- Cô ơi cho cháu hỏi ngày Hiến chương Nhà giáo mình nên tặng cô thầy giáo loại hoa nào thì đúng ý nghĩa nhất?
Minh họa: Văn Nguyễn |
Ca trực bắt đầu bằng giọng thanh tao tuổi mười sáu, nói nhanh, hớn hở và hơi sốt ruột, vẻ như đã tìm hiểu kỹ rồi và chỉ chờ nghe câu trả lời của tôi để chắc chắn là mình đúng.
Vang tiếng còi xe và âm thanh lao xao. Có lẽ cô bé đang đứng cùng bạn bè ngay tại shop hoa, à, cũng có thể là ngay trước cổng trường. Chức vụ lớp trưởng đôi khi cũng lúng túng vì không chỉ là phải học giỏi nhất lớp và giơ tay xung phong tất cả các môn mà còn là như hôm nay, chọn hoa cho ngày của thầy cô. Mỗi bạn tra một trang mạng khác nhau và rối trí vì trang thegioihoatuoi cho ý nghĩa này mà trang bonmuahoa cho ý nghĩa khác, tra thêm vài trang nữa - tamtinhhoa, loicuatraitim..., tới wikipedia thì rơi vào rối mù. Thậm chí là cũng loài hoa đó mà số lượng khác nhau cũng thành ý nghĩa khác nhau!
Tôi đã có kinh nghiệm này, Phòng tư vấn số 18 thường vang những câu hỏi về hoa. Ngay cả hoa hồng luôn có chung ý nghĩa nhưng người ta vẫn muốn chắc chắn như sợ hoa cũng đổi thay.
Cú điện thoại kế tiếp là một cậu bé, sau đó là tràng cười rộ ồn ào, có lẽ những người bạn của cậu vừa trêu chọc gì đó. Lớp trưởng là con trai thì trong những ngày dính dáng tới hoa hòe này thật là bí rị.
Nhớ lại ngày sinh nhật mẹ tôi tuổi bốn mươi, anh trai tôi tặng mẹ một bó bốn mươi bông vạn thọ. Về mặt ý nghĩa thì đúng thật là...
Tôi đi ra ban công nhìn xuống đường. Nắng trời hôm nay dịu nhẹ và không gian lung linh nhờ hoa. Bà mẹ cầm tay cô bé tóc cột hai sừng mặc áo đầm xanh tung tăng trên vỉa hè, tay kia cô bé cầm lẵng hoa cẩm chướng hai màu trắng và tím, tấm thiệp màu hồng cài trên tay cầm rung rinh theo từng bước chân mang giày đỏ.
Tôi quay về bàn, lấy ra cuốn sổ và cây bút chì. Tôi vẽ bông hoa cẩm chướng đơn cánh mỏng manh có đường viền răng cưa li ti.
Vẽ xong, tôi ngắm nghía, thấy bông hoa trên giấy yếu đuối như cánh bướm trong mưa. Chẳng hiểu sao tôi lại nghĩ tới mưa trong một ngày nắng đẹp như hôm nay.
Điện thoại reo vang.
Giọng nữ, hơi khàn, nghe như chớm bị cảm.
- Tôi là một giáo viên.
- Chào cô giáo - Tôi hồ hởi - Xin chúc mừng ngày Hiến chương.
- Cảm ơn chị. Tôi vừa nhận được điện thoại báo tin tôi có một bó hoa hồng do Phòng Giáo dục tặng, và một lẵng hoa cúc trắng do Hội Phụ huynh học sinh tặng. Có thể chiều nay tôi sẽ có thêm vài bó hoa nữa của những đồng nghiệp dạy trường bình thường tặng lại vì họ có nhiều hoa quá.
Giọng nói ngừng lại. “Trường bình thường”? Tôi đang tự hỏi thì bên kia nói tiếp:
- Tôi là giáo viên trường chuyên biệt, tôi dạy lớp thiểu năng.
Tôi thốt tiếng “dạ” nhỏ, tỏ ý đã hiểu.
Giọng nói bình thản:
- Học trò trường chuyên biệt chào đón những ngày lễ trong năm theo một cách khác, thường là giáo viên bọn tôi tổ chức cho các em chơi. Khi có tiền thì bọn tôi đưa các em đi công viên hoặc sang hơn nữa thì tới bể bơi. Còn lại thì chơi tại trường. Cũng trong không gian quen thuộc mà làm sao cho trong ngày hôm đó phải trở nên mới mẻ, nhất là đối với những em câm điếc, vì các em nhìn thấy được cho nên không dễ dàng khiến cho cảnh vật trở nên khác lạ - Tiếng cười khẽ - Bọn tôi gọi đó là ảo thuật biến không thành có. Trước mỗi dịp lễ lượt, các giáo viên được yêu cầu đưa ra ý kiến sao cho toàn trường được chơi vui mà ít tốn kém nhất.
