Vào mùa nóng bức này, chỉ cần xuống phà vượt qua sông Cửa Tiểu, đặt chân lên bờ cù lao Lợi Quan (ấp Lý Quàn 2, xã Phú Đông, H.Tân Phú Đông, Tiền Giang) là thấy ngay quang cảnh khô cằn, héo úa của cây cỏ vì thiếu nước. Là một vùng quê nghèo, bao năm nay người dân nơi đây không chỉ chạy lo cái ăn mà còn thiếu cả nước sinh hoạt, nhất là vào mùa khô.
Hồ chứa nước sạch ở cồn Lợi Quan
|
Trước khó khăn đó, chị Lê Thị Tho, Chi hội trưởng phụ nữ ấp đã đề xuất Hội LHPN xã cho phép vận động thành lập “Tổ phụ nữ giúp nhau xây hồ chứa nước” với 12 thành viên ban đầu. Rồi hằng tháng, mỗi người trong tổ góp 240.000 đồng để giúp cho một người xây hồ chứa nước. Cứ như thế xoay vòng và cuối cùng thì nhà nào trong tổ cũng có một cái hồ 3 m3 dùng để chứa nước mưa. Trong thời gian xây hồ, chị Tho đã tới cửa hàng vật liệu xây dựng vận động bán vật tư xây hồ đồng loạt và góp vốn trả hằng tháng không tính lãi. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian không lâu, ấp Lý Quàn 2 đã phát triển thêm 3 tổ phụ nữ giúp nhau xây hồ chứa nước với 43 thành viên và hoạt động xoay vòng. Kết quả là đến nay, toàn ấp đã có hàng trăm cái hồ chứa nước mưa, giải quyết được nhu cầu bức xúc về nước sinh hoạt của người dân trong mùa nắng hạn.
Từ mô hình của ấp Lý Quàn 2, phong trào góp vốn xây hồ chứa nước đã được nhân rộng ra trong toàn xã Phú Đông. Chị Lê Thị Gừng (ấp Lý Quàn 2) phấn khởi: “Nhà nghèo, cùng lúc làm sao có đủ hơn 2 triệu đồng để mua vật liệu và trả tiền công xây hồ. Nhờ sáng kiến của chi hội phụ nữ, chỉ cần mỗi ngày tiết kiệm 8.000 đồng để dành góp vốn hằng tháng mà bây giờ nhà nào cũng có được cái hồ để chứa nước xài”. Còn chị Nguyễn Thị Chi (ấp Lý Quàn 2) thì cho biết: “Từ khi nhà có hồ, việc xài nước của gia đình tôi thoải mái hơn, không quá dè xẻn, tiết kiệm như trước. Với dân nông thôn chúng tôi, tiết kiệm được (tiền mua nước ngọt) hàng trăm ngàn đồng mỗi tháng là mừng lắm”.
Chị Trần Thị Thúy Huỳnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Đông, khẳng định: “Những cái hồ chứa nước sạch mà hội vận động xây trong 3 năm qua không chỉ giúp giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho mỗi gia đình mà còn góp phần tiết kiệm chi phí trong sinh hoạt hằng ngày. Có nước sạch, chị em phụ nữ và trẻ em còn giảm được bệnh tật. Đây cũng là một trong những tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.
Bình luận (0)