‘Phù thủy rác thải' với kho ve chai độc nhất khiến người Sài Gòn giật mình

Hoài Nhân
Hoài Nhân
17/08/2018 12:26 GMT+7

Trong căn nhà nhỏ, rất nhiều những món đồ phế thải được ông 'phù phép' trở thành những vật dụng độc đáo khiến ai cũng phải tròn mắt ngạc nhiên.

Đèn cảm ứng "thần kỳ", đồng hồ lồng chim, thùng phuy biết hát, giỏ tầm vông xếp… những món đồ này chỉ nghe cái tên thôi cũng đã thấy... lạ. Để rồi nếu có dịp đến ngôi nhà của một ông lão thu gom rác ở Sài Gòn, bạn sẽ đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Bởi qua tay ông, hàng nghìn thứ bỏ đi bỗng hóa thành những món đồ độc nhất vô nhị, hơn nữa còn... vô giá.
[VIDEO] Ông ‘phù thủy’ hồi sinh rác thải và kho ve chai độc nhất vô nhị
Thực hiện: Hoài Nhân
Ông là Tống Văn Thơm (68 tuổi), sinh ra ở Campuchia và lớn lên ở Sài Gòn. Nhiều người hẳn đã quen với hình ảnh ông "Thơm ve chai”, Chủ tịch Nghiệp đoàn vệ sinh dân lập Q.5, với chiếc xe cứu hỏa 2 bánh kiêm tủ sơ cứu di động tự chế chạy bon bon trên đường. Nhưng ngoài chiếc xe “độ” ấy, ít ai biết ngôi nhà của ông là nơi cả một kho rác thải "hồi sinh".
Chiếc xe chữa cháy kiêm tủ sơ cứu di động này là phương tiện "hành hiệp" của ông Thơm. Ngoài công việc thu gom rác tại địa bàn Q.5, ông còn được nhiều người biết đến là một "hiệp sĩ đường phố", nhiều lần ra tay bắt cướp, sẵn sàng cứu người bị tai nạn trên đường, tham gia điều tiết giao thông... Ảnh: Hoài Nhân
Chiếc xe độc lạ chở theo một chú vẹt nhiều màu sắc. Trên xe có đầy đủ dụng cụ sữa chữa, sơ cứu, 2 bình cứu hỏa cùng nhiều chức năng đặc biệt khác như còi báo động, loa phát nhạc, màn hình sử dụng năng lượng mặt trời. Tất cả đều là những thứ ông nhặt về và sáng tạo. Ảnh: Hoài Nhân
Cổng nhà của ông Thơm được trang trí bằng đồ phế thải trông như lối vào một khu vui chơi. Ảnh: Hoài Nhân
Bên trong căn nhà là hàng nghìn món đồ người ta bỏ đi được ông phân loại và mang về chất từ trệt lên lầu. Trong số đó có hàng trăm món đồ tái chế độc đáo và cả đồ cổ quý giá. Ảnh: Hoài Nhân
“Sau Giải phóng, lúc ổn định nhà cửa, tôi vẫn hay chế tạo vật dụng trong nhà để xài. Về sau, khi thành phố có chỉ thị giảm thiểu chất thải rắn ra môi trường, tôi bắt đầu mang đồ người ta bỏ đi về tái chế thử. Tôi làm nghề gom rác, gặp vợ cũng gom rác, giờ nguyên căn nhà cũng toàn rác, chắc có duyên với rác. Mà rác qua tay tôi rồi là ai cũng khoái nha”, ông Thơm cười khà khà.
[VIDEO] Tủ sơ cứu di động của người đàn ông nhặt rác

