Phụ huynh có con 'trực tuyến vào lớp 1': Lo lắng, bất an

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
26/08/2021 10:35 GMT+7

Phụ huynh và cả học sinh lớp 1 ở một số trường tư thục ở Hà Nội hụt hơi với thời khoá biểu dày đặc trực tuyến. Nhiều gia đình ở vùng dịch thì than khó vì nhà thì bố mẹ F0, nhà lo ăn chưa đủ...

Thời khoá biểu dồn dập ngay khi trẻ chưa quen với khái niệm “học”

Dù Bộ GD-ĐT nói cho trẻ lớp 1 tựu trường sớm 2 tuần học tập so với các lớp khác, nhằm tạo thuận lợi cho các em từ bậc mầm non chủ yếu là vui chơi, khi chuyển sang bậc học mới sẽ có thời gian làm quen nề nếp, trường lớp, chuẩn bị tâm thế để việc học tập chương trình mới được tốt nhất.
Tuy nhiên, trên thực tế thì sao?. Việc tựu trường trực tuyến đã là một thiệt thòi quá lớn với học sinh lớp 1 năm nay ở Hà Nội khi phải làm quen với cô giáo, bạn bè qua màn hình, chưa biết ngôi trường, lớp học của mình ra sao thì việc “làm quen”trực tuyến cũng được một số giáo viên làm chiếu lệ, cho có. Sau đó là bắt tay vào dạy học ngay theo chương trình đã định sẵn.
Một phụ huynh có con học lớp 1 tại một hệ thống giáo dục tư thục ở Hà Nội cho biết, các con bắt đầu “tựu trường” từ ngày 23.8, và ngay sau đó là học ngay theo thời khoá biểu chứ không hề có “làm quen” hay “chuẩn bị tâm thế” những 2 tuần như Bộ GD-ĐT nói.
Thời khoá biểu của học sinh lớp 1 được trường này xếp y hệt như học trực tiếp với 2 buổi/ngày, mỗi ngày 6-7 tiết học, khiến cả cha mẹ và các con hoa mắt chóng mặt.
Một bà mẹ chia sẻ: “Sau buổi sáng ngày thứ hai thì 95% phụ huynh trong group lớp mình phản hồi là: bố mẹ còn mệt, con chắc không được chữ nào; con uể oải không hiểu gì; con mình còn chưa nhớ tên môn... Hầu hết các mẹ đều ưu tiên con chỉ học 1 buổi, buổi còn lại tự ý cho con nghỉ, hoặc bỏ hết môn phụ".
“Mình mong muốn sau 1 tuần học, các phụ huynh sẽ cùng lên tiếng phản ánh với nhà trường, chứ tình trạng này, khổ con, khổ bố mẹ, phí phạm tài nguyên”, vị phụ huynh này nói.
Tuy nhiên, đáng nói đây không phải là tình trạng cá biệt của một vài trường. Những bức xúc của phụ huynh về lịch học trực tuyến dày đặc của học sinh lớp 1 được phản ánh trên khắp các diễn đàn dành cho phụ huynh có con vào lớp 1 năm nay ở các trường tư thục trên địa bàn TP.Hà Nội.

Thời khoá biểu học trực tuyến với lớp 1 khiến học sinh hụt hơi của một trường tư thục trên địa bàn Hà Nội

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Con khóc, mẹ cũng khóc...

Các cấp lãnh đạo từ Bộ đến sở, trường... đều cho rằng, việc học trực tuyến chỉ có thể thực hiện hiệu quả khi có sự kèm cặp, đồng hành của phụ huynh học sinh. 
Tuy nhiên, có phải phụ huynh nào cũng có khả năng kèm cặp con học như một “trợ giảng” của giáo viên khi con học trực tuyến hay không, thì không thấy cơ quan quản lý nhắc đến. Thực tế, nhiều phụ huynh cũng ở nhà mùa dịch và có thời gian dành cho con, nhưng không phải ai cũng có khả năng kèm cặp con như "giáo viên thứ hai" được.
Một phụ huynh kinh doanh ăn uống ở chợ nay nghỉ dịch ở nhà, có thời gian, nhưng chị cho biết sau tuần đầu tiên học trực tuyến thì cả con khóc, và mẹ cũng khóc.
Vị phụ huynh này kể, khi cô thiết kế các bài giảng với những yêu cầu đặt ra trên màn hình, con chưa đọc được, cô nói từ xa, bố mẹ nhắc lại nhưng có thể không hiểu về phương pháp hoặc hiểu sai ý cô, nên con không làm theo được. Nhiều lần lặp lại như thế dẫn tới cáu gắt, thậm chí đánh mắng, khiến con rất sợ học.
“Biết là hoàn cảnh khó khăn không ai mong muốn, nhưng tôi chỉ mong các thầy cô hiểu cho là không phải phụ huynh nào cũng có thể dạy con học được, dù kiến thức lớp 1 chả cao siêu gì đâu”, vị phụ huynh này chia sẻ.
Có phụ huynh còn nói vui: "Con học trực tuyến lớp 1 bố mẹ phải mua cái tủ lạnh thật to để lúc nào "điên" lên sẽ chui đầu vào tủ lạnh cho "hạ hoả", vì không có chuyên môn, giảng giải thế nào "nó" cũng không hiểu". 
Đó là chưa kể, ở vùng “tâm dịch” như TP.HCM thì không ít phụ huynh có con vào lớp 1 còn đang tham gia tuyến đầu chống dịch không có nhà; nhiều người là F0, F1 đang điều trị , cách ly tập trung…
Ngay cả giáo viên cũng hụt hơi với dạy trực tuyến cho học sinh mới “chân ướt chân ráo” vào lớp 1. Một giáo viên Trường tiểu học Đ.T.Đ, chia sẻ việc bắt đầu lớp 1 bằng hình thức trực tuyến là điều chưa từng có tiền lệ, khiến chính giáo viên cũng lúng túng.
Năm trước, theo giáo viên này, các con phải học trực tuyến khi đã qua học kỳ đầu tiên, cơ bản đã biết đọc, biết viết hết mà còn vất vả. Năm nay, ngay cả khái niệm “học” là như nào các con còn chưa hiểu, nên khi đưa ra các yêu cầu, các con rất khó đáp ứng. Một lúc lại có con xin đi vệ sinh, có con xin đi uống nước, thậm chí ngủ gật ngay trên bàn học khi bố mẹ không có ở bên, cô gọi mãi không trả lời.

