Mặc dù chúng ta có rất nhiều phong tục vào ngày tết, nhưng cứ nhắc đến tết, trẻ em thường sẽ nghĩ ngay đến hai điều, đó là được mặc quần áo mới và được lì xì. Trải qua nhiều năm, hình thức lì xì cũng có nhiều thay đổi, người lớn ngày một chú trọng hơn đến "chất lượng" của bao lì xì, vô tình làm tác động đến tư duy của trẻ nhỏ.
Nói về điều này, Ths.Nguyễn Hiếu Tín khẳng định: "Theo quy luật chung, chúng ta không thể đòi hỏi tết nay phải giống hệt tết xưa, bởi tất cả giá trị đều phụ thuộc vào 3 yếu tố: không gian, thời gian và chủ thể".
Không gian tết xưa là không gian văn hóa cổ truyền, mang tính chất làng xã, đó là tính chất nông nghiệp. Tết ngày nay đã có sự chuyển dịch từ làng xã sang văn hóa đô thị. Đồng thời, thời gian và chủ thể cũng hoàn toàn thay đổi, với tư duy người trẻ cách biệt nhiều so với thời của ông bà trước đây. Chính sự chuyển dịch của nền văn hóa công nghiệp đã làm xuất hiện văn hóa mang tính vật chất, thị trường ngày một nhiều hơn trước.
Đây cũng là nguyên nhân khiến việc lì xì dần xa rời bản chất gốc. Chữ "lì xì" theo nghĩa gốc là "lợi thị", tức sự biểu thị, tượng trưng cho lộc đầu năm mới. Do đó, bao lì xì cũng thường có màu đỏ, hàm ý cầu chúc cho sự may mắn và cả tiền lì xì cũng dùng tờ tiền màu đỏ, hầu như không mấy chú trọng vào mệnh giá. Điều này trái ngược với ngày nay.
Nếu hiểu rõ được ý nghĩa gốc của việc lì xì, chúng ta sẽ có cách ứng xử đúng mực hơn và dần tìm lại được nét đẹp văn hóa lì xì ngày tết. Theo đó, người trẻ cũng phần nào tháo gỡ được gánh nặng không đáng có của việc "lì xì", vốn là nét đẹp truyền thống xưa nay.
Mong muốn khôi phục tết xưa
Tuy có nhiều sự thay đổi như vậy, song vài năm trở lại đây có thể thấy rõ những người trẻ đã và đang bắt đầu mong muốn khôi phục lại phong vị tết xưa. Đơn cử như việc các bạn tìm hiểu nhiều hơn về phong tục, các hoạt động truyền thống, những món ăn đặc trưng ngày tết, cũng như phục dựng không gian văn hóa tết, cách bài trí nhà cửa, thiết đãi bàn lễ cúng kính…
Ngay tại khu đô thị, chúng ta dễ dàng nhìn thấy những mô hình phục dựng không gian tết cổ truyền, như một cách nhắc nhớ, gợi mở lại những mảng ký ức, hoài niệm về văn hóa cổ truyền vô cùng đặc sắc của chính dân tộc mình. Đó là tín hiệu rất đáng mừng. Giữa đô thị hiện đại hiện diện nét cổ kính của ông bà thuở xưa, mà ở đó, chúng ta, đặc biệt là những bạn trẻ cảm thấy vui vẻ, hân hoan tận hưởng phong vị ngày tết.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, Ths.Nguyễn Hiếu Tín cho rằng, việc tạo nên nhiều hoạt động vừa mang phong vị ngày tết, vừa phù hợp với thế hệ trẻ một cách rộng rãi, sẽ góp phần lan tỏa ý nghĩa của ngày tết thiết thực hơn, giúp người trẻ không "ngán" tết mỗi khi nghĩ tới. Riêng với tác giả, vào mỗi dịp tết, bên cạnh những hoạt động cùng gia đình, anh thường làm các công việc thiên về sở trường của mình như: viết báo tết, viết thư pháp biếu tặng, pha và thưởng trà ngày xuân, hay tĩnh lặng hơn, là dành thêm thời gian đọc sách.
Có thể nói, mỗi phong tục ngày tết là một thông điệp của quá khứ gửi đến hiện tại và định hướng tương lai, của tổ tiên gửi đến con cháu những mỹ tục, hàm chứa giá trị đạo đức, tạo nên nếp nhà, gia phong, cũng là góp phần vào dòng chảy văn hóa Việt xưa và nay. Có mới thì phải có cũ. Chính cái cũ là nền tảng của cái mới. Nhắc lại tập tục tết xưa để ý thức phát triển những sinh hoạt mới, để có thể ôn cố tri tân, dụng cổ suy kim và hòa điệu kim cổ giúp đời sống tinh thần thêm phong phú.
Cũng với suy nghĩ trên, Ths.Nguyễn Hiếu Tín đã chắt lọc và cho ra đời tập sách Phong vị tết, tâm hồn Việt, xoay quanh những phong tục, thú chơi, hương vị, phong khí ngày xuân, như góp phần nhỏ vào những hoạt động của ngày tết trong không khí rộn ràng đón chào năm mới.
Phong vị tết, tâm hồn Việt gồm 128 trang, khổ 18 x 26cm, in 4 màu trang nhã trên giấy couche, gồm những nội dung phong phú như câu đối tết, thú chơi mai, thư pháp ngày xuân, tranh tết, hương vị trà xuân, hương trầm ngày tết, thú chơi cờ, hoa kiểng, ngoạn thạch, ông Địa vui xuân… Tất cả đều được tác giả tìm về cội nguồn để khai thác và diễn giải, giúp bạn đọc hiểu hơn phong vị tết và cả tâm hồn của người Việt trong chiều sâu văn hóa.
Bình luận (0)