Phụ huynh tố nhà trường lạm thu, trường giải thích đóng góp tự nguyện

05/10/2022 10:22 GMT+7

Nhiều phụ huynh tại TT.Sa Thầy (H.Sa Thầy, Kon Tum ) phản ánh việc các trường học lạm thu nhiều khoản nằm ngoài quy định của Bộ GD-ĐT.

Một phụ huynh có con đang học Trường tiểu học Hùng Vương (TT.Sa Thầy), cho hay, trong cuộc họp phụ huynh vừa qua, giáo viên thông báo về nhiều khoản thu đầu năm học. Tổng các khoản thu là 1.247.000 đồng. Trong đó, có 3 khoản thu khiến anh bất ngờ đó là quỹ hội phụ huynh 150.000 đồng và xã hội hóa 300.000 đồng.

Trường tiểu học Hùng Vương

đức Nhật

Trước khi con nhập học, phụ huynh này cho biết anh đã tìm hiểu kỹ và nhận ra rằng 2 khoản thu trên không nằm trong quy định của Bộ GD-ĐT.

Ngay trong ngày họp phụ huynh đầu năm học, nhiều phụ huynh cũng đã không đồng ý với các khoản thu trên. Tuy nhiên, vài ngày sau đó, giáo viên vẫn lên danh sách các khoản thu và gửi về cho phụ huynh nộp tiền.

Một phụ huynh khác có con đang theo tại Trường tiểu học và THCS Lê Quý Đôn (TT.Sa Thầy) cho hay chị phải đóng nhiều khoản thu vô lý trong năm học mới. Cũng trong buổi họp phụ huynh đầu năm, chị được giáo viên chủ nhiệm thông báo nhiều khoản thu, gồm cả các khoản thu nằm ngoài quy định của Bộ GD-ĐT như quỹ hội phụ huynh 200.000 đồng, vận động tài trợ 200.000 đồng.

Nữ phụ huynh cho rằng khoản thu quỹ lớp 250.000 đồng, văn phòng phẩm (photo đề thi) 100.000 đồng, gửi xe 72.000 đồng đối với xe đạp và 144.000 đồng đối với xe máy, tiền phí vệ sinh 117.000 đồng là rất lớn so với đời sống người dân tại một huyện biên giới như Sa Thầy.

“Ở một huyện biên giới còn nhiều khó khăn như Sa Thầy thì các khoản thu như vận động tài trợ, quỹ hội phụ huynh trở thành nỗi lo của phụ huynh. Đối với gia đình khá giả thì không vấn đề gì, nhưng đối với gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đây là một gánh nặng”, nữ phụ huynh này nói.

Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Dương Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Vương, xác nhận có các khoản thu như phụ huynh phản ánh. Tuy nhiên, bà Hảo cho rằng các khoản thu đều dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Bên cạnh đó, các khoản thu không niêm yết giá cụ thể mà tùy vào đóng góp của phụ huynh.

Trường tiểu học và THCS Lê Quý Đôn

đức nhật

“Thực ra quỹ hội phụ huynh thực hiện theo thông tư 55 của Bộ GD-ĐT. Hình thức là tự nguyện chứ nhà trường không đặt ra số tiền cụ thể. Quỹ hội nhằm đóng góp xây dựng để chi khen thưởng cho học sinh, hỗ trợ các cháu thuê đồ để biểu diễn văn nghệ trong các lễ kỷ niệm. Nhà trường chỉ vận động phụ huynh nộp chứ không ép buộc, không nộp cũng được”, bà Hảo nói.

Ngoài ra, cũng theo bà Hảo, các lớp học thường bị mưa tạt vào lớp, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh. Do đó, nhà trường đã vận động xã hội hóa làm rèm che nắng, che mưa trước các phòng học. Cũng theo bà Hảo, hiện số tiền quỹ hội và xã hội hóa đã được giáo viên chủ nhiệm thu hộ cho hội phụ huynh. Hiện nhà trường vẫn chưa tổng hợp lại tổng số tiền phụ huynh đã nộp.

Ông Hồ Văn Nguyên, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Lê Quý Đôn, cũng xác nhận nhà trường có các khoản thu như phụ huynh phản ánh. Tuy nhiên, ông Nguyên khẳng định mọi khoản thu đều được sự đồng thuận của phụ huynh và dựa trên tinh thần tự nguyện.

“Nhà trường muốn làm cái gì thì đưa ra bàn bạc để thống nhất với phụ huynh, ví dụ như ai có công thì đóng góp công, ai có tiền thì đóng góp tiền, ai có vật liệu thì đóng góp vật liệu, chứ không ấn định thu bao nhiêu tiền cả”, ông Nguyên giải thích.

Theo ông Nguyên, hội phụ huynh đã có biên bản ủy quyền lại cho nhà trường thu hộ khoản quỹ hội phụ huynh. Quỹ hội phụ huynh sẽ có bộ quy chế hoạt động, kế hoạch hoạt động thể hiện rõ những nội dung chi, mức chi và do hội phụ huynh đưa ra, trong đó có một phần trích ra để khen thưởng học sinh.

Cũng theo ông Nguyên, hiện trường đang thiếu sân chơi, do đó đã vận động xã hội hóa để sắp tới xây dựng sân chơi, bãi tập riêng cho học sinh.

Bà Võ Thị Kim Dung, Trưởng phòng GD-ĐT H.Sa Thầy, cho biết, vào đầu năm học, các trường đã trình kế hoạch các khoản thu và được phòng phê duyệt. Tuy nhiên, các khoản thu xã hội hóa, quỹ hội phụ huynh mà nhà trường trình lên đều dựa trên sự tự nguyện của phụ huynh và không niêm yết giá tiền cụ thể.

Trước phản ảnh của các phụ huynh, bà Dung cho biết phòng sẽ làm việc với các trường để tìm hiểu cụ thể, nếu có trường hợp lạm thu sẽ yêu cầu tạm dừng và xử lý nghiêm.

Vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum đã phân bổ hơn 1.000 tấn gạo cho các trường học để hỗ trợ gần 48.000 học sinh trong 5 tháng học kỳ 1, năm học 2022-2023. Trong đó, học sinh tại H.Sa Thầy được 72 tấn gạo. Việc phân bổ gạo cho học sinh H.Sa Thầy cho thấy đời sống người dân ở huyện biên giới này còn rất nhiều khó khăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.