Phủ Dầy lộn xộn ngay sau khi thờ Mẫu trở thành di sản

06/04/2017 09:37 GMT+7

Ngay trong thời điểm đón nhận danh hiệu Di sản văn hoá phi vật thể nhân loại tại khu di tích quốc gia Phủ Dầy đã diễn ra những lộn xộn, cho thấy việc bảo vệ di tích này còn nhiều việc phải làm.

Tối 2.4, tại quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy (xã Kim Thái, H.Vụ Bản, Nam Định), UNESCO đã trao bằng công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam và được đánh giá là khá long trọng.
Tuy nhiên, trong tối 2.4, rất nhiều người đã bày tỏ bức xúc với cách tổ chức của UBND tỉnh Nam Định. Ngay từ chập tối, lực lượng công an đã lập hàng rào sắt và chỉ cho những người có giấy mời của UBND tỉnh vào dự buổi lễ. Đến hơn 20 giờ, có hàng nghìn người tập trung phía ngoài hàng rào chen lấn, la ó đòi vào. Lúc này, người có giấy mời cũng khó vào dự lễ.
Có mặt tại đây, PV Thanh Niên chứng kiến mỗi khi có khách đến muộn, dòng người lại ào ào theo vào, tạo ra hình ảnh rất phản cảm. Tình trạng chen lấn, chờ đợi kéo dài đến hết buổi lễ. Anh Dương Hồng Hải, một du khách đến từ Hà Nội bức xúc: “Tôi đi cả trăm cây số về đây, đợi suốt từ tối không được vào dự. Tôi là dân thường, làm sao có giấy mời. Tỉnh Nam Định cư xử thế này thì làm sao quảng bá, phát huy được di sản”.
Anh Nguyễn Việt Linh (ngụ tại xã Kim Thái, H.Vụ Bản) cho biết: “Nhà tôi mấy đời ở đây, góp sức không ít trong việc bảo tồn di sản này. Vậy mà khi đón nhận, họ chỉ mời quan chức, gia đình thủ nhang đến dự”. Theo anh Linh, khu vực tổ chức lễ đón nhận rất rộng rãi, đủ chỗ cho tất cả người dân vào dự nhưng lại lập hàng rào, không cho cộng đồng chứng kiến là bất hợp lý.
Tận thu
Có mặt ở Phủ Dầy trước thời điểm đón nhận bằng công nhận của UNESCO, PV chứng kiến cảnh lộn xộn, bát nháo tại đây. Quần thể di tích kiến trúc lịch sử - văn hóa Phủ Dầy gồm 21 di tích thì ở cả 21 di tích đều có tình trạng hàng quán bày kín sân đền, phủ; hòm công đức đặt khắp nơi. Đặc biệt, việc thu phí giữ xe rất bừa bãi. Sáng 1.4, chúng tôi trả phí gửi xe ô tô ở đầu xã với giá 40.000 đồng và nhận biên lai thu tiền do UBND xã Kim Thái phát hành. Tuy nhiên, khi đưa xe vào phủ Tiên Hương, nhân viên trông xe tại đây tiếp tục yêu cầu nộp phí trông xe với giá 30.000 đồng. Chúng tôi thắc mắc thì được cho biết: “Đấy là tiền xã thu, còn gửi xe ở đền thì đền thu”.
Ngay ở đầu xã Kim Thái, UBND xã niêm yết bảng giá thu phí xe máy với mức 4.000/lượt nhưng tất cả các đền đều thu 10.000 đồng/lượt, mỗi đền có một loại vé riêng. Theo người dân địa phương, các dịch vụ hàng quán, trông giữ xe đều của người nhà thủ nhang đứng ra tổ chức. “Họ phân công nhau, mỗi người trong nhà, trong họ phụ trách một lĩnh vực, từ dịch vụ ăn uống, trông xe đến viết sớ, tế lễ, tận thu không sót khoản nào”, một người dân thông tin.
Đáng chú ý là tình trạng tự ý xây dựng, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, nguyên trạng của di tích Phủ Dầy vẫn xảy ra. Như Thanh Niên đã phản ánh, nhà đền đều dựng cột thép, lắp mái tôn trong khu thờ tự tại các đền, phủ để đón tiếp khách. Tại phủ chính Tiên Hương, ngoài một dãy nhà mái tôn xuyên suốt đền, thủ nhang còn xây nhà kiên cố, chia phòng để khách ăn nghỉ tại phủ. Tại Lăng Mẫu, nhà thờ cúng do thủ nhang tự ý xây dựng từ năm 2014 đã bị cơ quan chức năng nhiều lần yêu cầu phá bỏ nhưng chưa chấp hành…

tin liên quan

Tôn vinh di sản âm nhạc kết hợp du lịch
Chuỗi sự kiện Tôn vinh di sản âm nhạc VN sẽ ra mắt số đầu tiên lúc 19 giờ 30 ngày 31.3 tại rạp hát TP.Hội An (Quảng Nam) với mong muốn giới thiệu những vốn quý của âm nhạc VN tới du khách của thành phố di sản này.
Sẽ làm để bảo vệ di tích, di sản
Tình trạng lộn xộn ở Phủ Dầy đều do sự buông lỏng, thiếu quản lý, thậm chí là bất lực của chính quyền và các cơ quan chức năng. Năm 2008, UBND H.Vụ Bản thành lập một ban quản lý di tích nhưng không thành công vì bị các thủ nhang phản đối. Đầu năm 2015, UBND H.Vụ Bản tiếp tục ban hành đề án quản lý di tích Phủ Dầy. Tuy nhiên, đến nay, đề án này vẫn nằm trên giấy, hầu hết các đền, phủ đều không thực hiện các nội dung đề án như công khai tài chính thu chi, thực hiện báo cáo khi xây dựng, khai thác di tích… Nguyên nhân thất bại của đề án vẫn do bị một số thủ nhang phản đối, trong đó nổi bật là thủ nhang phủ chính Tiên Hương cho rằng “gia đình thủ nhang đã đầu tư vào di tích, di tích phải do gia đình thủ nhang quản lý”.
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Kỳ, Phó chủ tịch UBND H.Vụ Bản cho biết, huyện sẽ tiếp tục triển khai việc quản lý Phủ Dầy. Theo ông Kỳ, việc triển khai chưa thành công là do một số thủ nhang không đồng thuận vì lý do kinh tế. "Nhưng chúng tôi sẽ làm để bảo vệ di tích, di sản, không thể để ai muốn làm gì cũng được", ông Kỳ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.