Học sinh lớp 1 chưa biết chữ nhưng giáo viên lại giao yêu cầu bằng rất nhiều chữ

ẢNH: PHHS

Có hiểu hết nỗi khổ của người dân?

Việc đầu tư trang thiết bị cho con học trực tuyến cũng là nỗi khổ tâm của không ít gia đình. Các nhà trường đều khuyến cáo học sinh cần được học trên màn hình đủ lớn để dễ quan sát, cũng như tương tác tốt hơn. Nhiều phụ huynh chia sẻ, nhà có 2 con đi học, bố mẹ cũng làm việc trực tuyến nên phải cần tới 4 máy tính. Đây là mặt hàng không thiết yếu trong khi đang giãn cách xã hội, nên có tiền mua cũng không dễ.
Có phụ huynh khá nổi tiếng còn lên mạng xã hội “chia sẻ kinh nghiệm” con học trực tuyến lớp 1 thì nên mua thêm 1 chiếc máy in “để in phiếu bài tập cho con, đến khi làm bài tập về nhà thì có thể làm trên giấy, vì ngày học 6 tiết với máy tính là đã quá đủ mệt cho đôi mắt rồi. Mùa dịch như thế này các cửa hàng in đều đóng cửa nên có một chiếc máy in mini trong nhà là tiện nhất”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, kinh tế khó khăn thì việc sắm chiếc máy tính loại ít tiền nhất cho con học với nhiều gia đình ở nội thành cũng gặp khó, chứ chưa nói đến vùng nông thôn, miền núi.
Nhiều bạn đọc ở cả Hà Nội và TP.HCM đã gửi “tâm thư” qua những bình luận dưới bài viết về chủ đề dạy học trực tuyến lớp 1 trên Báo Thanh Niên.
Một bạn đọc bình luận: “Ngành GD- ĐT có hiểu hết nỗi khổ của người dân hay không? Học sinh lớp 1-lớp trẻ chưa biết gì- thì làm sao học trực tuyến , mà có học đi chăng nữa thì là nỗi lo của phụ huynh vì trong giai đoạn dịch bệnh này thì lấy đâu ra điện thoại thông minh hay là laptop (đối với những gia đình có điều kiện), còn đối với những gia đình nghèo, ở trọ, chạy bữa ăn hàng ngày còn chưa đủ, hay là những gia đình công nhân bị thất nghiệp 2-3 tháng nay tiền đâu mà mua sắm”.
Nhiều phụ huynh ở TP.HCM cũng cùng tâm tư khi gửi góp ý: “Đang dịch bệnh, nhiều gia đình còn đang lo mỗi ngày ăn uống làm sao mà tâm trí đâu lo đến việc theo con cho nó học, chưa kể đa phần gởi con ở quê trong dịch bệnh cho ngoại, nội thì máy tính đâu, rồi người lớn tuổi sao tiếp cận được, một số em có ba mẹ F0 cách ly thì sao, nhiều nơi đến giờ vẫn chưa có danh sách con em vào lớp 1 trường nào nữa kìa, Bộ GD-ĐT khi nhìn thì tổng quan toàn nước chứ đứng trên địa phương không có dịch bệnh mà ra quyết định, đẩy nhiều nơi vào thế khó”.
“Tôi có con chuẩn bị vào lớp 1, nhà ở Q.Tân Phú, chỉ được nghe nói là đầu tháng 9 học online 10 tuần. Chữ chưa đọc được, máy đào đâu ra khi phải giãn cách đến 15.9, không được ra đường, chưa biết học sách gì. Với tình hình dịch như hiện tại thì mong mỏi TP cho con em lớp 1 học trễ cũng được, khi nào ổn rồi học cũng chưa muộn, chậm mà chắc”, một phụ huynh khác chia sẻ.
Anh Văn Hậu, có con học lớp 1 ở trường công lập Q.Thanh Xuân (Hà Nội), cũng cho biết: "Đọc báo thì thấy nói Hà Nội dự kiến cho cả học sinh lớp 1 học trực tuyến sau khai giảng chứ giờ này tôi chưa nhận được thông tin nào từ phía nhà trường, cũng chưa thấy "họp bàn tìm giải pháp" với cha mẹ học sinh như các lãnh đạo nói; sách giáo khoa cũng mới nhận được vài cuốn, thiếu cả sách toán, tiếng Việt nên chưa biết học ra sao".
Anh Hậu nói cảm thấy “bất an” nếu con buộc phải học trực tuyến, và đề nghị “Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT không nên máy móc về chương trình với các cháu lớp 1, cứ để dịch được kiểm soát thì mới cho đến lớp; học muộn thì điều chỉnh giảm nội dung không cần thiết để học được cái gì chắc cái đó, an toàn, chất lượng thật là trên hết”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.