- Ngày Hiến chương năm vừa rồi, ý kiến của cô giáo là gì? - Tôi hỏi.
- Cắm trại và thi nấu cơm. Có ý kiến cho thi cắm hoa và thi vẽ nhưng tiền mua hoa và màu vẽ cũng là một khoản đáng kể mà các em khiếm thị lại không chơi được - Giọng nói trở nên hào hứng - Cuối cùng thì ý kiến của tôi được chọn. Cũng chừng đó tiền ăn hằng ngày đầu bếp đi chợ cho toàn trường thì ngày hôm đó chia đều ra cho các lớp tự đi chợ chọn món và tự nấu nướng. Cơm nội trú khá đơn điệu cho nên mỗi lớp vài món khác nhau cũng thành tiệc tùng lăng xăng rất vui. Dựng lều thì tùy mỗi lớp tự xoay xở. Tôi mượn được một tấm bạt màu xanh. Các em học trò thiểu năng của tôi không tự suy nghĩ được nhưng cũng biết bắt chước, cứ nhìn qua mấy lớp câm điếc thấy bên đó trang trí kiểu gì thì bên này bắt chước theo. Thành ra cái lều của lớp tôi tạp pí lù - Tiếng cười vang lên - Mỗi em học lóm được một miếng và cứ vậy mà dán khắp lều.
- Chắc là lều của lớp câm điếc đoạt giải nhất?
- Đúng rồi. Các em câm điếc đều được học vẽ từ năm lớp một.
- Các em thiểu năng thì sao?
Giọng nói chùng xuống:
- Các em thiểu năng cũng được học tất cả các môn, nhưng không nhớ được gì. Bức tranh vẽ hôm nay, ngày mai em ấy không nhận ra đó là tranh mình vẽ. Bài toán làm được điểm mười, vui ríu rít đỏ hồng hai má vì được cả lớp vỗ tay, ngày hôm sau cũng bài toán đó em ấy không viết được con số thẳng hàng.
Bên kia im lặng. Tôi cũng im lặng. Hơi thở lào xào qua đường dây. Tay tôi tô đậm đường viền răng cưa ở bông hoa cẩm chướng, bông hoa như tự thân nó là màu xám.
- Sao cô giáo chọn nghề này? - Tôi hỏi và ngay lập tức cảm thấy mình thô thiển.
- Thời sinh viên tôi thích tham gia công tác xã hội. Tôi tới trường khuyết tật dạy các em mù đàn hát. Có em Hòa lớp năm thiểu năng hay thập thò ở cửa tỏ vẻ thích thú, tôi bèn dạy Hòa hát thử vài câu. Hòa hát rất hay. Buổi văn nghệ bế giảng năm học đó, tôi dạy Hòa hát bài Bụi phấn. Khán giả toàn là cô thầy giáo trong trường và phụ huynh của các em cho nên có bể dĩa cũng không sao, nhưng mà tôi có lòng tin là Hòa sẽ chinh phục được mọi người. Hồi đó tôi mới hai mươi tuổi. Tôi trang điểm cho Hòa, thắt tóc bím cài nơ và mượn một cái áo đầm thật đỏm dáng cho Hòa mặc lên sân khấu.
- Và rồi thì bể dĩa?
- Nếu bể dĩa thì chắc tôi đã khác - Tiếng cười nhẹ - Ai cũng kinh ngạc khi Hòa hát trọn vẹn bài hát. Ba mẹ của Hòa òa khóc mừng vui. Cô hiệu trưởng ôm tôi mà chảy nước mắt, cô nói tôi đã làm được điều đáng gọi là kỳ tích.
Tôi chợt nhớ ra ai đó nói người có giọng khàn thường là hát hay.
- Em Hòa khiến tôi mơ mộng là mình sẽ làm được nhiều hơn vậy. Tôi xem đi xem lại bộ phim về gia đình có đứa con bị thiểu năng, ông bố tuyệt vọng bỏ đi, người mẹ kiên cường chiến đấu với số phận, và đứa con đó trở thành nhạc sĩ nổi tiếng. Đang học kinh tế, tôi chuyển qua học sư phạm chuyên biệt. Tôi ôm ấp nhiều điều cho học trò tương lai của mình. Tôi được học nhạc từ nhỏ, tôi hiểu âm nhạc kỳ diệu như thế nào. Tôi biết vẽ nữa. Tôi muốn noi gương bà mẹ kiên cường đó. Tôi không chấp nhận là các em sẽ quên hết. Thậm chí tôi mơ... cả lớp đứng cùng tôi trên sâu khấu, tiết mục hợp ca không chỉ là nhớ đúng lời. Tôi mơ mình và học trò sẽ mở triển lãm tranh...
