|
>> ‘Phù thủy’ ngân hàng (kỳ 1)
Như thực ra chỉ là một phụ nữ sinh năm 1978 gốc Tiền Giang chân yếu tay mềm, giữ một cương vị cũng rất khiêm tốn tại Vietinbank là quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ chi nhánh TP.HCM. Nhưng Như biết cách “đi dây” và hút được không chỉ nguồn tiền “chính quy” mà cả tín dụng đen của thế giới ngầm Sài Gòn. Có lẽ chính vì vậy mà cũng chưa bao giờ trong một vụ án kinh tế, trước khi cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động tố tụng lại nhận được nhiều đơn tố cáo như trong vụ án này.
Lãi trong lãi ngoài
Cơ quan điều tra xác định, từ đầu năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như lúc đó là cán bộ tín dụng Vietinbank chi nhánh TP.HCM đã “mắc kẹt” hơn 200 tỉ đồng huy động của nhiều ngân hàng và cá nhân trong đám băng bất động sản. Cầm cự đến năm 2010, khi được bổ nhiệm làm quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, nắm quyền ký duyệt lệnh chuyển tiền với hạn mức mỗi lệnh 50 tỉ đồng, Như bắt đầu lao vào những cuộc săn tiền lớn.
Từ nguồn tin của một cò chứng khoán, biết được Công ty CP vận tải dầu khí Thái Bình Dương (Công ty Thái Bình Dương) có một nguồn tiền muốn gửi ngân hàng, Như lập tức gõ cửa để huy động nguồn này về Vietinbank chi nhánh TP.HCM. Được chủ nguồn tiền đồng ý, Như soạn thảo hợp đồng, đóng dấu thật, nhưng giả chữ ký của bà Hương, Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM, để ký với Công ty Thái Bình Dương. Theo đó, số tiền gửi là 118 tỉ đồng, lãi suất “bên trong” theo hợp đồng là 10,49%/năm, bên ngoài là 1%/năm. Nhưng tiền này không về Vietinbank chi nhánh TP.HCM mà về thẳng tài khoản Công ty Hoàng Khải của Như tại Eximbank. Đến tháng 6.2010, Như mới chuyển trả lại tài khoản của Công ty Thái Bình Dương tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM 118 tỉ đồng tiền gốc và hơn 3,4 tỉ đồng tiền lãi. Trong khi đó, từ tháng 3.2010, Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Thái Bình Dương lại chủ động gọi Như gửi thêm tiền. Sợ bị lộ việc giả mạo chữ ký lần trước, Như đề nghị gửi tiền về Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Ông Tuấn đồng ý nhưng đòi tăng tiền lãi ngoài, Như chấp nhận. Từ ngày 4.3.2010 đến 21.6.2011, Như làm giả 15 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa Vietinbank chi nhánh Nhà Bè với Công ty Thái Bình Dương, huy động tổng cộng gần 1.500 tỉ đồng từ công ty này với lãi suất theo hợp đồng từ 10,49%/năm đến 14%/năm, bên ngoài từ 1 đến 4%/năm.
Sau khi bị bắt, Như khai trong quá trình huy động tiền của Công ty Thái Bình Dương, đã trả “lãi riêng” cho Tổng giám đốc Phạm Anh Tuấn hơn 121 tỉ đồng; trả cho nhân viên môi giới 4 tỉ đồng. Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố ông Phạm Anh Tuấn về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Riêng nhân viên môi giới trong phi vụ này chỉ thừa nhận được Như trả hơn 1,26 tỉ đồng và đã nộp lại khắc phục hậu quả.
Săn “hàng sỉ”
Tháng 5.2010, thông qua một nhân viên công ty chứng khoán, Như biết Công ty CP chứng khoán Saigonbank-Berjaya (SBBS) có nguồn tiền muốn gửi vào Vietinbank chi nhánh TP.HCM với lãi suất theo hợp đồng 14%/năm và lãi ngoài từ 16 đến 18%/năm, tổng cộng từ 32 đến 36%/năm. Không để vuột nguồn tiền này, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng từ ngày 18.5.2011 đến 31.8.2011, Như đã làm giả 14 hợp đồng ủy thác đầu tư giữa SBBS với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, ký giả chữ ký của Hà Anh Tuấn, Giám đốc và Võ Anh Tuấn, Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để huy động 245 tỉ đồng (nhưng thực tế SBBS chỉ chuyển 225 tỉ đồng). Để rút số tiền này, Như yêu cầu SBBS mở tài khoản tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM, khi tiền vào thì Như làm giả lệnh chi chuyển đi nơi khác.
Khoảng tháng 5.2011, từ nguồn tin của một số nhân viên ngân hàng, Như biết được có một số công ty ở Hà Nội đang có nguồn tiền muốn gửi và cần gặp trực tiếp để đàm phán”. Như lập tức bay ra Hà Nội. Tại Hà Nội, thỏa thuận tiền gửi của đại diện 3 công ty với Như được hoàn tất, lãi suất từ 18 đến 22%/năm tùy theo số lượng tiền và thời gian gửi. Trở về TP.HCM, chỉ trong vòng 4 tháng, Như đã làm giả 110 hợp đồng tiền gửi và phụ lục hợp đồng với 3 doanh nghiệp ở Hà Nội, huy động tổng cộng gần 2.500 tỉ đồng. Sau khi tiền được chuyển về tài khoản của họ mở tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM, Như tiếp tục làm giả 127 lệnh chi, ký giả chữ ký của các giám đốc doanh nghiệp trên các lệnh chi đó để rút sạch. Đến thời điểm trước khi bị bắt, Như chỉ mới trả lại cho 3 công ty này tổng cộng cả gốc lẫn lãi chưa đến 1.000 tỉ đồng.
Khoảng tháng 6.2011, nhờ một người tên Lê Huyền Trân giới thiệu, Như biết Công ty CP bảo hiểm Toàn Cầu có tiền muốn gửi vào Vietinbank. Cũng lấy danh nghĩa huy động vốn cho Vietinbank Nhà Bè, chỉ trong vòng 2 tháng Như đã làm giả 5 hợp đồng ủy thác đầu tư “hút” hết nguồn tiền gần 125 tỉ đồng của doanh nghiệp này, đến nay chưa trả lại đồng nào.
Cũng với “cách làm” tương tự, Như đã “săn” được hàng loạt các nguồn tiền khổng lồ, thậm chí từ những “tên tuổi lớn” như Ngân hàng VIB chi nhánh TP.HCM (180 tỉ đồng); Ngân hàng Navibank (200 tỉ đồng); Công ty CP chứng khoán Phương Đông và Công ty CP chứng khoán An Lộc (tổng cộng hơn 550 tỉ đồng); Ngân hàng ACB (hơn 718 tỉ đồng)...
Cơ quan điều tra kết luận, chỉ trong vòng 1 năm rưỡi kể từ lúc nắm quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank chi nhánh TP.HCM, Huỳnh Thị Huyền Như đã làm giả 8 con dấu của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và 7 doanh nghiệp; làm giả tài liệu của 2 ngân hàng Vietinbank và nhiều đơn vị, cá nhân khác để lừa đảo chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân với tổng số tiền lên đến hơn 4.900 tỉ đồng. Cơ quan điều tra cũng xác định, Như đã dùng một phần tiền chiếm đoạt được trả lại cho 4 công ty trong số đó tổng cộng hơn 900 tỉ đồng. (Còn tiếp)
Thủy Long
Bình luận (0)