Phụ huynh làm gì để không bị rơi vào tình huống 'thót tim' khi trẻ bị lạc?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
01/05/2022 17:31 GMT+7

Câu chuyện trẻ 2 tuổi bị lạc cha mẹ khóc hoảng loạn giữa 'biển người' xem pháo hoa đêm 30.4, một lần nữa cảnh báo tới các bậc phụ huynh mỗi lần đưa con đi chơi chốn đông người dịp lễ.

Trẻ lạc là do người lớn chủ quan

Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, đại diện một đội nghiệp vụ của Công an Q.1, TP.HCM, cho biết vào dịp lễ, phụ huynh thường hay dẫn con đi chơi nhiều chỗ đông người như nơi bắn pháo hoa, phố đi bộ, khu vui chơi giải trí… nên thường xuyên xảy ra tình huống trẻ bị lạc.

“Lực lượng công an phường, quận và cảnh sát giao thông mỗi lần phát hiện trẻ đứng một mình sẽ lập tức đến hỏi thăm. Nếu nhận định là trẻ bị lạc, chúng tôi thường đưa về trụ sở công an phường, sau đó thông báo tới tất cả các chốt trong thành phố về trường hợp có trẻ lạc để các chiến sĩ hỗ trợ tìm kiếm phụ huynh cho trẻ”, vị cán bộ này chia sẻ.

Cảnh sát giao thông TP.HCM đã giúp bé 2 tuổi tìm được người thân trong đêm 30.4

PC08

Trung tá Nguyễn Đào Minh Huy, Phòng PC02, Công an TP.HCM, cũng cho rằng, thông thường những nơi đông người đặc biệt là ngày lễ tết ở những khu vui chơi giải trí, nơi bắn pháo hoa, trẻ rất dễ bị lạc nếu phụ huynh không có sự lưu tâm.

“Lỗi chủ quan là của phụ huynh hoặc người dẫn trẻ, sau đó mới đến nguyên nhân do trẻ hiếu động, ham chơi. Để tránh bị thất lạc con, phụ huỵnh nên nắm tay con, cả nhà phải luôn đi bên cạnh nhau, cùng trò chuyện hoặc cùng vui chơi. Ba mẹ không nên mải bấm điện thoại hoặc mải nhìn ngắm xung quanh, vì những chỗ đông đúc chen lấn chỉ cần rời tay con là rất dễ bị lạc. Luôn dặn con nếu ba mẹ lỡ buông tay thì hãy nắm chặt lấy quần áo hoặc ôm chặt lấy chân ba mẹ”, trung tá Minh Huy đưa ra lời khuyên.

Đồng thời, trung tá Minh Huy lưu ý cha mẹ cần dạy con nếu bị đi lạc thì cần tìm đến những người có độ tin cậy cao như công an, bảo vệ… để nhờ giúp đỡ.

Các nguyên tắc khi đưa con đi chơi chỗ đông người

Thạc sĩ Nguyễn Công Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức (TP.HCM), cho rằng hệ lụy của các trường hợp trẻ em bị thất lạc ba mẹ không chỉ làm cho các thành viên trong gia đình lo lắng, hoang mang mà còn ảnh hưởng tác động tiêu cực đến tâm lý trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ như dễ làm cho các em trở nên hoảng loạn, lo sợ dẫn đến những sang chấn tâm lý nơi các em.

Vì vậy, thạc sĩ Bình khuyên: “Trước khi đi chơi hoặc tới chỗ đông người, cha mẹ cần thảo luận và thống nhất với các con về những quy tắc, luật lệ khi đi chơi như không tự ý đi lại, hoặc rời cha mẹ đến các điểm vui chơi mà chưa có sự đồng ý hoặc xin phép cha mẹ. Phụ huynh phải luôn theo dõi, chú ý để các con nằm trong tầm kiểm soát của mình. Nên chuẩn bị cho con những phụ kiện nổi bật để dễ nhận diện và tìm con khi gặp những trường hợp không mong muốn xảy ra”.

Bà Nguyễn Thị Minh Đăng, chuyên gia dạy kỹ năng sống và trí tuệ cảm xúc cho trẻ, Công ty Quản trị tinh thần Proself (TP.HCM), đặc biệt lưu ý phụ huynh cần trang bị tinh thần bình tĩnh, không hoảng loạn cho trẻ mỗi khi gặp sự cố, trong đó có vấn đề đi lạc.

“Muốn vậy phải cho con được trải nghiệm các tình huống như đi mua đồ một mình, đạp xe trên đường... tất nhiên vẫn phải có sự quan sát của ba mẹ, để tập cho con sự tự tin, cách xử lý tình huống. Nhất định phải cho con ghi nhớ những thông tin quan trọng như số điện thoại của ba mẹ, địa chỉ nhà để nếu đi lạc thì tìm đến công an hoặc bảo vệ nhờ giúp đỡ", bà Minh Đăng cho hay.

Nếu trẻ nhỏ hơn, khi đi chơi chỗ đông người, để tránh trẻ bị lạc, bà Minh Đăng cho rằng ba mẹ có thể chuẩn bị cho con đồng hồ định vị, hoặc một tờ giấy có ghi số điện thoại, thông tin của người thân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.