Phụ huynh e dè với trường chất lượng cao

25/06/2015 09:56 GMT+7

Việc chuyển đổi một số trường công lập có mức học phí thấp sang mô hình trường chất lượng cao (CLC) với học phí vài ba triệu, trong khi chưa rõ mô hình đào tạo có bảo đảm chất lượng cao hay không, khiến nhiều trường được công nhận CLC khó khăn trong tuyển sinh.

Việc chuyển đổi một số trường công lập có mức học phí thấp sang mô hình trường chất lượng cao (CLC) với học phí vài ba triệu, trong khi chưa rõ mô hình đào tạo có bảo đảm chất lượng cao hay không, khiến nhiều trường được công nhận CLC khó khăn trong tuyển sinh.

Trường THCS Từ Liêm được đầu tư để hoạt động theo mô hình trường CLC
Trường THCS Từ Liêm được đầu tư để hoạt động theo mô hình trường CLC - Ảnh: Quý Hiên
Tại hội thảo về “Xây dựng và phát triển trường chất lượng cao Hà Nội giai đoạn 2013-2015” do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức sáng qua 24.6, các trường được công nhận CLC tỏ ra lo lắng khi việc giảm sút số học sinh vào trường khiến nguồn thu không bảo đảm để duy trì các điều kiện đáp ứng được mô hình trường CLC.
Năm học vừa qua, UBND TP.Hà Nội ra quyết định công nhận trường CLC trên địa bàn TP, trong đó có 2 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 1 trường THCS và 1 trường THPT; đồng thời, phê duyệt thí điểm trường CLC năm học 2014-2015 cho 11 trường.
Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ ra một trong những khó khăn gặp phải sau 1 năm thực hiện chuyển đổi mô hình trường CLC là sĩ số học sinh bị giảm sút, thấp hơn so với đề án đặt ra, do đây là mô hình mới chưa được nhân rộng, chưa có thời gian để khẳng định nên chưa tạo được sức hút với người học. Mặc dù, theo Sở GD-ĐT, mức thu hiện nay ở các trường CLC chỉ bằng 1/10 so với các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, nhưng việc tuyển sinh của các trường này đang rất khó khăn.
Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD-ĐT thông tin thêm: ngân sách đầu tư thêm để “biến” những trường công lập bình thường thành trường CLC (kể cả những trường thí điểm CLC) là khá lớn, như xây dựng mới Trường THCS Nam Từ Liêm 97 tỉ đồng; Trường tiểu học khu đô thị Sài Đồng được đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị với tổng kinh phí 40 tỉ đồng; Mẫu giáo Việt Triều 6,5 tỉ đồng…
Trường mầm non 20-10, Q.Hoàn Kiếm được công nhận là trường CLC và được phép thu học phí là 3,2 triệu đồng/học sinh/tháng từ năm học vừa qua. Vốn đang là một trường công lập luôn chịu áp lực tuyển sinh và quá tải sĩ số, nhưng sau khi thực hiện mức thu học phí trên, nhiều phụ huynh đã chuyển trường cho con. Theo đề án trường CLC, trường phải tuyển được 591 trẻ thì mới đủ thu chi nhưng năm vừa qua chỉ tuyển được 573 trẻ. Do vậy, số tiền học phí thực tế thu được bị giảm đi trên dưới 600 triệu đồng/năm.
Trường mầm non Mai Dịch, Q.Cầu Giấy cũng thực hiện thí điểm CLC và thu học phí 1,7 triệu đồng/học sinh/tháng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 2,519 tỉ đồng/năm. Tuy vậy, Hiệu trưởng trường này cho biết, phụ huynh vẫn bị phân tán tư tưởng vì bên cạnh mối lo tăng học phí, không rõ chất lượng đào tạo theo mô hình này thế nào.
Phải cho thấy CLC không chỉ là học phí cao
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, một trường được biết đến là khá thành công khi chuyển sang mô hình CLC, cho rằng: Lúc đầu chắc chắn sẽ khó khăn, phụ huynh nghi ngờ, có thể bỏ đi, nhưng việc của các trường là phải chứng minh đó là chất lượng cao thật chứ không phải chỉ thu học phí cao.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) Trần Thị Thắm cũng cho rằng: trường CLC không phải chỉ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất mà quan trọng hơn là phải có một chương trình giáo dục phù hợp và đội ngũ giáo viên đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, theo bà Thắm, mức thu học phí trường CLC nên linh hoạt theo từng địa bàn mà trường đóng.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nêu quan điểm: đã là trường CLC thì các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chuẩn đầu ra… phải đảm bảo chất lượng cao. Do vậy, không thể hôm nay ra quyết định, ngày mai một trường đã trở thành CLC ngay được. Để thực sự là trường CLC, phải là công sức, tâm huyết và trách nhiệm chắt chiu từng ngày của cả tập thể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.