Cách đây khoảng một trăm năm, phụ nữ lấy bao nhiêu chồng cũng được pháp luật công nhận. Do vậy, hồi đó hoàn toàn không có khái niệm vợ bé, mà chỉ có chồng bé, chồng nhỏ, chồng út, chồng chót hay chồng áp chót.
Nói chung, phụ nữ thời ấy vô cùng tham lam và tàn bạo. Thay chồng như thay áo, và rất thực dụng trong hôn nhân. Hôm qua cần sửa nhà, họ lấy ông thợ mộc, ngày mai cần khám bệnh, họ cưới ông bác sĩ, ngày mốt cần mặc đẹp, họ cưới nhà tạo mẫu. Và khi nào cãi nhau với hàng xóm, họ cưới luôn một anh xã hội đen.
Số phận của đàn ông lúc đó vô cùng thảm thương. Họ bị sai bảo, bị bỏ đói, bị đánh đập, thậm chí bị mua bán đổi chác. Báo chí hồi đó phẫn nộ lên án, có bà chỉ vì muốn mua một cái váy đầm đã bán hai ông chồng, hoặc có cô chỉ muốn tắm cũng sai chồng đi mười cây số gánh nước.
Tức nước vỡ bờ, ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh. Đàn ông thời đó đã nhiều lần hoặc âm thầm, hoặc công khai khởi nghĩa. Nhưng do thiếu tổ chức, thiếu dũng cảm và thiếu kinh phí, hầu như mọi kháng cự đều bị phụ nữ dập tắt hoặc đàn áp dã man. Nhiều ông chồng bị tù đày hoặc bị ngược đãi chỉ vì không chịu rửa bát, quét nhà hoặc lau chùi bàn ghế.
Sau bao nhiêu lần thất bại, chịu nhiều hy sinh mất mát, đàn ông hiểu ra không thể và không nên đấu tranh vũ trang, con đường duy nhất muốn giành tự do (tự do có nghĩa là một vợ một chồng chứ không phải tự do tuyệt đối) là đấu tranh hợp pháp, thông qua kiện tụng.
Tất cả đàn ông ở châu Phi (châu Phi thì đàn ông cũng như sư tử đều không biết sợ, khác với châu Á hoặc châu u) bèn cùng nhau thảo một lá đơn, nộp lên một quan tòa, xin phép chỉ phải làm chồng của một cô gái mà thôi.
Đơn dài ba ngàn hai trăm trang, gửi rất nhiều lần nhưng đều bị bác. Lý do rất đơn giản: quan tòa khi ấy là phụ nữ. Mà chả riêng quan tòa, hồi đó mọi chức vụ chủ chốt đều do phụ nữ nắm giữ. Đàn ông cao nhất chỉ làm đến chức phó phòng.
Cứ như vậy, hết năm này qua năm khác, hết đơn này tới đơn khác, đàn ông tưởng như tuyệt vọng. Họ nghĩ suốt đời sẽ bị phụ nữ cưới làm nô lệ.
Cho tới một ngày, bất ngờ nữ quan tòa đi vắng. Ngày nay, nếu như giám đốc đi vắng thì mọi việc khép lại nhưng ngày xưa không thế. Các bà đi chơi thì chồng phải làm thay, từ nấu cơm, giặt giũ cho tới tắm cho con và... xử án.
Ông chánh án thay vợ xem xét lá đơn. Là đàn ông nên rất hiểu vấn đề, đọc lá đơn đến đâu, nước mắt ông tuôn rơi đến đó. Sao mà những người anh em cùng giới tủi nhục thế, khổ thế.
Ông bèn vội vã lấy bút phê vào lá đơn: Bãi bỏ chế độ một vợ lấy vô vàn chồng. Từ nay, mỗi cô chỉ được lấy ba anh. Ký tên. Đóng dấu.
Lá đơn được công bố như một tiếng sét. Đàn ông ôm nhau nhảy múa hoặc vỗ tay reo hò, còn đàn bà thì tức tối, la ó phản đối. Nhưng dù sao thì tòa đã phán. Và ý thức tôn trọng tòa ở châu Phi rất cao.
Với phụ nữ ngày nay, lấy một anh cũng là quá mệt, nhưng hồi đó, ba anh chả thấm tháp gì.
Phụ nữ xúm nhau vào xem xét lá đơn, và nghiên cứu kỹ chữ viết của quan tòa.
Quan tòa viết lấy ba chồng, tức là số 3. Nhưng do vừa viết vừa nghĩ đến cảnh vợ về bắt gặp nên ông rất run tay, số 3 nhìn quá giống số 8 do hai cái móc quá gần nhau. Các bà reo ầm lên, nói rằng căn cứ vào văn bản, được cưới tám chồng chứ đâu phải ba. Hai phe cãi nhau kịch liệt. Một bên nói 3 đúng, một bên nói 8 đúng. Trong khi tranh cãi, đã xử cho phụ nữ được lợi.
Thế là 8.3 ra đời từ hôm ấy!
Lê Hoàng
Bình luận (0)