắt gao của chính phủ Trung Quốc.
Streamer bán hàng livestream ảo đang nở rộ tại Trung Quốc |
DEEP SCIENCE |
Thương mại điện tử bùng nổ, Trung Quốc nỗ lực ngăn chặn trốn thuế
Đáng chú ý hơn, hình thức bán hàng này đã nở rộ và tạo ra nhiều sự ảnh hưởng đến thị trường mua sắm của Trung Quốc trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát thì các không gian mua sắm trực tuyến trở nên sầm uất hơn bao giờ hết.
Nikkei Asia ước tính giá trị của thị trường trực tuyến Trung Quốc đã đạt hơn 1.000 tỉ nhân dân tệ (hơn 3,56 triệu tỉ VND) trong năm 2021. Tuy nhiên, chỉ riêng báo cáo chung của hai nền tảng thương mại điện tử lớn là Alibaba và KPMG đã ước tính con số 2.000 tỉ nhân dân tệ, gấp đôi ước tính của Nikkei Asia.
Sự bùng nổ của hình thức bán hàng qua livestream tăng mạnh tại Trung Quốc trong năm 2020 và 2021 |
IIMEDIA RESEARCH |
Các nền tảng thương mại điện tử bán đủ các loại mặt hàng, từ những cây son môi cho tới xe hơi. Nhờ vậy, hàng chục nghìn người trở thành triệu phú.
Tuy nhiên, sự bùng nổ của thương mại điện tử cũng phát sinh tình trạng trốn thuế và gây thất thoát không hề nhỏ. Chính vì vậy, chính phủ Trung Quốc đã có những động thái mạnh tay trước thực trạng này. Ngay trong đầu năm nay, Viya - người được mệnh danh là “nữ hoàng livestream” trên Taobao Live, đã bị gỡ bỏ tất cả thông tin và phải đóng phạt 1,34 tỉ nhân dân tệ vì hành vi trốn thuế.
Chuyển sang streamer ảo để tránh bị phạt
Sau khi nhiều người thật đã bị “cấm cửa” vì trốn thuế, nhu cầu streamer ảo của các doanh nghiệp tăng đột biến. "Khi những người có tầm ảnh hưởng bị phạt và biến mất khỏi các nền tảng mua bán, người xem đang chuyển sang hình thức livestream khác, gồm các chương trình có streamer ảo”, Wang Zhenxing, Giám đốc một công ty chuyên thanh toán nhận diện khuôn mặt ở Hàng Châu, cho biết.
Ông Zhenxing còn tiết lộ chi phí cho một streamer ảo là khoảng 8 USD mỗi ngày, rẻ hơn nhiều so với thuê người nổi tiếng - có thể đòi khoản hoa hồng lên đến 40% doanh thu trong mỗi đợt phát trực tiếp hoặc hàng chục nghìn USD nếu thuê mỗi ngày.
Theo nhận định của ông Cheng Weizhong - người sáng lập kiêm giám đốc điều hành một công ty chuyên về công nghệ phát trực tiếp bằng trí tuệ nhân tạo (AI), streamer ảo sẽ ngày càng phổ biến hơn, khi sự lệ thuộc vào người nổi tiếng không còn bền vững.
Ưu điểm của hình thức bán hàng qua các streamer ảo là có thể hoạt động 24/7. Tuy vậy, nhiều đơn vị bán hàng thừa nhận hình thức này không phù hợp đối với một số chương trình cần sự tương tác cao.
Bình luận (0)