Dừng học trực tuyến lớp 1 là 'không nhắm mắt làm ngơ'

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
22/02/2021 20:04 GMT+7

Việc Hải Phòng quyết định dừng học trực tuyến với học sinh lớp 1 và lớp 2 nhận được đa số ý kiến đồng tình của dư luận. Không ít ý kiến cho rằng đây là quyết định thẳng thắn, vì chất lượng giáo dục ...

Không thể nhắm mắt cho qua

Sau quyết định dừng học trực tuyến với học sinh lớp 1, lớp 2, ông Vũ Văn Trà, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng, lý giải: thực tế dạy học trực tuyến trong mấy ngày qua đã phát sinh quá nhiều bất cập. Các cháu lớp 1 và lớp 2 còn quá bé để tự vận hành máy tính, thao tác kỹ thuật trong quá trình học với thầy cô giáo. Bố mẹ các cháu thì đi làm không thể ở nhà để cùng học. 
Do đó, theo ông Trà, ngành giáo dục Hải Phòng đã dừng dạy trực tuyến. Thay vào đó, Sở GD-ĐT Hải Phòng yêu cầu các cô giáo gửi chương trình, bài tập cho phụ huynh, rồi phụ huynh sẽ in ra giao cho các con làm. Các con làm xong phụ huynh lại gửi cho giáo viên.
Ngay đối với khối 3, 4 và 5 bậc tiểu học, ông Trà cho biết, Sở cũng yêu cầu hạn chế dạy trực tuyến, không áp dụng lịch học như trực tiếp. Giáo viên gửi chương trình học cho phụ huynh để giao cho các con làm. Giáo viên sẽ dạy trực tuyến vào một thời gian phù hợp trong ngày nhưng là để chữa bài tập, sửa bài cho học sinh mà không triển khai bài giảng mới.

Nỗi lòng người mẹ khi con học trực tuyến vì Covid-19: Đi đâu cũng “cắp” con theo

Quyết định này của ngành GD-ĐT Hải Phòng không chỉ nhận được sự đồng tình của phụ huynh học sinh địa phương này mà của số đông dư luận xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng: “Sở GD-ĐT Hải Phòng đã thằng thắn nhìn nhận chất lượng thực tế và khó khăn của việc học trực tuyến ở tiểu học nói chung, lớp 1 và lớp 2 nói riêng. Hướng khắc phục trong thời gian tạm dừng đến trường như vậy cũng phù hợp".
Cũng theo ông Khang, vẫn biết dạy học trực tuyến với học sinh ở khối lớp còn quá non nớt như lớp 1, lớp 2 chỉ là giải pháp tình thế nhưng cũng không thể yên tâm. Nếu quan điểm “có còn hơn không” thì nay mai trở lại trường chắc chắn từng giáo viên phải rà soát lại những gì đã dạy trực tuyến và tổ chức dạy bù một cách niệm túc để có chất lượng thật, “không thể nhắm mắt cho qua”.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, một phụ huynh có con học lớp 1 ở Hà Nội than thở: “Không biết ngành GD-ĐT Hà Nội nghĩ gì về quyết định của tỉnh bạn vì điều kiện dạy học hai thành phố là tương đương nhau. Hà Nội có xem xét lại yêu cầu bắt buộc học trực tuyến từ lớp 1 như thời gian qua hay không. Việc học rất hình thức, không hiệu quả, các con không tiếp thu được gì vì đây là lứa tuổi cần hướng dẫn trực tiếp từng nét bút, từng cách đánh vần chứ kiến thức thì không có gì nhiều”.
Nhiều phụ huynh có con học lớp 1, lớp 2 cho biết, thực sự cả bố mẹ và con phải “đánh vật” với việc học trực tuyến mỗi tối nhưng các con không tập trung nổi.

Những ai được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 tại Việt Nam?

Lo học rồi mà vẫn hổng kiến thức

Ông Quốc Anh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, nêu thực tế nếu việc dạy học trực tuyến với lớp 1 phải kéo dài thì đây là vấn đề cần phải rất quan tâm để tìm giải pháp phù hợp với lứa tuổi. “Năm ngoái, do dịch Covid-19 phải nghỉ kéo dài, dù đã học trực tuyến nhưng nhiều học sinh lớp 1 khi trở lại trường đã quên kỹ năng đọc, viết đã bước đầu làm quen trước đó”, ông Quốc Anh cho hay.
Một giáo viên có hàng chục năm dạy tiểu học ở Hà Nội cho biết nếu được lựa chọn, bà sẽ phối hợp với phụ huynh học sinh để gửi các nội dung ôn luyện các bài đã học cho các con, chủ yếu để các con rèn các kỹ năng đọc, viết đã bắt đầu quen sau học kỳ 1.
Còn nếu học nối tiếp chương trình như hiện nay thì vừa không có hiệu quả, vừa gây tâm lý chủ quan giữa cả giáo viên lẫn học sinh là nội dung đó đã dạy học rồi, khi trở lại trường chỉ ôn lại qua loa thì học sinh sẽ bị hổng kiến thức.
Tại cuộc hội nghị sơ kết học kỳ 1 của Giáo dục tiểu học mới đây, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết riêng với học sinh ở khối lớp 1, lớp 2 thì ưu tiên số một là đảm bảo những yếu tố cốt lõi nhất, mang tính chất công cụ để các em hoàn thành những nội dung căn bản, làm cơ sở để có thể tiếp tục học lên.
Học sinh lớp 1, lớp 2 còn quá nhỏ nên khi triển khai dạy học trực tuyến, giáo viên cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh. Ở bậc tiểu học, tùy theo các tình huống cụ thể, bên cạnh việc dạy học trực tuyến, các trường, giáo viên có thể linh hoạt kết hợp nhiều hình thức dạy học, hướng dẫn học ôn tập, tự học từ xa.

Nữ điều dưỡng dương tính Covid-19, Hải Phòng giãn cách xã hội theo khu vực

Trước đó, ông Thái Văn Tài cũng đã chia sẻ với PV Thanh Niên quan điểm của Bộ GD-ĐT là việc dạy học trực tuyến với lớp 1, lớp 2 không bắt buộc một cách đồng loạt mà phải làm sao duy trì được việc học có hiệu quả, tránh gây mệt mỏi, căng thẳng không cần thiết.
Ông Tài cũng khẳng định, Bộ GD-ĐT có đặt ra yêu cầu là khi học sinh đi học trở lại thì nhà trường phải đánh giá lại chất lượng học tập mà giáo viên và cơ sở giáo dục đó đã tổ chức triển khai trong thời gian nhà trường tạm đóng cửa vì dịch bệnh.
Điều này nhằm giúp giáo viên biết học sinh của mình đang hổng ở phần kiến thức nào để có biện pháp "bù" cho các con, đảm bảo kiến thức cốt lõi của chương trình. “Với học sinh lớp 1 thì yêu cầu đặt ra là không để học sinh lớp 1 lên lớp 2 mà chưa biết đọc, biết viết”, ông Tài nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.