Ngày 18.3, ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, cho biết từ ngày 10 - 15.2, đoàn điều tra với sự tham gia của cán bộ các đơn vị: Trung tâm GreenViet, Ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Đồng Xuân cùng người dân địa phương đã đến các khu vực rừng tiềm năng tại xã Phú Mỡ (H.Đồng Xuân, Phú Yên) để điều tra hiện trạng quần thể của chà vá chân xám.
Đây là chương trình Nghiên cứu và bảo tồn chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) tại miền Trung và Tây nguyên do Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã Quốc tế (FFI) – Chương trình Việt Nam phối hợp thực hiện.
Mục tiêu của đợt điều tra thực địa là thu thập thông tin về hiện trạng quần thể, phân bố và đặc điểm sinh cảnh sống của loài chà vá chân xám tại một số khu vực rừng thuộc lâm phận quản lý của Ban QLRPH Đồng Xuân.
Ban QLRPH Đồng Xuân được giao quản lý lâm phần với tổng diện tích 22.133 ha, thuộc địa bàn xã Phú Mỡ. Trong đó, khu vực rừng tiềm năng được khảo sát rộng khoảng 1.700 ha. Một số đợt điều tra năm 2018 do Viện Sinh thái học miền Nam thực hiện có ghi nhận sự phân bố của loài voọc chà vá chân xám ở đây.
Kết quả điều tra ở các tiểu khu 50, 52, 53 và 61 (thuộc lâm phần quản lý của Ban QLRPH Đồng Xuân) đã ghi nhận trực tiếp thêm 8 đàn voọc chà vá chân xám với 30 cá thể được quan sát trực tiếp, số lượng ước tính là 48 cá thể.
Khu vực rừng tự nhiên khảo sát là khu vực khai thác gỗ của Lâm trường Đồng Xuân từ trước năm 2005. Trong rừng có nhiều đường xe cũ đan xen thành hệ thống đường xương cá. Một số khu vực trước đây đã khai thác gỗ lớn có nhiều cây con tái sinh, chiều cao khép tán từ 7 - 12 m. Hầu hết khu vực có địa hình phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi hệ thống suối với nhiều gồ đá (đổ về La Hiêng). Thảm thực vật rừng với nhiều cây gỗ có đường kính lớn từ 50 - 100 cm, nhiều tầng tán với các loài gỗ lớn như dẻ, huỷnh, sến, trám, trâm trắng...
Bình luận (0)