Phớt lờ chỉ đạo của Thủ tướng

12/09/2016 06:30 GMT+7

Đã gần nửa năm kể từ khi hiện tượng cá chết ở 4 tỉnh miền Trung do Formosa xả thải ra biển, không chỉ ở các địa phương này mà hầu hết người dân trên cả nước vẫn đang cảnh giác với cá. Thế nhưng "kiếp nạn" này chưa qua, dư luận lại đang hốt hoảng với siêu dự án thép có quy mô tương đương Formosa được quy hoạch ven biển Cà Ná (Ninh Thuận), vùng biển nổi tiếng của VN.
“Cá sẽ còn chết đến bao giờ?” là câu hỏi mà tất cả đều đặt ra khi các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao vẫn tiếp tục được cấp phép ở ngay thượng nguồn các dòng sông và ven bờ biển trên cả nước. Ngay lúc này, lãnh đạo và người dân Thanh Hóa đang kêu cứu Chính phủ về tình trạng cá nuôi lồng cũng như cá tự nhiên chết hàng loạt. Người dân ĐBSCL vẫn phấp phỏng chờ đợi quyết định cuối cùng về số phận dự án Nhà máy giấy Lee & Man "suýt" đi vào hoạt động ngay bên bờ sông Hậu, con sông cung cấp nước cho nhiều tỉnh thành trong vùng nông nghiệp lớn nhất của cả nước. Còn tại 4 tỉnh miền Trung, ảnh hưởng từ việc xả thải của Formosa vẫn đeo bám số phận các ngư dân. Họ khốn khổ vì cá ế và giá cá rớt thê thảm trong khi người dân quay lưng với món ăn truyền thống gắn bó bao đời. Trong bối cảnh này, một siêu dự án thép có công suất lớn nhất nước được quy hoạch ngay bên bờ biển Cà Ná (Ninh Thuận) khiến lòng người hoang mang tột độ.
Thứ nhất, đây đang là thời điểm nóng nhất về vấn đề môi trường. Liên quan đến việc này, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần khẳng định, không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng. Thế nhưng, trong hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016 mới đây, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đánh giá, việc triển khai dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen - Cà Ná sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành tỉnh Ninh Thuận, tạo hàng chục nghìn việc làm cho lao động địa phương và lân cận; thúc đẩy các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ như ăn uống, vận tải, lưu trú,... hứa hẹn thay đổi đáng kể kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận.
Nghĩa là việc cấp phép cho siêu dự án thép ở vùng biển Cà Ná hoàn toàn vì lợi ích kinh tế. Vậy cơ quan duyệt quy hoạch và địa phương cấp phép cho dự án này có "phớt lờ" chỉ đạo của Thủ tướng để đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng? Nói điều này là hoàn toàn có cơ sở bởi thực tế trên thế giới đã chứng minh rất rõ vấn đề ô nhiễm môi trường của ngành luyện thép. Các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu về thép đều khẳng định, ở đâu có thép là ở đó có ô nhiễm. Chẳng nói đâu xa, hiện tại chúng ta cũng đang phải trả giá rất đắt từ ngành luyện thép mà điển hình là hậu quả từ việc xả thải gây ra hiện tượng cá chết tại 4 tỉnh miền Trung của Formosa.
Thứ hai, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy hải sản có lẽ cũng phải tính lại bài toán kinh doanh. Sau vụ Formosa, nhiều doanh nghiệp kêu cứu vì không đủ nguyên liệu để làm hàng xuất khẩu. Châu Âu, Mỹ và một số đối tác nước ngoài đã lên tiếng cảnh báo về hiện tượng cá chết ở VN, từ đó kiểm tra khắt khe hơn khiến việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Phía bắc có Formosa đã khốn khổ, giờ không khéo ở phía nam có thêm Hoa Sen - Cà Ná đã và đang đe dọa sông, biển VN. Vì vậy, các hoạt động liên quan đến đánh bắt, sản xuất, chế biến trong lĩnh vực này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Nên nhớ, xuất khẩu thủy sản có giá trị rất lớn trong cơ cấu các ngành xuất khẩu của VN. Chưa nói đến sức khỏe người dân, chỉ tính thuần túy về kinh tế thì không thể bù đắp những giá trị mất của nền kinh tế khi xảy ra ô nhiễm môi trường.
Quan trọng hơn, nếu một siêu dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao vẫn được cấp phép ngay trong giai đoạn Chính phủ quyết liệt bảo vệ môi trường, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người dân và tạo tiền lệ cho các dự án khác tìm cách để được cấp phép và tồn tại.
Có gì đau đớn hơn khi người dân vùng biển quay lưng với cá?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.