Phụ huynh Trường quốc tế AISVN đề nghị tiếp quản, điều hành trường, luật sư nói gì?

Bích Thanh
Bích Thanh
22/03/2024 15:31 GMT+7

Trước thông tin phụ huynh Trường quốc tế AISVN đề nghị tiếp quản, điều hành trường sau những bất ổn liên quan đến trường này từ tháng 9.2023 đến nay, Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay vượt quá thẩm quyền chuyên môn.

Phụ huynh Trường quốc tế AISVN đề nghị tiếp quản, điều hành trường, luật sư nói gì?- Ảnh 1.

Phụ huynh học sinh Trường quốc tế AISVN đề nghị được tiếp quản và điều hành trường

B.T

Trong buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế, xã hội do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức vào chiều qua, 21.3, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, trong buổi sáng cùng ngày, khi tiếp xúc, một nhóm phụ huynh học sinh Trường quốc tế AISVN đề nghị được tiếp quản và điều hành trường này. Lãnh đạo Sở GD-ĐT đã cho biết đây là điều vượt quá thẩm quyền vì Sở chỉ đảm bảo quyền lợi dạy và học của học sinh.

Trước đề nghị của nhóm phụ huynh học sinh Trường quốc tế AISVN cũng như trả lời của Sở GD-ĐT về thẩm quyền chuyên môn, phóng viên Báo Thanh Niên đã trao đổi với luật sư Nguyễn Thành Huân (Đoàn luật sư TP.HCM, Giám đốc Công ty Luật 11) xung quanh tình huống này và đặt vấn đề liệu phụ huynh có thể tiếp quản và điều hành Trường quốc tế AISVN hay không.

Vụ việc Trường quốc tế Mỹ Việt Nam: ‘Phụ huynh muốn tiếp quản, điều hành'

Không thể tiếp quản và điều hành nhà trường như tiếp quản doanh nghiệp 

Luật sư Nguyễn Thành Huân cho biết: Trường học được thành lập trước hết để thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Trong Quyết định số 432/QĐ-UBND về cho phép thành lập Trường AISVN cũng nêu rõ nhiệm vụ này.

Để đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ giáo dục, khi thành lập phải có đề án và nhiều điều kiện đặc thù quy định cụ thể tại Điều 49 luật Giáo dục 2019. Theo đó, ngoài điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính, chương trình, giáo trình thì còn bắt buộc phải có điều kiện về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn. Nên tiếp quản và điều hành nhà trường với nhiệm vụ giáo dục sẽ không giống như tiếp quản và điều hành doanh nghiệp với mục tiêu lợi nhuận.

Khi nhà trường gặp vấn đề khó khăn tài chính và nợ cả tiền vay từ phụ huynh thì phụ huynh cũng không thể tiếp quản và điều hành nhà trường như tiếp quản doanh nghiệp với vai trò chủ nợ. Luật Giáo dục xác định rõ vai trò quản lý của nhà nước trong trường hợp này.

Phụ huynh Trường quốc tế AISVN đề nghị tiếp quản, điều hành trường, luật sư nói gì?- Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Thành Huân, Đoàn luật sư TP.HCM, Giám đốc Công ty Luật 11

B.T

Với thực tế đang diễn ra tại Trường quốc tế AISVN, khi không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 điều 49 và điều 50 luật Giáo dục thì nhà trường sẽ bị đình chỉ hoạt động giáo dục. Trong quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục với nhà trường, phải xác định rõ lý do đình chỉ, thời hạn đình chỉ, biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người học, người lao động trong nhà trường và phải công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Nếu không khắc phục được, trường phải chịu giải thể

Nếu hết thời hạn đình chỉ hoạt động giáo dục mà vẫn không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ, thì trường phải chịu giải thể. Quyết  định giải thể nhà trường phải xác định rõ lý do, biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người học, người lao động trong nhà trường và phải được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Sở GD-ĐT có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho UBND thành phố trong việc ban hành các quyết định hành chính này.

Như vậy, có thể thấy pháp luật không cấm các tổ chức, đơn vị kinh doanh giáo dục huy động vốn để tận dụng tối đa nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục. Nhưng cũng quy định nhiệm vụ phải gánh vác của cơ quan chức năng quản lý để đảm bảo mục tiêu giáo dục.

Như vậy, trả lời cho câu hỏi "Phụ huynh có thể tiếp quản và điều hành Trường quốc tế AISVN hay không?", từ những phân tích ở trên, luật sư Nguyễn Thành Huân, khẳng định pháp luật không cho phép phụ huynh, chủ nợ tiếp quản và điều hành nhà trường. Quan hệ vay mượn, huy động vốn hay nộp học phí trước giữa phụ huynh và nhà trường sẽ được tách riêng ra để xử lý theo pháp luật dân sự, thương mại hoặc có thể là hình sự tùy tính chất sự việc.

Đề cập đến quy định về việc thu học phí, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết khoản 1, điều 12 của Nghị định 81 có quy định rất rõ, học phí phải được thu định kỳ hàng tháng. Nếu người học tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học.

Đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông thì học phí được thu tối đa 9 tháng/năm. Còn đối với cơ sở giáo dục thường xuyên, đào tạo thường xuyên và các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, học phí được thu theo số tháng thực học.

Vào mỗi đầu năm học, Sở GD-ĐT TP.HCM đều có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục bao gồm công lập, ngoài công lập thực hiện quy định về thu học phí.

Bên cạnh đó, bà Châu nói, những trường quốc tế đã hoạt động nhiều năm, như Trường AISVN thành lập từ năm 2006, sẽ biết những quy định này.

Còn với những hình thức ký kết "hợp đồng đồng hành", "hợp đồng có hoàn lại"… giữa phụ huynh và nhà trường, lãnh đạo Sở cho biết sở đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng, các cơ quan pháp luật, hướng dẫn phụ huynh thực hiện quyền của mình tại tòa theo luật Dân sự.

Tuy nhiên, bà Mỵ Châu nói thêm, TP.HCM là địa phương nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư giáo dục, với hàng ngàn cơ sở giáo dục tư thục từ mầm non cho đến THPT cho nên các vấn đề pháp lý luôn được quan tâm. Chính vì vậy, Sở GD-ĐT đang đề xuất UBND TP.HCM ban hành quy chế phối hợp, giúp Sở GD-ĐT cùng với các sở, ngành có thể rà soát định kỳ, qua đó đảm bảo các nhà đầu tư giáo dục phải thực hiện theo đúng luật Doanh nghiệp và luật Đầu tư.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.