Giọng tự giễu dí dỏm và buồn bã khiến tôi nhớ ra mình cũng từng gặp điều tương tự. Khi nộp hồ sơ xin việc tới Phòng tư vấn số 18, tôi nghĩ tới những cuộc trò chuyện mà sau đó người gọi đến sẽ được tháo gỡ, sẽ được vui và lại tin yêu cuộc đời.
Mà bây giờ tôi chỉ có việc lắng nghe, hầu như chỉ là lắng nghe.
Tay tôi vẽ thêm một bông cẩm chướng nữa.
- Tôi đã làm cô giáo lớp thiểu năng được mười năm rồi. Tôi không còn mơ mộng như hồi đó nữa. Tôi hiểu ra các em đã được cha mẹ đưa đi chạy chữa khắp nơi và cùng kiệt rồi họ mới chấp nhận để con mình là học trò lớp thiểu năng. Tôi học được cách chấp nhận những gì tôi giảng dạy sẽ trôi tuột đi, mỗi buổi lên lớp là để các em được vui trong giờ khắc đó. Rồi thôi. Tôi không có niềm vui được học trò quay trở lại thăm, không có niềm vui được dõi theo từng bước đứa học trò mình kỳ vọng.
- ...
- Đôi khi ông trời chơi khăm, trong lớp chợt xuất hiện một em nổi bật khiến tôi phập phồng hy vọng. Có lần tôi nhận được thư của em Cúc, là cô bé xinh xắn nổi bật đó, vẽ đẹp và hát hay. Em thuộc những bài hát tôi dạy, và có nhớ những bài toán. Cuối tuần, trước khi về thăm nhà em ấy đưa cho tôi một lá thư viết là về nhà thì em sẽ nhớ tôi và mong được nghe tôi hát. Tôi vui lắm. Đợi tới tối, ước chừng là chuyến xe đưa em ấy đã về tới nhà, tôi gọi điện hát cho em ấy nghe qua điện thoại...
- ...
- Tôi vừa hát câu đầu tiên thì em ấy cúp máy. Lá thư chỉ là lóe sáng trong giây lát. Thứ hai tuần sau em ấy trở lại trường, quên sạch mọi điều.
Tôi lại tô đậm đường viền bông hoa cẩm chướng mới.
- Kể chuyện chị nghe... là vì... tôi... Hôm qua bất ngờ tôi gặp lại em Hòa ở trại tâm thần. Em Hòa... bước ngoặt khiến tôi chọn ngành chuyên biệt.
Giọng nói cắn lại rồi nín bặt.
Đường dây lặng ngắt.
- Em Hòa không nhận ra cô giáo? - Tôi hỏi, thật nhỏ nhẹ. Và tôi nghĩ có lẽ chính không khí của ngày đã làm tăng thêm cảm giác thất vọng. Một cuộc gặp gỡ sau bao năm tháng dài kể từ khi còn học lớp năm, một em học trò bình thường chưa chắc nhớ, một người bình thường cũng có thể quên.
- Ừ, đúng... Hòa không nhận ra tôi, nhưng không phải vậy - Giọng nói rầu rĩ - Hòa đang có thai. Người quản lý nói em ấy trốn trại đi lang thang... bị hãm hiếp... lần này là lần thứ hai... đứa bé trước đã chết vì sinh non quá yếu.
Im lặng dài.
- Hôm nay trường tổ chức gì cho các em hả cô giáo? - Tôi hỏi.
- Chơi thể dục thể thao.
- Cô giáo đang ở nhà?
- Ừ.... Tôi báo bệnh ở nhà. Buồn quá chị ơi. Mười năm dạy học biết trước kết quả là số 0, tôi vẫn vui trong từng chút vui trong phút giây với học trò. Nhưng... bây giờ tôi không biết tiếp tục làm sao đây. Tôi cứ tưởng tượng và hình dung những đứa học trò của mình, đã đang và sẽ... như em Hòa...
Âm thanh vụt rào rạo, nhiễu sóng, rồi tôi nghe tiếng chuông di động reo. giọng nói trả lời “Dạ, tôi ra ngay đây”.
- Tôi có khách - Giọng nói thở hắt ra - Trường tưởng tôi bệnh thật nên cử người đem hoa tới. Chào chị.
Tôi đặt ống nghe xuống và đi ra ban công. Cô bé cột tóc hai sừng áo đầm xanh giày đỏ đang tung tăng trở về, lẵng hoa tặng cô giáo rồi nên hai tay vung văng như múa.
Bình luận (0)