Từng được ba mẹ cho theo học trường đào tạo bách nghệ của Pháp nên nghề nào ông cũng biết đôi chút. Ông làm nhiều công việc khác nhau ở Sài Gòn như sửa chữa, phục hồi xe cơ giới, máy ủi, máy xúc, đóng và trục vớt tàu thuyền… Rồi ông mày mò làm "sống lại" nhiều thứ người ta vứt đi.
Một trong những sản phẩm tái chế lạ lùng nhất của ông là chiếc đèn cảm ứng. Đế đèn được lấy từ đèn sạc, kết hợp linh kiện của ti vi. Chóa đèn là bóng cao áp, bên trong là giấy bạc. Tất cả đều được ông nhặt về khi đi gom rác. Khi bạn chạm tay vào, chiếc đèn sẽ "búng" ra những tia sáng cực kỳ đẹp mắt và chuyển động khi ngón tay bạn di chuyển. Ảnh: Hoài Nhân
Chiếc quạt trần kết hợp đèn chùm được ông sáng chế từ năm 1979 đến nay vẫn hoạt động tốt. Cánh quạt làm từ những miếng kính mica của xe hơi ngày xưa. Ông tỉ mẩn cắt gọt, ghép nối trong vòng 6 tháng, vì chỉ cần chênh một li, cánh quạt sẽ quay không đều và dễ rơi, dễ hư hỏng. Khi không hoạt động, những cánh quạt rũ xuống như hình một nụ hoa. Ảnh: Hoài Nhân
Chiếc thùng phuy này có thể phát nhạc, bắt radio, thậm chí karaoke như một chiếc loa di động hiện đại. Mỗi đồ vật đều được ông viết tên kèm ngày tháng tái chế cụ thể. Ảnh: Hoài Nhân
Một đế cắm bút hình bông hoa, kết hợp với chiếc quạt điện. Mong muốn của ông là cho mọi người thấy những món đồ tưởng phải bỏ đi nhưng thực ra không hề vô dụng. Chỉ cần biết cách tái chế, chúng ta có thể góp phần vào việc bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Hoài Nhân
Chiếc mặt nạ phát sáng đã hỏng được ông "hồi sinh" bằng thiết bị sạc điện thoại. "Nhiều món đồ ngay cả tôi cũng không làm được cái thứ hai. Vì tôi không có kiến thức về nguyên lí hoạt động nên không làm lại y hệt được. Vả lại, chất liệu là đồ phế phải nên không cái nào giống cái nào", ông Thơm cho biết. Ảnh: Hoài Nhân
Ông Thơm cũng cho biết, tùy vào món đồ mà ông có thể bán hoặc không bán. Những thứ ông bán đi thường là những thứ ông có thể làm được cái thứ hai, hoặc người mua tìm đến với mục đích trưng bày, lưu giữ. Với những ai muốn mua đi bán lại kiếm lời, ông tuyệt đối không bán, dù họ có trả giá cao bao nhiêu.
Không chỉ với các chất liệu sắt, nhôm, linh kiện điện tử... ông Thơm còn có thể đục đẽo gỗ, đá thành những hình thù đẹp mắt. Đó là những chiếc xe bằng gỗ cây gõ, mặt người bằng rễ tầm vông, hay hình thú vật, lọ hoa... Ảnh: Hoài Nhân
Chiếc giỏ bằng chất liệu cây tầm vông, có thể xếp dẹp gọn gàng. Ông Thơm cho biết, ông rất muốn mọi người dùng những chất liệu thế này để không gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hoài Nhân

Ông còn nuôi nhiều con vật như vẹt, trĩ, bồ câu, rồng Nam Mỹ, cút Pháp... Tất cả đều được người khác tặng hoặc ông tình cờ bắt về. Trong nhà ông có một con kỳ đà to mà ông tìm thấy từ đám lục bình trong một lần vận động dọn vệ sinh kênh ở Q.2. Ngoài ra, cây cối ông trồng trong nhà, ngoài sân cũng từ... rác. Đó là những hạt giống hay cây héo ông nhặt về trong những lần thu gom rác. Ảnh: Hoài Nhân
Ông Thơm có rất nhiều những bằng khen, giải thưởng liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường và công tác xã hội. Ông còn nhiệt tình giúp đỡ nhiều sinh viên tìm đến để được hướng dẫn thực hành, làm đồ án về các vấn đề tái chế rác thải, bảo vệ môi trường. Ảnh: Hoài Nhân
Sau một ngày làm việc ngoài đường, ông trở về nhà và lui cui với sở thích kỳ lạ của mình. "Hồi trước bà xã với mấy con của tôi cằn nhằn miết. Nhưng khi chúng đỗ đạt rồi, chúng tự nhìn lại, rồi tự hiểu nhờ những đống rác này của ba mà chúng nên người. Còn bả thì tôi hỏi, bây giờ một là cờ bạc, hai là rượu chè, ba là gái gú, hoặc là tôi ngồi đây với mớ ve chai, làm ra những món đồ có ích, bà chọn cái nào? Riết bả cũng cười thôi", ông Thơm pha trò.

Với ông, làm những món đồ vô dụng sống lại không chỉ là niềm vui, niềm đam mê mà còn là cách mang đến cho cuộc sống những điều tốt đẹp hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.