Phòng triển lãm của vợ chồng nghệ sĩ hơn 40 năm gắn bó với sân khấu cải lương

04/11/2021 12:25 GMT+7

Căn phòng khoảng 15 m 2 trưng bày gần 1.000 hình ảnh, kịch bản và vật dụng đi diễn… được vợ chồng nghệ sĩ Trần Thiện - Kiều Mỹ Dung xem đó là gia tài của mình trong hơn 40 năm gắn bó với sân khấu cải lương.

Căn phòng nhỏ, nhỏ nơi vợ chồng nghệ sĩ lưu giữ hoài niệm về thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật sân khấu cải lương

DUY TÂN

Gia tài của một đời làm nghệ thuật

Căn phòng triển lãm của vợ chồng nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung (60 tuổi) và Trần Thiện (67 tuổi) trên đường Phạm Ngũ Lão, P.Thới Bình, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ là điểm đến tham quan gợi nhớ thời xưa cũ của những người mộ điệu sân khấu cải lương.

Vợ chồng nghệ sĩ Trần Thiện - Kiều Mỹ Dung ôn lại kỷ niệm trong hơn 40 năm gắn bó với sân khấu cải lương

DUY TÂN

Ở đây, mọi thứ được sắp xếp ngăn nắp từng giai đoạn và trình tự thời gian. Những hình ảnh được dán sắp xếp theo từng vở diễn, vật dụng lúc ông bà mới vào nghề, đi diễn chung với các nghệ sĩ Minh Vương, Lệ Thủy, Phượng Loan, Thoại Mỹ và rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi cả nước đã đến với Tây đô…

Căn phòng gần 1.000 hình ảnh, kịch bản và các vật dụng đi diễn của vợ chồng nghệ sĩ Trần Thiện và Kiều Mỹ Dung. Ông bà xem đó là gia tài của mình trong hơn 40 năm gắn bó với sân khấu cải lương. Trong số hình ảnh được trưng bày, có 200 bức ảnh lưu lại kỷ niệm từ những ngày đầu tiên vào nghề cho đến khi bị tai nạn, chuyển đổi công tác; về các vai diễn, vở diễn; các kỳ liên hoan, hội thi toàn quốc và đặc biệt là hình ảnh các nghệ sĩ tiền bối, bậc thầy đã dìu dắt. Đặc biệt, còn có nhiều các nhạc cụ, phục trang, đạo cụ cho các vở diễn xưa…

Phòng triển lãm ảnh được sắp xếp theo từng vở diễn, thời gian

DUY TÂN

Nghệ sĩ Trần Thiện cho biết ông tên thật là Trần Văn Thiện, quê ở TP.Châu Đốc, An Giang. Thời trẻ, ông sinh hoạt tại Chi đoàn P.An Hòa. Thấy ông có năng khiếu vẽ tranh nên các nghệ sĩ mời ông về Đoàn cải lương Hậu Giang 1 để vẽ cảnh sân khấu.

Năm 1982, ông được bổ nhiệm làm Phó đoàn cải lương Hậu Giang 1. Đến năm 2010, ông là Trưởng đoàn cải lương Tây đô. Năm 2012, làm Phó giám đốc Nhà hát Tây đô cho đến khi nghỉ hưu.

Nhiều hình ảnh hoạt động nghệ thuật được hai vợ chồng lưu giữ kỹ lưỡng

DUY TÂN

Vợ ông, đạo diễn Kiều Mỹ Dung vào nghề trước ông, từ khi bà mới 14 tuổi. Bà từng là đào chính của nhiều đoàn cải lương từ Sài Gòn đến Hậu Giang. Rồi duyên nợ với nghề, duyên nợ với nhau, nhờ cải lương mà ông bà gặp nhau rồi kết nghĩa tào khang, có với nhau một người con gái.

“Tôi bén duyên với cải lương từ năm 14 tuổi và theo học ở các lò đào tạo của thầy Năm Đồng. Lúc đó, các lò chỉ dạy mình ca thôi chứ không dạy kỹ thuật như giờ. Năm 18 tuổi, tôi về Cần Thơ hoạt động nghệ thuật cải lương cho đến bây giờ”, bà Mỹ Dung nói.

Đóng góp lớn cho sân khấu cải lương

Trước kia và bây giờ, vợ chồng nghệ sĩ Trần Thiện - Kiều Mỹ Dung vẫn không ngừng kiếm tìm, đào tạo thế hệ nghệ sĩ kế thừa như Hồng Yến, Hồng Thủy, Phương Anh, Ngọc Vẹn, Quách Phú Thành… cho sân khấu cải lương Cần Thơ.

Những kỷ niệm thể hiện qua từng bức hình, vở diễn

DUY TÂN

Suốt thời gian làm quản lý ở Đoàn cải lương Hậu Giang 1 và Nhà hát Tây đô, nghệ sĩ Trần Thiện đã có những đóng góp lớn cho sân khấu cải lương Cần Thơ. Ông cùng anh em nghệ sĩ đã gặt hái hàng chục Huy chương Vàng, Huy chương Bạc.

Năm 2004, trên đường đi tập tuồng về nhà, vợ chồng nghệ sĩ Trần Thiện - Kiều Mỹ Dung bị tai nạn giao thông khiến bà mất chân trái, còn ông bể xương chậu. Nhưng khi bình phục, bà vẫn tiếp tục cống hiến cho sân khấu cải lương.

Những kỷ niệm thể hiện qua từng bức hình, vở diễn

DUY TÂN

Năm 2005, sau biến cố bà nhận lời tham gia vở "Lời tự tình quê hương" được đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng cho Đoàn Tây Đô. “Lúc đó, tôi đã lắp chân giả, anh Trần Ngọc Giàu viết thêm vai bà mẹ tật nguyền. Thấy hoàn cảnh nhân vật sao giống bản thân mình quá, thế là không kìm nén được giọt nước mắt mà bật khóc”, bà Dung nói.

Từ khi nghỉ hưu vào năm 2016 đến nay, nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung và chồng đã dồn hết tâm trí để xây dựng không gian triển lãm ảnh một đời gắn bó với sân khấu cải lương của mình. “Khi về hưu, tôi chắc góp các khoản để xây nhà và thực hiện ước mơ làm căn phòng truyền thống như bây giờ. Đây là nơi lưu giữ kỷ niệm, niềm vui trong quá trình làm nghề của hai vợ chồng”, bà Dung chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.