Phú sinh ra ở Gia Lai. 11 tuổi, đang học dở lớp 5, Phú phải nghỉ học, theo mẹ vào TP.HCM lang thang bán vé số, mẹ bán phố bên này, Phú bán dãy phố bên kia, tối về ngủ nhờ một nhà đại lý. Có những ngày bị cướp nguyên xấp vé số, hai mẹ con ôm nhau khóc. Thấy tương lai của cả mẹ và con mờ mịt, mẹ đưa Phú về nhà một người dì ở Quy Nhơn (Bình Định) để đi học trở lại, mẹ vẫn làm ở Sài Gòn. Bi kịch lớn nhất ập đến Phú vào năm anh 16 tuổi, đang học lớp 10 tại Trường Quốc học Quy Nhơn. Phú vào TP.HCM thăm mẹ, khi hai mẹ con đi qua đường trên cầu Tham Lương, Q.12 thì bị xe tông, Phú chỉ bị xây xước nhẹ, còn mẹ qua đời sau đó một tuần lễ.
Phú đưa mẹ đi hỏa táng và gửi tro cốt trong một ngôi chùa ở Q.Gò Vấp, cuộc sống bơ vơ, khó khăn muôn trùng với một cậu con trai 16 tuổi không còn cha mẹ trên đời. Phú vừa đi học vừa làm đủ nghề như rửa chén trong quán bún, phục vụ trong quán karaoke, dù vất vả nhưng Phú luôn là học sinh khá giỏi và liên tục giữ vai trò bí thư, lớp trưởng.
tin liên quan
Nghị lực mùa thi: Ước mơ của nữ sinh mồ côi chaHiện Phú đang khởi nghiệp với ngành dịch vụ tiệc cưới, trước đó anh từng kinh doanh thời trang online. Từ một người làm thuê kiếm vài chục ngàn đồng mỗi ngày thời sinh viên, Phú đang làm chủ đội ngũ nhân viên hơn 15 người, đều là những học sinh, sinh viên từng gặp khó khăn như Phú ngày xưa. Niềm đam mê các công việc liên quan nghệ thuật đã có sẵn, Phú lên mạng tự dịch tài liệu nước ngoài để có những cách trang trí đám cưới bằng hoa tươi, bó hoa cưới... mới mẻ, hiện đại nhất. Trong mỗi đám cưới đều thấy Phú lặng lẽ đứng một góc của khán phòng, nhìn xem chiếc váy cô dâu đã xinh chưa, bài trí bàn tiệc liệu đã chỉn chu. Tiệc tàn, Phú mới ra về, khi biết việc trọng đại đã kết thúc êm đẹp.
Phú từng rất thích các ngành nghệ thuật nhưng đã không dũng cảm để theo đuổi ngay từ đầu. Anh bảo, nếu được nói với những bạn trẻ đang băn khoăn trước ngưỡng cửa tương lai, anh sẽ khuyên họ đi theo niềm đam mê, để được cảm nhận hạnh phúc mỗi ngày.
Bình luận (0)