Phụ nữ khỏe đẹp nhờ estrogen

14/06/2018 08:08 GMT+7

Bạn lúc nào cũng thấy mệt mỏi, tính khí thất thường, nóng trong người và kinh nguyệt không đều? Đây có thể là do sự biến động về nồng độ hormone nữ estrogen trong cơ thể.

Tại sao estrogen quan trọng?
Estrogen là nội tiết tố nữ được tiết ra từ buồng trứng, một hormone quan trọng trong cơ thể phụ nữ. Ngoài việc điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, estrogen còn cần thiết trong hoạt động của hệ tim mạch, đường tiết niệu, cải thiện sức khỏe xương, da và tóc... Nồng độ estrogen của phụ nữ biến động sẽ dẫn đến rối loạn trong quá trình trao đổi chất của cơ thể. Vì vậy, mất cân bằng estrogen còn dẫn đến mau lão hóa.
Các triệu chứng của sự mất cân bằng estrogen: cơ thể lúc nào cũng nóng bừng, thay đổi tâm trạng, tăng cân, kinh nguyệt thất thường, mệt mỏi, đau đầu thường xuyên, giảm ham muốn tình dục, đổ mồ hôi nhiều, đau khớp, khó tập trung, khô âm đạo, rối loạn trí nhớ, da khô, rụng tóc.
Vậy làm thế nào để duy trì mức độ estrogen khỏe mạnh thông qua chế độ ăn uống?
Estrogen có thể gây ra tác dụng phụ nếu ở hàm lượng thấp vì nó ảnh hưởng đến chức năng tình dục và quá trình trao đổi chất. Theo trang tin healthline.com, estrogen cần thiết để ngăn ngừa hội chứng tiền mãn kinh cũng như giúp cải thiện mức cholesterol và sức khỏe của xương.
Để bổ sung đủ estrogen, bạn cần nạp ít nhất 30 - 50 mg thức ăn giàu estrogen hằng ngày. Khi đó, bạn sẽ không phải trải qua giai đoạn mãn kinh khó chịu.
Thực phẩm giàu estrogen
Hạt lanh là nguồn giàu estrogen và đứng đầu danh sách các loại thực phẩm có chứa phytoestrogen (một nhóm các hợp chất tự nhiên có trong nhiều loại thực vật có tác dụng tương tự estrogen). Khoảng 100 gr hạt lanh chứa 379.380 mcg (microgram) phytoestrogen. Ngoài estrogen, hạt lanh còn là nguồn giàu chất xơ và a xít béo omega-3. Hạt lanh có thể được nghiền thành bột và rắc lên ngũ cốc, sữa chua hoặc có thể thêm vào bánh trước khi nướng.
Đậu nành dồi dào estrogen vì chứa phytoestrogen và isoflavone có ảnh hưởng đến sự trao đổi chất estrogen trong cơ thể. Khoảng 100 gr đậu nành chứa 103.920 mcg phytoestrogen và 24 mg isoflavone. Sữa đậu nành cũng giàu phytoestrogen, giúp giảm những triệu chứng đi kèm với các vấn đề kinh nguyệt như chuột rút, đau thắt ngực. Ngoài ra, sữa chua từ đậu nành và đậu phụ cũng là nguồn cung cấp phytoestrogen tốt.
Mọi loại hạt đều là nguồn phong phú phytoestrogen. Hạt cười, quả óc chó và đậu phộng là nguồn tốt nhất. Ngoài phytoestrogen, các loại hạt còn chứa nhiều protein, a xít béo omega-3 và những dưỡng chất thiết yếu khác.
Trái cây khô, đặc biệt là chà là, mơ và mận rất giàu phytoestrogen, chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Hạt mè (vừng) có hàm lượng lignans cao, một loại hormone giúp cân bằng lượng estrogen trong cơ thể phụ nữ. Đây còn là nguồn phong phú chất xơ, vitamin và khoáng chất. Khoảng 30 gr hạt mè chứa 11,2 mg lignans và 8.008,1 mcg phytoestrogen.
Ăn rau mầm giúp tăng lượng estrogen trong cơ thể. Rau mầm chứa ít carbohydrate và calo song lại giàu các chất dinh dưỡng thiết yếu như phytoestrogen, chất sắt, folate, chất xơ và vitamin B phức tạp.
Đậu xanh có hàm lượng calo thấp và giàu chất dinh dưỡng. Chúng cũng là một nguồn chất sắt tuyệt vời giúp cải thiện khả năng sinh sản ở phụ nữ.
Quả đào chứa nhiều phytoestrogen và cũng cung cấp một số chất dinh dưỡng thiết yếu. Ăn quả đào còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư.
Ăn dâu tây giúp bổ sung đáng kể estrogen cho cơ thể. Không chỉ là nguồn dồi dào phytoestrogen, dâu tây còn đem lại nhiều lợi ích sức khỏe như làm cho da, tóc khỏe mạnh, mức năng lượng cao và giảm nguy cơ béo phì.
Đậu trắng giàu phytoestrogen, chất xơ, folate và canxi có tác dụng cân bằng lượng estrogen trong cơ thể.
Ngũ cốc nguyên hạt, lúa mì, lúa mạch, yến mạch cũng chứa phytoestrogen tốt cho sức khỏe. Tất cả các sản phẩm từ sữa bao gồm phô mai đều giàu phytoestrogen.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy những phụ nữ uống ít nhất hai tách cà phê mỗi ngày được cho là có nồng độ estrogen cao hơn so với những người không uống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.